Tối nay, chiếc xe máy bỗng dưng trở chứng, chị phải nhờ mấy người ở bãi đỗ xe đẩy giùm mới chịu nổ. Về đến nhà, chị vội vàng tháo đống rổ rá tanh rình mùi cá đằng sau xe, giọng lo lắng: “Em về hơi trễ, anh có đói không?”.
Bảy năm nay, từ khi làm vợ anh, chị đã quen với việc tất bật chợ búa, quen với chiếc áo nhễ nhại mồ hôi, quen với chiếc xe gắn máy cũ sẵn sàng “đỏng đảnh”. Chị nghĩ, vất vả một chút nhưng chồng được sung sướng, được theo đuổi đam mê thì cũng đáng.
Nghề của chị được gọi một cách chẳng hay ho gì: “con buôn”, cả ngày lăn lộn nơi chợ búa eo sèo. Mấy năm qua, chị bận đến nỗi không có thời gian để nhìn về ngã rẽ trong quá khứ.
Bốn năm ở giảng đường đã kết nối tình cảm của anh chị. Tốt nghiệp đại học, anh được tuyển dụng vào một trường cấp III ngay trong thành phố, chị nhận được lời mời đến làm việc tận một tỉnh miền Tây. Hai con người xa xứ đứng trước một quyết định khó khăn: cưới nhau hay đường ai nấy đi? Cuối cùng, chị chịu “lùi” để giữ cuộc tình.
|
Ảnh minh họa. |
Cưới xong, anh ngỏ ý muốn học lên thạc sĩ. Với đồng lương ít ỏi của anh, việc học tiếp cứ ngỡ chỉ là “kế hoạch dài hạn”, nhưng rồi chị không nỡ dập tắt sự ham muốn đang bùng cháy trong ánh mắt người đàn ông mà chị yêu thương.
Cơ duyên với một người bạn cũ ở quê đã mở đường cho chị lao vào việc buôn bán. Lúc đầu, chị hay tính nhầm tiền cho khách nên nhiều phen lỗ vốn, thỉnh thoảng lại còn bị một số người cùng nghề ức hiếp nên lắm lúc buồn tủi. Ra đường, hễ gặp người thân là chị kéo khẩu trang che kín mặt, vội vã rẽ xe sang hướng khác. “Mình cũng làm việc, có gì phải xấu hổ?”, nghĩ là nghĩ vậy nhưng đôi lúc chị vẫn thấy chạnh lòng.
Buồn tủi, nhưng nghĩ đến chồng là chị quệt mồ hôi, nhủ lòng hãy cố thêm nữa. Hết thạc sĩ, anh lại ướm hỏi chị về ý định học nghiên cứu sinh. Chị vui vẻ ủng hộ.
Trong những ngày lam lũ ấy, vợ chồng chị có tin vui. Anh bảo chị nghỉ ở nhà dưỡng thai, đợi ngày sinh. Chị ầm ừ một cách miễn cưỡng. Được nửa tháng, thấy chồng chật vật mượn tiền bạn bè, chị lại dỗ chồng cho chị được… đi làm. Sinh con chưa bao lâu, chị nhờ bà ngoại lên chăm, khoác lại mớ áo đẫm mồ hôi, ra chợ.
Nhịp sống cứ thế cuốn chị đi. Chị không nhớ cả ngày sinh của mình, không màng việc soi gương, không buồn sửa bộ móng tay đã xơ xước. Có lẽ, khoảnh khắc hạnh phúc duy nhất trong ngày của chị là được nhìn thấy con cười, được nghe chồng an ủi bằng câu nói quen thuộc: “Em vất vả quá! Ráng đợi anh! Khi nào anh học xong tiến sĩ, em chỉ có mỗi việc ở nhà chăm con, tiền bạc đến lượt anh lo”.
Chỉ còn gần một tháng nữa là anh bảo vệ luận án. Chị hồi hộp đếm lùi. Khách đến hàng tôm cá của chị đông hơn mọi ngày, vì thấy chị buôn bán vui vẻ, vì bán rẻ hơn mọi khi. Thấy mấy cô bán gần mình có vẻ ghen tị, chị tươi cười: “Tui sắp “nghỉ hưu” rồi. Mai mốt tui ở nhà hoặc tìm công việc nào đó lương làng nhàng cho đỡ buồn tay buồn chân thôi”.
Chiều cuối tháng, chị bán hàng xong sớm. Còn hai ngày nữa anh sẽ bảo vệ, chị tranh thủ dạo quanh chợ, mua vài thứ về tẩm bổ cho chồng. Ngang qua cầu, chị thoáng thấy hình ảnh thân thuộc đang đi ngược hướng mình. “Rầm!”. Hình ảnh vừa lướt qua trong mắt khiến chị choáng váng, ngã sóng soài, bọc trái cây văng tung tóe. Anh hãm phanh, xe đi chậm lại. Bóng hồng đang ôm ghì lấy anh thắc mắc: “Có chuyện gì vậy anh?”. “À, ờ… Không có gì!”, anh nói, giọng bối rối rồi phóng xe đi thẳng.
Chuông điện thoại báo có tin nhắn: "Anh sẽ giải thích sau". Dòng chữ nhòe đi theo nỗi chua chát khi bên tai chị vẳng lại câu nói ngọt ngào mỗi đêm: "Ráng đợi anh, khi nào anh học xong...".