Hai nhà đối diện nhau trong con hẻm nhỏ. Chẳng hiểu có phải vì từ cùng một bàn tay kiến trúc sư nào đó không mà gần như tất cả những căn nhà trong con hẻm này đều có cấu trúc giống nhau: một trệt một lầu, cổng cao vút không hở một chỗ trống, một khoảnh sân nhỏ để xe và một phần ban công nhô ra, buông rủ vài hàng hoa ẻo lả. Nhưng, khác với cái kiến trúc giống nhau ấy, hai nhà tương phản nhau đến kỳ lạ.
Một ngôi nhà có sáu người ở, là cả một không gian văn hóa miền Trung. Thứ tiếng "quê quê" mà dễ nhớ, dễ thương không phát ra từ người này thì lanh lảnh từ người kia, nhà chẳng khi nào ngớt tiếng. Vì nhà không rộng, lại đông người, nên từ phía đối diện nhìn sang, lúc nào cũng thấy người: buổi sáng í ới đi học đi làm, buổi trưa trải chiếu lăn ra phòng khách mà ngủ, buổi tối rộn ràng bình luận thời sự hay phim Hàn… Những bữa ăn, sáu người ngồi kín gần hết cái phòng khách nhỏ, giọng trẻ giọng già cứ như đua nhau. Ngôi nhà ấy trở nên “lạ” giữa những ngôi nhà hẻm thường trầm lắng đến mức không biết đang có ai ở bên trong hay không. Và nhà ấy cũng bừa bộn đến khó hiểu. Sau một ngày, cư dân hẻm lại thấy mấy túi rác to đùng trước nhà, để sẵn cho người dọn rác đến lấy. Xe máy xe đạp chen chúc trước nhà, tràn cả ra hẻm. Đồ đạc thì chất tận đến mép ban công, chỉ nhìn thôi đã ngán.
|
Ảnh minh họa. |
Ngược với ngôi nhà ấy, ngôi nhà kia thật im ắng. Chủ nhân của nó - một cô gái không già cũng chẳng còn trẻ, không vui cũng chẳng buồn, sáng dắt xe đi, chiều dắt xe về. Cô thường chỉn chu mỗi khi ra đường đúng kiểu của dân văn phòng. Nhà cô cũng gọn gàng, sạch sẽ như cô vậy, bởi có bao giờ cô phải bày biện hay xới tung vẻ bình lặng của nó đâu. Bàn ghế trong nhà cô bình yên và cố định. Một chiếc bàn to đặt giữa bếp, xung quanh là bốn chiếc ghế đặt cân xứng đến độ cô lười biếng kéo bất cứ chiếc nào ra khỏi cấu trúc đối xứng đó. Thường thì bữa tối cô nhẹ nhàng mang cả phần cơm lên phòng khách, vừa ăn vừa xem ti vi. Âm thanh từ ti vi là thứ âm thanh gần như duy nhất trong nhà.
Tại sao có lúc sự gọn gàng, sạch sẽ toát lên từ một ngôi nhà lại khiến người ta bức bối, khó chịu đến vậy? Ấy là vì nó được đặt trong tương quan so sánh với ngôi nhà rộn ràng bừa bộn bên kia. Cô thấy nhà mình như một thực thể không sống. Sự gọn gàng cứ như biểu hiện của một sự đông cứng, một sức ỳ không chuyển động. Tủ lạnh là thứ cô dùng thường xuyên nhất, nhưng cô không thể “kham” nổi cả cái tủ lớn, cứ cuối tuần là cô lại tổng vệ sinh bằng cách bỏ bớt những thức ăn chưa kịp dùng tới. Hai ngày một lần, cô phải lột hết vỏ gối, drap giường ra để giặt cùng quần áo cho đủ một “mẻ”. Vì thế, căn nhà đã sạch lại càng chẳng có lúc nào… được bẩn.
Người đi qua con hẻm không thể biết bên trong hai ngôi nhà giống hệt nhau, nhịp sống lại khác nhau đến thế. Những cô gái độc thân, những chàng trai độc thân đang sống một mình trong những ngôi nhà mà nhìn từ bên ngoài, ta cứ tưởng là không gian của cả một gia đình. Tôi hình dung về gia đình như ngôi nhà của bố mẹ tôi, quanh năm ra vào dễ “đá thúng đụng nia”, làm việc nhà thôi đã không ngớt tay, vậy mà vẫn thấy chỗ này còn bừa, chỗ kia cần chỉnh. Nhưng, cái sự nền nếp, thuận hòa như một nhịp sống đang trôi chảy bên trong mà ai cũng nhận biết được. Cái nhịp sống ấy như tiếp thêm năng lượng cho mọi thành viên. Người ta phải sống trong một gia đình, đâu phải sống trong “xác” một ngôi nhà.
Tôi là người đang sống ở một trong hai ngôi nhà vừa kể.