Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi mà ta còn chưa mở toang được biên giới liên lạc với các nước anh em xã hội chủ nghĩa, bộ đội ta bên cạnh việc tịch thu vũ khí địch thì còn phải tự tìm tòi sáng chế vũ khí đánh địch. Ví dụ như là súng cối, súng SKZ, súng không giật, bom bay…của “ông tổ quân giới Việt Nam” – Trần Đại Nghĩa.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị quân giới khác cũng tham gia cải tiến hàng loạt loại vũ khí phục vụ bộ đội đánh địch. Thậm chí, có những ý tưởng mà nói ra nhiều người sẽ bật cười, điển hình là khẩu pháo “nối nòng” 75mm trang bị cho Đại đoàn 308 (cách gọi đơn vị cấp Sư đoàn của ta thời chống Pháp, sau này đó chính là Sư đoàn 308).
|
Sơn pháo 75mm kiểu 94 mà bộ đội ta thu được của phát xít Nhật rồi sử dụng để đánh Pháp.
|
Theo tờ Quân đội Nhân dân, sở dĩ có từ “nối nòng” là do trong trận đánh đồn Dóm năm 1949, một khẩu pháo 75mm khi bắn, viên đạn nổ ngay tại hông pháo nên bộ phận cơ bẩm bị vỡ, chỉ còn lại cái nòng. Cùng năm đó, trong trận Bản Pẻ, một khẩu pháo 75mm khác cũng bị đạn nổ sớm nhưng chỉ bị vỡ nòng, còn lại bộ phận cơ bẩm.
Trong tình thế thiếu hỏa lực mạnh đánh đồn địch, từ hai bộ phận còn tốt, những người thợ kỹ thuật quân giới đã cưa cắt và ghép nối thành công, cho ra đời một khẩu pháo mới. Khẩu này được biên chế lại cho Tiểu đoàn 40 sơn pháo thuộc Đại đoàn 308 và tham gia trận đánh phố Lu – nằm cách thị xã Lào Cai khoảng 30km vào ngày 7/2/1950.
Khi đó, khẩu pháo được ghép từ 2 bộ phận nên tính an toàn khó kiểm chứng. Vì thế, bộ đội đào hố và cho buộc dây dài 5m để pháo thủ giật cò. Đáng kinh ngạc khi khẩu pháo “nối nòng” đã bắn hơn 100 viên đạn mà vẫn an toàn.
Đây là trận đánh quyết liệt, kéo dài hai ngày liền, phải đến đợt tấn công thứ ba, bộ đội ta đẩy khẩu pháo 75mm "nối nòng" sát hàng rào, bắn trực tiếp vào hỏa điểm địch, khi ấy, trận địa hỏa lực của địch mới bị tiêu diệt. Đây là trận đánh lớn nhất của quân chủ lực ta kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến thời điểm đó.