Độc giả Nguyễn Anh Ngọc – một người từng làm đa cấp đã cay đắng khi nhận ra đó là một trò lừa đảo và muốn có đôi lời tâm sự với những bạn trẻ đã, đang và sắp có ý định bước chân vào lĩnh vực này.
|
Một khu nhà trọ ở của các học viên đa cấp Lô Hội tại Thái Bình. (Ảnh: VTC News) |
“Cách đây 1 năm khi mới chuyển đến làm cho 1 công ty tin học ở Mỹ Đình, tôi đã gặp 1 bạn nữ. Ban đầu thì vui vì 2 người là đồng nghiệp và còn là người ở cùng tỉnh. Sau đó, qua thời gian tiếp xúc, giữa 2 chúng tôi cũng nảy sinh tình cảm.
Tôi đã rất vui và cả 2 thường cùng nhau bàn luận về công việc và tương lai. Khi đó cô ấy tỏ vẻ rất quan tâm đến ước mơ và sở thích của tôi.
Luôn hỏi tôi về những bức xúc với người chủ doanh nghiệp, nói với tôi rằng tôi rất có năng lực mà công ty đối xử không công bằng, nếu cứ làm công việc mình đang làm chỉ là làm thuê và là công cụ kiếm tiền cho chủ doanh nghiệp mà thôi, phải tự mình làm chủ và tính kế lâu dài cho tương lai.
Cô ấy nói hiện tại đang theo học một lớp kinh tế rất uy tín của 1 tập đoàn lớn nước ngoài vào tối thứ 2 và thứ 5, lớp học này cấp chứng chỉ rất giá trị và uy tín nên không thể bỏ học và đi chơi với tôi vào 2 tối đó.
Cho đến một hôm, có lẽ là khi đã chiếm được niềm tin của tôi sau rất nhiều thử thách tình cảm, cô ấy rủ tôi khi 2 người đang đi chơi thì tranh thủ đến lớp học một lát vì bài hôm nay rất hay và quan trọng.
Thế là kể từ lúc tò mò bước vào lớp học nằm ở số 2 hay 12 Đào Tấn (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi bắt đầu dính vào đa cấp (tôi không nhớ rõ số địa chỉ nhưng đó là hội trường của một trung tâm hành chính thì phải).
Khi mới bước vào hội trường tôi tưởng họ là đang truyền đạo trái phép, vì hội trường đông nghẹt mấy trăm người mà rất im ắng chăm thoại, nhiều người đến sau phải đứng chen chúc để nghe và ghi chép.
Giờ giảng bài nghe khá thú vị dù tôi không hiểu lắm là những cái bắt tay và lời hỏi thăm rất thân mật từ những người được giới thiệu là bạn thân trong nhóm của cô ấy.
Lúc đó tôi chỉ bắt tay và quan hệ xã giao để làm đẹp lòng cô ấy thôi (trước đó tôi chưa từng tham gia vào đa cấp và cũng chẳng thích đọc hay tò mò gì về nó cả vì tôi nghĩ đó là việc kinh doanh buôn bán, mà tôi thì chỉ làm công việc thuần về kỹ thuật thôi nên không thích và không quan tâm).
Sau đó mấy hôm, cô ấy đưa tôi về ra mắt gia đình. Tôi nghĩ rằng chuyện của mình quan trọng nhưng thực ra sau này mới biết mục đích thật sự là đưa tôi và mẹ cô ấy đi hội thảo. Khi về nhà cô ấy cũng đã đưa tôi đi thăm mấy người họ hàng và không quên mời họ sáng Chủ nhật đi dự hội thảo sức khỏe cộng đồng ở khách sạn hoành tráng nhất tỉnh, tuy nhiên tất cả họ đều từ chối.
Chủ nhật hôm đó là lần đầu tiên tôi tham dự một hội thảo đa cấp, lúc đầu thì tôi chẳng hứng thú gì khi học giới thiệu về công ty hay sản phẩm nọ, sản phẩm kia cho đến khi MC giới thiệu lên một người có lý lịch rất "khủng" là một nữ đại tá, tiến sĩ bác sỹ đã từng chăm sóc thi hài Bác Hồ lên diễn thuyết và buổi chiều là một doanh nhân cử nhân ngôn ngữ du học bên Pháp.
Câu chuyện của 2 người này thực sự đã làm thay đổi suy nghĩ và chiếm trọn niềm tin của những người trong hội trường. Kết thúc hội thảo, tôi biết rằng rất nhiều người trong đó có tôi có thể sẵn sàng bỏ tiền để mua sản phẩm hay thậm chí là bỏ việc để đi làm đa cấp ngay lập tức.
Từ đó theo guồng xoay và công nghệ tuyển người của họ, tôi đã vào đa cấp. Khi con người bạn bị rửa não bằng những sự khích lệ thậm chí là khích tướng nữa thì tự bản thân họ sẽ làm những điều khó mà tưởng tượng và lường trước được.
Tôi bắt đầu làm nghèo bản thân, vay mượn khắp nơi để bằng mọi giá mua được gói sản phẩm theo tiêu chuẩn của công ty.
Tôi cũng bắt đầu rủ rê lôi kéo người thân và bạn bè của mình vào công ty. Tôi còn phải đi học buổi tối thứ 2 thứ 5 và đi hội thảo vào chủ nhật và đi cà phê tất cả các buổi tối, chưa kể là rất thường xuyên phải xin nghỉ việc để đi gặp đối tác và đi đào tạo.
Cứ như thế, quỹ thời gian của tôi hẹp lại và tôi bắt đầu bỏ bê công việc (thật rất không may mắn cho tôi là công ty tin học mà tôi làm việc lúc đó cũng là một công ty không tốt và đã có truyền thống sa thải và gây khó dễ nhân viên).
Cô ấy vào đa cấp trước tôi và tất nhiên là sẽ bê trễ công việc hơn tôi, chuyện gì đến cũng đến, cô ấy bị sa thải. Dù thế cô ấy cảm thấy tự hào lắm vì được tự do dùng toàn bộ thời gian làm đa cấp.
Tôi vẫn tiếp tục làm việc ở đó vài tháng cho đến khi bỏ việc, sau đó là bỏ đa cấp và chia tay luôn với cô ấy.
Lý do vì tôi đã dần nhận ra mình bị lợi dụng và lừa dối như thế nào, rằng cuộc sống và uy tín của mình đã giảm sút tệ hại như thế nào sau mấy tháng theo đa cấp. Một mình tôi đã dùng hết mười mấy lọ sản phẩm trị giá gần chục triệu mà chẳng thấy có phản ứng đào thải hay tín hiệu tốt gì như họ đã nói.
Tôi nhận ra người thân và bạn bè dần xa lánh mình vì cứ suốt ngày giục giã vay mượn họ. Tôi nhận ra sự dối trá quanh co của các thành viên trong nhóm đa cấp khi nói về bản thân, thu nhập, và tác dụng của sản phẩm.
Người đang làm nông dân thì nổ rằng mình là chuyên gia chăm sóc sức khỏe này nọ của thế giới, người đang là sinh viên cơ khí tại chức thì nổ là kỹ sư khu công nghiệp, người mở của hàng nhỏ phá sản thì nổ là doanh nhân trẻ không thỏa mãn nên từ bỏ kinh doanh truyền thống, người nổ rằng thu nhập hàng tháng mấy chục triệu thì ăn mặc quần áo rẻ tiền, đi xe cà tàng, điện thoại tàu, ăn uống trong những quán sinh viên rẻ tiền nhất, ở tập thể trong nhà trọ tồi tàn, nói rằng dùng sản phẩm rất hiệu nghiệm mà người ốm nhom, mặt đầy mụn nhọt tàn nhang, người bốc mùi và hơi thở khi nói chuyện rất mất vệ sinh...
Nói ra chắc nhiều người không nhịn được cười! Sự dối trá này theo cảm nhập của tôi còn được khuyến khích ngầm theo hiệu ứng đám đông nữa, nó như đánh vào sự sĩ diện trong bản thân mỗi người tham gia đa cấp vậy.
Trong chuyện kiếm tiền để mua sản phẩm, họ không nói cụ thể bạn phải làm như thế nào nhưng lại luôn nói về cách cách họ đã làm để vay được tiền một cách tự nhiên nhưng rất có chủ đích để ngầm gây sức ép với những người mới. Khi tôi có ý định dừng lại thì cô ấy cứ nói là vào đây không cần tiền, chỉ cần kiến thức và quyết tâm mà thôi.
Rồi cô ấy cứ ép tôi phải tham gia các lớp học lặp đi lặp lại. Sau này tôi hiểu rằng làm như thế để tạo ra hiệu ứng đám đông, để ai cũng suy nghĩ rằng người khác đang thành công và làm việc tích cực nên mình phải ganh đua cho bằng người ta.
Khi một người nào đó trong nhóm định bỏ cuộc thì cô ta trấn an những người khác rằng bạn ấy giỏi lắm hay lắm, bạn ấy đang có việc gia đình nên xao nhãng chút chứ không sao đâu, hay bác nọ anh kia dù lớn tuổi và gia đình phản đối quyết liệt nhưng tinh thần thì mạnh mẽ và trẻ lắm, anh phải học hỏi nhiều vào.
Đến khi những người đó bỏ cuộc thì cô ta trở mặt khó chịu và tỏ vẻ như một bà chủ với người làm thuê rằng rằng đã cho thôi việc những người đó vì không nghiêm túc và không cầu tiến (thật ra thì cô ấy làm gì có quyền cho người khác thôi việc đâu).
Song song với cách này là những buổi rửa não trong những nhóm nhỏ khi đi cà phê, cứ thế cứ thế người theo đa cấp sẽ lao vào nó và u mê như tin vào tôn giáo vậy.
Cô ấy nói những người trong cùng nhóm mạng lưới thì không được vay tiền của nhau vì thế là xấu và nó sẽ sao chép tư tưởng đó dẫn đến tan rã hệ thống.
Nhưng có lẽ vì những người nói thu nhập vài chục triệu kia chắc gì đã có tiền mà cho vay, khi tôi nói sẽ nhượng lại số sản phẩm tôi đã mua với giá một nửa giá tôi mua ban đầu cho những người trong nhóm để trang trải nợ nần thì cô ấy nói rằng “chúng em làm kinh doanh anh ạ nên còn thiếu tiền nhiều hơn anh nhiều, hàng đã mua rồi không thể trả lại, việc này em không giúp được, em chỉ có thể tư vấn giúp anh tự sử dụng cho hết số sản phẩm đó thôi”.
Sau đó cô ấy và mấy người trong nhóm vẫn còn gọi điện mời tôi tham gia mấy dự án về bất động sản và du lịch nữa nhưng tôi từ chối vì tôi biết mục đích thực sự đằng sau đó là gì rồi. Để không còn phiền hà, tôi đã thay số điện thoại và chuyển nhà ngay khi tìm được công việc mới. Từ đây tôi đoạn tuyệt vĩnh viễn với đa cấp.
Tôi không nói mình đã bị lừa vì tôi đã nhận được những bài học dù đắt giá. Theo ý kiến chủ quan của tôi: Có thể đâu đó trên thế giới, đa cấp không sai. Nhưng ở Việt Nam, tôi không thấy nó là đúng".