Mỹ “nhức đầu” tính kế duy trì sức mạnh tàu ngầm

Google News

(Kiến Thức) - Do khủng hoảng kinh tế, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ không được bổ sung và đang dần trở nên lỗi thời.

Đây là nhận định của Tạp chí The Diplomat trong bài bình luận về sức mạnh tàu ngầm hạt nhân Mỹ hiện nay.
Theo The Diplomat, với một ngân sách khiêm tốn, việc duy trì sức chiến đấu và hiện đại hóa tàu ngầm đang làm đau đầu các cấp chỉ huy Hải quân Mỹ. Hiện đại hóa số tàu ngầm tấn công là vấn đề được đặt lên hàng đầu (thực ra còn một vấn đề nữa, đó là thay thế hoặc hiện đại hóa các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, nhưng việc đó sẽ làm cạn kiệt ngân sách Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ, đó sẽ là vấn đề được bàn đến trong một ngày khác).
 Thiếu tiền là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới sức mạnh tàu ngầm Mỹ suy giảm.
Hải quân Mỹ đặt mục tiêu đóng 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia mỗi năm, nhưng các tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles từ thời Chiến tranh Lạnh thậm chí còn được loại biên chế với tốc độ nhanh hơn. Những khoảng trống trong lực lượng không dễ gì bù đắp được.
Quốc hội và Hải quân Mỹ không có nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề: “Phải đẩy mạnh đóng mới các tàu ngầm, giao thêm nhiệm vụ bổ sung cho các đơn vị hiện có, đồng thời chia sẻ bớt nhiệm vụ của các tàu ngầm tiến công cho các lực lượng khác”.
Chương trình tàu ngầm Virginia khó có thể được tài trợ thêm, nhưng chương trình tàu ngầm không người lái có thể gánh vác một phần nhiệm vụ chống ngầm cho lực lượng tàu ngầm hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng rất hạn chế, bởi bản thân các tàu ngầm không người lái cũng chưa chứng minh năng lực của mình cho nhiệm vụ này. Nhưng đó gần như là giải pháp khả thi nhất hiện nay.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ luôn phải duy trì ưu thế trước các lực lượng hải quân khác ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Không chỉ là đóng tàu, mà còn phải đào tạo thủy thủ đoàn tinh nhuệ cho các tàu ngầm, điều đó cũng tốn kém nhiều thời gian và chi phí.
Tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ chủ yếu được sử dụng để ngăn chặn các tuyến đường vận tải, săn lùng và tiêu diệt tàu ngầm, hạm nổi của đối phương. Tàu ngầm tấn công có thể được trang bị ngư lôi, tên lửa diệt hạm hoặc tên lửa hành trình đối đất. Điều đặc biệt là tuy các tàu ngầm Mỹ có thể mang tên lửa hành trình chống tàu mặt nước UGM-84 Harpoon, nhưng đa số chúng thường chỉ mang các tên lửa hành trình đối đất Tomahawk.
 Tàu ngầm Mỹ có thể mang vũ khí chống tàu Harpoon nhưng lại ít khi sử dụng, và đó là sự lãng phí.
“Đó là những câu hỏi rất khó giải thích: Tàu ngầm tấn công dùng cho nhiệm vụ ngăn chặn các tuyến vận tải, nhưng đa phần chỉ mang tên lửa hành trình đối đất? Đó có thể là sự lãng phí, và Hải quân Mỹ cần tối ưu hóa lực lượng cho chiến lược kiểm soát biển của mình”, The Diplomat viết.
Nếu như được trang bị tên lửa Harpoon, tàu ngầm Mỹ có thể tấn công những mục tiêu cách mình khoảng 130km. Diện tích kiểm soát là một vòng tròn bán kính 110km. Nếu như thay thế tên lửa Harpoon bằng các vũ khí khác, như ngư lôi Mark 48, con số này giảm rất mạnh theo bình phương bán kính. Do đó, thay vì tăng số lượng tàu, nên tìm cách tăng tầm sát thương và kiểm soát của mỗi tàu ngầm. Đó là giải pháp tích cực nhất hiện nay.
Vấn đề là cần duy trì một mật độ tàu ngầm đủ để kiểm soát vùng biển rộng, nhưng khi cần có thể nhanh chóng tập hợp để cùng tác chiến. Do đó, không chỉ là số lượng, mà quan trọng nhất là chất lượng.
Điều cần làm ngay với Hải quân Mỹ, đó là bên cạnh việc đóng mới các tàu ngầm, cần phải hiện đại hóa, kéo dài tuổi thọ các tàu ngầm cũ. Các vũ khí mới, có tầm sát thương lớn, đặc biệt là tên lửa Harpoon nên được triển khai để tăng hiệu quả kiểm soát vùng biển. Cùng với đó, chỉ huy hạm đội cần tái bố trí lại lực lượng, sao cho đạt hiệu quả cao nhất mà tốn ít tàu nhất. Đó là giải pháp đứng đắn trong tình thế khó khăn của Hải quân Mỹ hiện nay.
Lương Minh

Bình luận(0)