Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên bộ đội pháo binh (BĐPB) sử dụng pháo xe kéo tập trung quy mô lớn nhất của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay từ đầu chiến dịch, ta đã huy động tới 229 khẩu pháo, đến cuối chiến dịch đã lên tới 261 khẩu các loại.
Ta đã tập trung 100% lựu pháo, hơn 70% sơn pháo 75mm, 80% cối 120mm, đồng thời đưa vào sử dụng những loại pháo mới, có tầm bắn xa, uy lực lớn như hỏa tiễn H6... Cùng với sự phát triển về lực lượng, trang bị ưu thế hơn hẳn địch, nghệ thuật tác chiến của BĐPB đã phát triển, sáng tạo lên tầm cao mới, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và kiểm tra bộ đội pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Thành công nổi bật về nghệ thuật tác chiến của bộ đội pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trước hết là nghệ thuật bố trí đội hình pháo binh hiểm hóc, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch. Các trận địa pháo binh của ta trong chiến dịch tuy phân tán, giãn rộng, giãn cách giữa các đại đội từ 3-5km, nhưng ta vẫn tập trung hỏa lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu. Trung đoàn pháo lựu 105mm bố trí từ đông bắc Hồng Cúm đến tây bắc Bản Kéo, đã tạo thành một vòng cung hơn 30km.
Quá trình tổ chức, bố trí trận địa, BĐPB đã khắc phục khó khăn, kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên bố trí trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm. Hỏa lực pháo binh tập trung phần lớn vào các mục tiêu trong các trận đánh then chốt, quyết định ở khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu của địch trong cự ly từ 5 đến 7km. Các đơn vị pháo cối cự ly bắn từ 600 đến 800m được bố trí tập trung ở hướng Đông và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm.
Trận địa sơn pháo thọc sâu bố trí trên đồi E, cự ly bắn từ 300 đến 500m cũng đã tạo ra thế hiểm đối với địch, khiến chúng tập trung mọi nỗ lực mà không phản pháo được. Sự xuất hiện hỏa lực pháo binh của ta từ các dãy núi cao ở xung quanh tập đoàn cứ điểm ngay từ phút mở màn chiến dịch đã tạo ra đòn đánh bất ngờ, gây hoang mang lớn cho đối phương.
Cách đánh của BĐPB trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cách đánh và là đỉnh cao của phương pháp "đặt gần, bắn thẳng", một nghệ thuật đặc sắc trong sử dụng pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của từng loại hỏa khí. Quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", pháo binh của ta đã vận dụng linh hoạt nhiều cách đánh như: Đánh gần kết hợp với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, dồn dập, kéo dài,... gây cho địch nhiều tổn thất về vật chất và căng thẳng về tinh thần.
Ngay trong đợt tổ chức hỏa lực chuẩn bị để mở màn chiến dịch, pháo binh ta đã bắn dồn dập trong suốt 1 giờ với hơn 240 khẩu pháo, cối các loại. Ngay trong 15 phút đầu, hỏa lực pháo binh của ta đã tiêu diệt ban chỉ huy địch tại cứ điểm Him Lam, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong tiến công, đánh chiếm Him Lam.
Đến khi chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự vững chắc, pháo binh ta đều có hỏa lực pháo chuẩn bị và hỏa lực chi viện cho bộ binh trong suốt quá trình phát triển tiến công. Trong giai đoạn vây lấn, bộ đội ta phải xây dựng giao thông hào lấn sát vào tiền duyên của địch, nên bị địch chống trả quyết liệt.
Để chi viện cho bộ binh, BĐPB trên nhiều hướng, sơn pháo 75 và cối 82 đi cùng, trực tiếp chi viện khi vây lấn và khi thời cơ đến, sử dụng thêm lựu pháo trực tiếp bắn kiềm chế pháo binh địch. Đặc biệt, trong các trận chống phản kích của địch, hỏa lực pháo binh ta đã chi viện kịp thời cho bộ binh đánh địch trên các hướng và đã tận dụng được thời cơ sát thương lớn quân địch khi chúng bộc lộ ngoài công sự.
Với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo, BĐPB đã khai thác và phát huy được mọi tính năng, tác dụng của các loại pháo, cối, sớm hình thành lối đánh hiệp đồng và độc lập, góp phần đánh tiêu diệt lớn quân địch trong chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kế thừa kinh nghiệm về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, BĐPB đã vận dụng, phát triển sáng tạo, phù hợp trong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tạo ra cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để ngày càng hoàn thiện phương pháp chuẩn bị và sử dụng lực lượng pháo binh trong tác chiến hiện đại...