Giúp bạn cũng là giúp mình
Đầu năm 1949, trong cuộc đấu tranh với Quốc dân Đảng (do Tưởng Giới Thạch đứng đầu, nên còn gọi là quân Tưởng), Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trên đà thắng lợi. Tuy nhiên ở vùng Hoa Nam, lực lượng Quốc dân Đảng còn khá mạnh đã gây khó khăn cho việc phát triển cơ sở cách mạng. Một yêu cầu cấp bách đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này là phải xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang mạnh ở đây để đón đại quân tiến xuống trong nay mai.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử người sang gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị giúp đỡ. Nhận thấy việc giúp đỡ phong trào cách mạng Trung Quốc lúc này cũng giúp cho cuộc kháng chiến chống Pháp của ta nên Trung ương Đảng đồng ý đưa quân sang Trung Quốc.
|
Bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. |
Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tháng 4/1949, lãnh đạo phong trào du kích ở Quảng Tây giáp biên giới Đông Bắc nước ta đề nghị Quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ đánh quân Tưởng để Giải phóng khu Ung-Long-Khâm. Sau khi có sự đồng ý của Trung ương, ngày 23/4/1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 “giúp Quân giải phóng Nhân dân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế của bạn”.
Để thực hiện nhiệm vụ, một bộ chỉ huy chung được thành lập mang tên Bộ chỉ huy chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn do tướng Lê Quảng Ba, phó tư lệnh Liên khu 1 làm tư lệnh chiến dịch, Trần Minh Giang - cán bộ Trung Quốc làm chính trị viên. Theo yêu cầu của Trung Quốc, chiến dịch chia thành hai mặt trận đánh quân Tưởng ở hai phía đông và tây dãy Thập Vạn Đại Sơn. Trong đó, mặt trận phía tây đánh trước, phía đông đánh sau.
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn
Đêm 12/5 bộ đội ta ở mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn vượt biên giới hướng về đồn Thủy Khẩu – một vị trí đối diện với Phục Hòa (Cao Bằng) của ta.
Theo thỏa thuận với quân khu Tả Giang – Long Châu, cán bộ và chiến sĩ ta được phát mỗi người một tấm quân hiệu bằng vải màu vàng in chữ Trung Quốc màu đỏ “Trung Quốc Nhân dân Giải phóng quân-35 D” cài trên ngực áo.
|
Sơn pháo 75mm của bộ đội Việt Nam. |
Khi quân ta bắt đầu bao vây đồn này thì trời mưa tầm tã. Lực lượng quân ta gồm tiểu đoàn 73 thuộc trung đoàn 74, tiểu đoàn 35 của Bộ điều đến, 1 đại đội pháo 75mm, 1 đại đội trợ chiến cùng 2 đại đội địa phương của huyện Văn Uyên và Thoát Lãng. Trong khi đại bộ phận lực lượng bao vây đồn Thủy Khẩu, chỉ huy quân ta lại cho 1 đại đội tiến sâu vào lòng địch, chiếm núi Độc Sơn để ngăn địch rút về Long Châu.
Đại tướng Chu Huy Mân, khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74, Phó tư lệnh mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn kể lại trong hồi ký Thời sôi động về diễn biến trận đánh đồn Thủy Khẩu: “Sáng hôm sau mưa tạnh, chúng tôi ra lệnh tấn công Thủy Khẩu bằng những loạt đạn pháo 75mm. Tiểu đoàn 73 vác cờ búa liềm tiến sát đồn cùng những tiếng hô vang dội. Quân Tưởng dùng chiến thuật “quân dã ngoại giữ thành” của Nhật để đối phó. Chúng cho quân ra ngoài chỉ để một bộ phận trong đồn bắn tỉa. Nhưng quân dã ngoại bị ta bao vây đã không dám nổ súng mà phải nằm rạp trườn đi từng thước trên mặt đất rồi tháo chạy về Long Châu. Chúng tôi ra lệnh cho bộ đội truy kích”.
Sau 2 ngày đêm trong đánh ngoài vây, quân ta đã hạ được đồn Thủy Khẩu, diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân Tưởng trong đồn. Phía ta cũng hy sinh 11 cán bộ chiến sĩ. Sau trận Thủy Khẩu, quân ta tiếp tục tiến đánh La Hồi, diệt và bắt sống 1 tiểu đoàn quân Tưởng ở chân núi Độc Sơn. Từ Long Châu, địch phái 1 tiểu đoàn đến ứng chiến.
Đại tướng Chu Huy Mân kể: “Ngày 15/6, tiểu đoàn quân Tưởng từ Long Châu đến bị bộ đội ta đánh dồn vào các hang đá ở ven bờ sông Tả Giang gần Hạ Đống. Đến sáng ngày 18/6, chúng kéo cờ trắng xin hàng. Thừa thắng, chúng tôi cho bộ đội tiến lên thị trấn Long Châu. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Tưởng tháo chạy và rút luôn các vị trí Thượng Thạch, Hạ Thạch, Ninh Minh. Thế là cả một dải đất dài 30 km từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống đến Long Châu chỉ trong vòng 15 ngày đã sạch bóng quân Tưởng”.
|
Nghĩa trang liệt sĩ Trung - Việt ở Thủy Khẩu. |
Trên mặt trận phía đông, do đường đi khó khăn hơn nên bộ đội ta phải hành quân mất gần một tháng mới đến nơi. Phát hiện quân ta, quân Tưởng tự động rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Quân ta phối hợp cùng với quân bạn củng cố vùng vừa giải phóng, đánh địch càn quét và tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu. Kết quả quân ta tiêu diệt hơn 1 trung đoàn địch trong tổng số 3 trung đoàn đóng trong vùng, diệt và bức rút 10/12 vị trí ở huyện Phòng Thành, thu hẹp đáng kể phạm vi chiếm đóng của quân Tưởng ở Khâm Châu.
Tháng 10/1949, khi lực lượng vũ trang của Trung Quốc ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực của họ, quân ta rút về nước, kết thúc chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Bộ tư lệnh chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nhận định về kết quả chiến dịch: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Mấy tháng chiến đấu bên đất Trung Quốc, quân đội ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về kỷ luật của bộ đội cách mạng Việt Nam.