Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Uông Bí - trại huấn luyện sĩ quan Đại Việt ở Bí Chợ (tây bắc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) của du kích chiến khu Trần Hưng Đạo vẫn mãi là một trận chiến đấu đạt hiệu suất cao và để lại bài học giá trị về sự táo bạo, bất ngờ, tinh thần dám đánh, quyết đánh và sự vận dụng linh hoạt trong công tác binh, địch vận.
Có thể nói, chiến thắng này đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các địa phương khu vực Đông Bắc Bộ, tiến tới thực hiện Cách mạng tháng Tám thành công sau này.
|
Du kích Việt Nam huấn luyện đặt bẫy.
|
Ngày 26/6/1945, Uỷ ban
quân sự cách mạng chiến khu họp tại Ba Xã đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy du kích hạ lấy được đồn Uông Bí và trại huấn luyện sĩ quan Đại Việt ở Bí Chợ. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì tại thời điểm đó, lực lượng du kích của ta rất mỏng, vũ khí hết sức thô sơ và thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu giành thắng lợi, sẽ khiến địch suy sụp tinh thần, qua đó tạo đà để phát triển lực lượng của chiến khu, củng cố cơ sở cách mạng ở địa phương.
Đồn Uông Bí thường xuyên có 6 tên lính Nhật, 60 lính bảo an và 13 lính khố đỏ chốt giữ.
Vũ khí gồm 1 đại liên, 4 trung liên và hơn 70 súng trường.
Ngày 28/6/1945, 5 du kích được trang bị súng ngắn, mang sắc phục lính bảo an, do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy rời căn cứ đến gặp Nguyễn Bình ở cửa sông Uông Bí. Nguyễn Bình bổ sung nhiệm vụ đánh đồn Uông Bí cho Nguyễn Quý Đôn và giới thiệu với Cai Dung, một cơ sở cách mạng mới được giác ngộ ở đồn. Cai Dung đưa đội du kích vào đồn Uông Bí nắm tình hình và trang bị thêm vũ khí. Đến 23 giờ ngày 30/6, Nguyễn Quý Đôn bí mật đến gặp hơn 30 lính bảo an, tuyên truyền, thuyết phục họ dừng các hành động chống phá Tổ quốc, dân tộc và kêu gọi họ ủng hộ cách mạng, tham gia chống Nhật, cứu nước, cứu nhà.
6 giờ ngày 1/7, lợi dụng khi hai tên Nhật đi thuyền ra sông Bạnh Đằng kiếm cá để một tên ở lại sân đồn. Du kích đã hạ sát tên này, rồi cùng lính bảo an lấy trung liên và đại liên bắn bọn đi đánh cá. Một tên chết, một tên chạy thoát vào bờ. Hai kỹ sư Nhật trong nhà máy điện Uông Bí bị công nhân bắt gọn. Kết thúc trận đánh, du kích và lính bảo an được ta giác ngộ đã bắt sống toàn bộ số quân Nhật trong đồn và trong nhà máy, thu hơn 60 súng trường, 3
súng máy, cùng nhiều đạn dược, nhận 9 lính khố đỏ tình nguyện tham gia du kích và rời khỏi đồn mang theo chiến lợi phẩm về chiến khu.
Trước đó, vào 4/3/1945, bọn Đại Việt được Nhật giúp đỡ đã lập trại huấn luyện, đào tạo sĩ quan của Đảng Đại Việt tại Bí Chợ. Trại thường xuyên có 200 học viên, trong đó có một số thanh niên, học sinh nghèo thất nghiệp ở Hải Phòng; số còn lại chủ yếu là thanh niên của Đảng Đại Việt, do tên quan hai Nhật huấn luyện. Trang bị thường xuyên có 1 đại liên, 2 trung liên, 4 tiểu liên và khoảng 200 súng trường. Việc đánh chiếm trại Thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ rất khó khăn vì trại tận dụng ngôi nhà hai tầng đồ sộ của chủ mỏ để đồn trú. Kế hoạch đánh đồn được xác định là dùng mưu, lợi dụng tên quan hai Nhật đi Hòn Gai, du kích sẽ bất ngờ đột nhập từ các hướng, tiêu diệt bọn lính và bắt sống các học viên của Đảng Đại Việt đang được huấn luyện ở đây.
|
Nữ du kích huấn luyện bắn súng. |
Ngày 29/6, Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy 10 du kích từ trại Sấu tiến về hướng trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ. Theo hiệp đồng, 23 giờ ngày 29/6, Bùi Sinh, một cơ sở cách mạng mới được giác ngộ, sẽ đón du kích tập kết ở ngã ba đường 18 rẽ vào trại và dẫn vào khu vườn của trại để lấy súng, cùng các trang bị khác. Nhưng do trời mưa to, đêm tối nên một nửa tiểu đội bị lạc. Gần sáng, khi không chờ được nữa, Nguyễn Bình quyết định đánh trại địch với lực lượng hiện có. Khi kẻng báo thức vang lên, Nguyễn Bình phát lệnh tiến công, các du kích xông vào nhà hai tầng, chia nhau đánh chiếm từng phòng. Bị tiến công bất ngờ, địch không kịp phản ứng. Ta đã nhanh chóng bắt toàn bộ quân địch trong trại và thu giữ hơn 100 khẩu súng các loại, cùng toàn bộ quân trang, đạn dược. Số học sinh Đại Việt được giải thích chủ trương và chính sách kháng Nhật của Việt Minh đã tuyên bố tự giải tán trại, một số đã xung phong đi theo cách mạng.
Chiến thắng Uông Bí – Bí Chợ tiếp tục tạo thế, tạo lực mới cho chiến khu Trần Hưng Đạo, mở hướng phát triển về Quảng Yên, Hòn Gai, Kiến An và Hải Phòng, cơ sở cách mạng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Sau chiến thắng này, vũ khí của chiến khu Trần Hưng Đạo được bổ sung và tăng lên gấp ba lần, gồm 500 khẩu các loại gồm đại liên, trung liên, tiểu liên, súng trường... Quân số cũng tăng lên, biên chế thành: Đại đội Hoàng Văn Thụ do Bùi Tống chỉ huy; các trung đội Ký Con, Đề Thám, Phạm Hồng Thái do các đồng chí Lê Phú, Phạm Minh Hà và Vũ Quang Thiện chỉ huy. Đây là những đơn vị nổi tiếng trong kháng chiến chống thực dân pháp sau này.