Đêm giao thừa tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố, tỉnh lị, thị xã, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền của Mỹ - ngụy. Một trong những trận đánh nổi tiếng và táo bạo trong cuộc Tổng tiến công này là trận đánh dinh Độc Lập đêm mùng 2 tết tại Sài Gòn.
Vào lúc 1h30’ sáng mùng 2 tết, từ căn nhà số 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), các chiến sĩ Đội 5 biệt động gồm 15 người dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Hoàng Thanh (Ba Thanh), xuất phát trên 3 xe hơi nhỏ và 1 Honda (có một xe hơi chứa chất nổ để phá hủy mục tiêu), tiến đánh dinh Độc Lập - sào huyệt cao nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
|
Căn cứ của Mỹ - ngụy ở Chợ Lớn bị quân giải phóng tiêu diệt. |
Đến phía đường Nguyễn Du, gần dinh Độc Lập, lính gác địch phát hiện bắt phải dừng xe. Đoàn xe cứ tiến, chúng lập tức báo động. Các chiến sĩ đi trên xe đầu tiên nổ súng diệt mấy tên này và dùng bộc phá để phá cổng dinh cho xe chứa chất nổ lao vào bên trong.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc xảy ra là bộc phá không nổ do trục trặc kỹ thuật. Nhưng tổ đột phá vẫn lọt được vào bên trong. Lúc này, địch bắn xối xả làm 2 chiến sĩ hy sinh, số còn lại phải tạm lui, 2 người bị thương. Địch từ phía bên trong ập tới bịt kín các cổng. Tình thế nguy cấp, các tổ xung kích buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du.
Cuộc chiến đấu quyết liệt đang diễn ra thì một toán lính Mỹ từ phía đông lao tới, theo sau có 7 xe Jeep chở đầy lính. Không hề nao núng, các chiến sĩ dùng B.40 bắn cháy cả 2 xe và dùng AK quét sạch đám chạy bộ. Ngay sau đó trên đường Thủ Khoa Huân lại xuất hiện một xe Jeep chở đầy lính lao thẳng tới. Các chiến sĩ bình tĩnh chờ chúng đến thật gần mới ném liên tiếp 5 quả lựu đạn, diệt tất cả địch trên xe.
Như vậy, chỉ sau 30 phút chiến đấu, với sự dũng cảm và mưu trí tuyệt vời, các chiến sĩ Đội 5 biệt động đã diệt 2 xe Jeep và khoảng 20 tên địch. Bị tổn thất, địch tăng cường lực lượng, kéo đến mỗi lúc một đông, có cả xe bọc thép. Cuộc đọ súng diễn ra quyết liệt, thêm một số chiến sĩ ta hy sinh.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. Đến 3h sáng vẫn không thấy tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn và thanh niên, sinh viên kéo đến tiếp sức như kế hoạch. Đến 4h sáng, Đội trưởng Trương Hoàng Thanh hy sinh.
Gần sáng, còn lại 8 chiến sĩ rút vào nhà số 56 Thủ Khoa Huân cố thủ trên tầng 3. Đói, mệt giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, 8 chiến sĩ vẫn ngoan cường chiến đấu suốt cả ngày 31/1/1968 (tức ngày mùng 2 tết), trong đó có cả một chiến sĩ nữ là y tá Chín Nghĩa.
Quyết tâm tiêu diệt lực lượng ta, quân ngụy dùng thang cứu hỏa leo lên lầu. Các chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tháo súng vứt bỏ, dùng gạch, đá, gỗ chặn địch. Đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau Muống) đã anh dũng dùng AK chốt chặn địch ở cầu thang và hy sinh.
Mờ sáng hôm sau, 7 chiến sĩ còn lại trên sân thượng chuyển qua ngôi nhà kế bên và tiếp tục vừa đánh địch vừa di chuyển. Đến nhà số 108 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), tất cả rơi vào tay giặc.
Để có được trận đánh vang dội vào dinh Độc Lập này, công tác chuẩn bị, đặc biệt là chuẩn bị vũ khí, đã được tiến hành từ rất sớm với kế hoạch cực kỳ bí mật và chu đáo.
Toàn bộ vũ khí chuẩn bị cho trận đánh này được cất giấu trong một căn hầm của biệt động thành được xây dựng trong căn nhà gác lửng mang số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 10, quận 3, TP HCM.
Đây là căn nhà phố nằm trong một dãy có cùng cấu trúc mặt tiền, cửa sắt kéo, diện tích khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m). Chủ nhà là nhà thầu khoán Trần Văn Lai sử dụng vừa để ôtô, vừa chứa vật liệu xây dựng.
Vị trí của căn nhà nằm ở đầu hẻm Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) nên gia đình Trần Văn Lai ra vào ngõ Võ Văn Tần. Sau khi thống nhất với người chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Văn Trí, Chính trị viên Đơn vị Bảo đảm thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cấp trên của Năm Lai, căn nhà được mua vào đầu năm 1967.
Mua nhà xong, Năm Lai bắt tay vào sửa chữa và sử dụng với danh nghĩa bên ngoài là thầu khoán mang tên Năm USOM (ông Năm Lai thường vào cơ quan USOM của Mỹ để đấu thầu). Với lý do phải sửa chữa hầm cầu nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước của căn nhà, thực chất là làm hầm bí mật, anh Năm đã sử dụng những người thợ tin cẩn nhất. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn được giữ hết sức bí mật.
Với kế hoạch chu đáo và sáng tạo, một căn hầm bí mật đã được xây dựng. Dưới nền nhà, bên trong buồng có hai hầm cạnh nhau, mỗi đường có đường cống lớn, vừa người chui, thông ra phía sau nhà. Hầm chứa vũ khí có kích thước dài 2m, ngang 1,2m, cao 2,5m, vách và nền hầm được làm bằng xi măng dày để chống thấm.
Riêng miệng hầm, đích thân anh Năm tự tay lắp đặt. Để làm công việc quan trọng này, anh phải đợi đến lúc nửa đêm khi mọi người yên giấc mới bí mật tiến hành. Điểm đặt miệng hầm được chọn gần cầu thang và nắp đậy được cấu tạo bằng 6 miếng gạch dính liền có chốt vặn. Diện tích của nắp hầm là 0,4m x 0,6m. Chỉ cần dùng khoen đính chốt nhấc bổng nắp lên là có khoảng trống vừa một người chui xuống.
Gần nửa năm sau vào giữa năm 1967, căn hầm được hoàn thành và được thông báo đến Đơn vị Bảo đảm (mang bí số J9 T700). Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ huy đơn vị ra lệnh tiếp tục triển khai công việc như kế hoạch đã định.
Để chở một khối lượng lớn vũ khí với nhiều chủng loại đến đây (gồm súng ngắn, AK, đạn các loại, B.40, bộc phá…), Đơn vị Bảo đảm phải chuẩn bị một bộ ván rỗng ruột (do ông Trần Phú Cương, bí danh Năm Mộc - một chiến sĩ biệt động nội thành đóng). Bộ ván đóng xong được chuyển về xã Phước Hiệp (gần Bàu Mây - Suối Cụt). Tại đây, vũ khí được khéo léo cất giấu trong bộ ván rỗng ruột.
Sau đó, ông Chín Teng, một cơ sở cách mạng của ta dùng xe bò chở đến điểm hẹn ở Củ Chi, nghi trang như một cuộc mua bán. Bộ ván có chứa vũ khí bên trong tiếp tục được đưa lên ôtô mang biển số EC 6045 do Ba Bảo (Nguyễn Văn Bảo) lái chở đến điểm tập kết cất giấu.
Lần khác, vũ khí được giấu trong cà tăng (loại cót dùng làm vách) khoanh tròn. Mỗi lần xe chở vũ khí về nhà, các chiến sĩ đều chọn thời điểm nhá nhem tối, lùi xe vào tận trong nhà xuống hàng để tránh sự chú ý của mọi người xung quanh.
Thực hiện kế hoạch tiến công trong tết Mậu Thân, ngày 29 tết, tại xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, đơn vị được giao nhiệm vụ là Đội 5 biệt động tiến hành thực tập chuẩn bị cho kế hoạch tiến công dinh Độc Lập.
|
Máy bay lên thẳng đổ xuống đường phố Sài Gòn tiếp tế cho quân Mỹ bị kẹt. |
Sáng mùng 1 tết, hòa trong dòng người đi chơi xuân, các chiến sĩ Đội 5 biệt động lần lượt dùng nhiều phương tiện khác nhau tập hợp tại căn nhà số 436/58 đường Hoàng Đạo (nay là đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3). Chủ căn nhà là chiến sĩ biệt động Lê Tấn Quốc (bí danh Bảy Rau Muống).
Đến 22h đêm, theo kế hoạch, toàn Đội 5 biệt động chuyển đến nhà Năm Lai trên 2 xe ôtô của Lê Tấn Quốc. Đến nơi, cả hai xe đậu trên đường Trần Quý Cáp, các chiến sĩ vào nhà Năm Lai từ cả cửa trước và cửa sau.
Theo sự chỉ huy của Ba Thanh, một số đội viên xuống hầm mang vũ khí và thuốc nổ lên, kiểm tra rồi đưa lên ôtô đậu trong nhà. Sau cùng, Năm Lai lái xe trong nhà ra đậu kế bên hai xe Đội 5.
Theo bố trí, Mai Văn Năm lái xe đi đầu có nhiều pháo thủ và chất nổ cùng 2 đội viên. Kế tiếp là xe Chỉ huy phó Hai Thanh cùng 6 đội viên trang bị súng AK và lựu đạn. Xe cuối do Lê Tấn Quốc lái cùng Chỉ huy trưởng Ba Thanh, Chín Nghĩa cùng các đội viên còn lại. Chính trị viên Sáu Rồi sử dụng Honda đi trước trinh sát. Và trận đánh vào dinh Độc Lập đã diễn ra như đã viết ở trên.
Sau tết Mậu Thân, với thành tích chiến đấu anh dũng, liệt sĩ Lê Tấn Quốc được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, nhờ có căn hầm chứa vũ khí ở số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu quân ta đã có điều kiện tốt cho trận đánh táo bạo vào dinh Độc Lập.
Ngày nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ phục vụ tham quan, học tập và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.
Theo bố trí, Mai Văn Năm lái xe đi đầu có nhiều pháo thủ và chất nổ cùng 2 đội viên. Kế tiếp là xe Chỉ huy phó Hai Thanh cùng 6 đội viên trang bị súng AK và lựu đạn. Xe cuối do Lê Tấn Quốc lái cùng Chỉ huy trưởng Ba Thanh, Chín Nghĩa cùng các đội viên còn lại. Chính trị viên Sáu Rồi sử dụng Honda đi trước trinh sát. Và trận đánh vào dinh Độc Lập đã diễn ra như đã viết ở trên.
Sau tết Mậu Thân, với thành tích chiến đấu anh dũng, liệt sĩ Lê Tấn Quốc được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, nhờ có căn hầm chứa vũ khí ở số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu quân ta đã có điều kiện tốt cho trận đánh táo bạo vào dinh Độc Lập.
Ngày nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ phục vụ tham quan, học tập và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.