Lạc giữa nhà chồng

Google News

Lấy nhau, về sống chung trong đại gia đình nhà chồng, chị mới nhận ra, hóa ra bờ vai anh to rộng thật, nhưng không đủ để chị dựa vào.

Chị thấy mình run run khi chạm tay vào xấp tiền mỏng lét. Chỉ còn sáu tờ polyme màu xanh, mệnh giá cao nhất. Như vậy, bảy triệu đã không cánh mà bay. Tiền để trong tủ, tủ đặt trong phòng riêng của anh chị, nghĩa là chẳng cần phải dò hỏi hay nghi ngờ gì cho thêm nhọc.
Anh đương nhiên là không chối. Anh bảo, không hỏi han mà tự ý lấy vì biết chị sẽ không đồng ý, việc gì phải bàn bạc chi cho mất công.
Lần này anh chị cãi nhau to. Chị thấy sự kiên nhẫn của mình đã bị thử thách đến tận cùng. Sao anh có thể muốn lấy là lấy, muốn xài là xài, tùy tiện như vậy chứ? Dù là tài sản chung của hai vợ chồng, thì cũng cần phải thống nhất với nhau, đằng này, đây là tiền riêng chị dành dụm, định đưa mẹ ruột ở quê đi chữa bệnh. Hôm chị cất mười triệu vào đây, đã nói rõ với anh như thế rồi còn gì!
Anh lại buông ra cái kết luận quen thuộc, rằng chị quá coi trọng đồng tiền, xem tiền bạc lớn hơn mọi thứ. Gia đình cần thì anh mới chi dùng, chứ anh đâu mang tiền đi chơi mà chị làm ầm ĩ. Người gì không có chút tình nghĩa nào hết! Chị ngồi bệt xuống sàn, nước mắt tràn ra, uất nghẹn trước lý lẽ của người đàn ông mình chọn làm chồng.
Chị quen anh khi còn làm cùng chi nhánh. Anh đẹp trai lại ga lăng và chị bị “cưa đổ” bởi những trò hài hước vui nhộn của anh. Lấy nhau, về sống chung trong đại gia đình nhà chồng, chị mới nhận ra, hóa ra bờ vai anh to rộng thật, nhưng không đủ để chị một lần dựa vào. Ngay từ hôm đầu tiên, anh đã bảo, mẹ nói vợ chồng mình phải góp tiền cơm, nên hàng tháng lãnh lương, em nhớ đưa cho mẹ nhé!
Ảnh minh họa. 
Chị “dạ” mà không tiện hỏi thêm. Rồi chị phải góp phần để mua bộ salon hàng hiệu cho phòng khách, sắm sửa lại đồ điện máy đã cũ trong nhà. Rồi em chồng cưới vợ, chẳng lẽ mình là anh chị mà không lo? Mẹ bảo, em xin việc cho em dâu nó làm với, giờ em đã lên trưởng chi nhánh rồi, có khó gì đâu. Em đừng ky bo như thế, đưa cho cháu chừng đó, không sợ mọi người cười à? Những bổn phận dày đặc ấy làm chị quay như chong chóng.
Chị chẳng phải là không biết phản đối. Thế nhưng, mỗi lần không đạt được yêu cầu tài chính với vợ, là chồng chị mặt nặng mày nhẹ, nói năng trống không, dằn dỗi như một cô nàng đỏng đảnh. Chị tự hỏi, mình đã có lỗi gì mà phải chạy theo năn nỉ kia chứ? Em đừng ỷ làm ra tiền rồi mỗi chút ý kiến, cãi lại chồng, không hay ho gì đâu… Mẹ chồng chẳng khách sáo gì mà không lườm nguýt, xa gần. Đi làm cả ngày, tối mịt mới về, chị đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với thái độ như vậy. Thôi thì cứ đưa tiền ra mà mua lấy sự bình an, vui vẻ. Riết rồi thành quen. Những sự ấm ức trong lòng ấy, chị chỉ dám tâm sự với cô bạn thân, nhận lại câu bình luận tuy chướng tai mà thật đến không ngờ: “Nghe giống như mày đang bỏ tiền bao… trai đẹp ấy nhỉ!”.
Bạn nói không sai! Chồng chị hơn năm nay đã không đi làm. Anh bỏ việc, chỉ thích tụ tập cà phê, chụp ảnh, dắt díu du lịch với hội này nhóm kia. Anh thường xuyên kêu chị đưa tiền tiêu vặt mà không hề thấy ngại. Vừa định lựa lời góp ý với anh, đã nghe mẹ chồng bảo, cho nó nghỉ “xả hơi” ít bữa, có gì đâu. Vợ chồng sống với nhau cả đời, có lúc này lúc khác, đừng được đằng chân lân đằng đầu. Chị chán ngán đến mức chỉ muốn buông xuôi. Đã lâu lắm, chị không còn xuất hiện ở nơi công cộng với chồng.
Câu cửa miệng của anh vẫn là tiền bạc nào có quan trọng. Chị cười trong cay đắng, thầm nghĩ, mấy người nói câu khinh bạc đó thường là kẻ không kiếm nổi những đồng tiền lẻ để lo cho bản thân, nói gì đến việc bảo bọc cho ai. Sống trong nhà chồng, chị thấy mình cái gì cũng phải nem nép chờ ý anh, đợi anh quyết. Thời buổi nào rồi mà mình cứ phải chịu đựng thế này? Ra riêng cho thoải mái ư? Vừa đề cập đến là anh nhảy dựng lên, anh quen sống thế này rồi, có gì mà em không hài lòng cơ chứ? Em đừng tưởng mình có tiền thuê nhà rồi bày đặt này nọ. Chị tự hỏi, hay mình cứ bơ đi mà sống, coi như chấp nhận tốn kém chút đỉnh, yên phận cho xong.
Nhà chồng đông người, nhưng hình như chị chẳng có ai thân. Ốm đau tự biết, vui buồn tự lo. Đôi khi đi công tác xa, đến ngày về, chị mới giật mình nhớ ra, ở cái nơi gọi là tổ ấm ấy, chẳng có ai mong chờ mình. Lần này, em chồng ly hôn, cả nhà chồng bàn bạc việc giành quyền nuôi cháu. Đứa cháu trai mà chị chưa từng một lần thấy ba mẹ chồng ẵm bồng nựng nịu. Vậy mà giờ, chồng chị khăng khăng với quyết định, bằng mọi cách không để đứa em dâu ra khỏi nhà với thằng nhỏ. Nó là cháu trai của nhà này, đâu giỡn mặt được. Dù có tốn tiền lo lót cho tòa án, cũng phải cố. Chị nhìn không khí hừng hực quanh cái “hội nghị” quyết chiến ấy, tự dưng thấy xót xa cho đứa em bạn dâu của mình. Chị tỏ rõ với chồng là mình không ủng hộ việc tranh giành nuôi con ấy, chị sẽ không hùn hạp gì chi phí kiện tụng. Anh gườm gườm không nói, chị đâu ngờ anh đã có cách khác “xoay” tiền giúp em trai mình…
May mà tôi với cô không có con với nhau! Anh kết thúc buổi tranh cãi bằng một câu thẳng thừng như thể chị không đáng để có một đứa trẻ gọi bằng mẹ; Tựa như chị không thấu hiểu được thứ tình cảm thiêng liêng giữa gia đình anh và đứa cháu sắp bị mẹ nó "cướp" đi kia vậy. Nhắc đến chuyện con cái, anh nhiều lần tức giận khi chị thoái thác chưa sinh. Chị tần ngần bởi không biết rủi có gì, mình chị có kham nổi việc nuôi dạy con hay không. Thậm chí là khi xảy ra chuyện, chị chắc gì đã "một mình chống nổi mafia", như cô em dâu kia.
Chị đắng đót nghĩ thêm, ừ, biết đâu là may thật. Mình chẳng vướng bận gì, một cái ba lô là xong, kết thúc hơn sáu năm hôn nhân tù túng vất vả. Chỉ buồn, lỡ dở một đoạn đời…
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)