Chia nợ

Google News

Vất vả mưu sinh nơi xứ người, ngày trở về, chị còn phải cắn răng chia đôi số nợ của chồng để được... thuận tình ly hôn.

Xin ly hôn, lòi ra nợ
Chị Thanh kể, chị và anh Nguyễn Thành Vinh (cùng ngụ Đông Hải, Bạc Liêu) kết hôn năm 2005. Thời gian đầu, dù nghèo khó nhưng hai vợ chồng luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhau. Năm 2008, anh trai chị Thanh gợi ý chị sang Hàn Quốc lao động. Do gia đình khó khăn, anh Vinh cũng động viên vợ đi để kiếm chút vốn, mai này về buôn bán. Ngang trái của gia đình chị đã bắt đầu từ đó.
Để có tiền học tiếng Hàn và hoàn tất các thủ tục, hai vợ chồng chị Thanh phải vay mượn xóm giềng và người thân hơn 100 triệu đồng. Trong đó, có 70 triệu đồng của anh trai chị cho mượn. Sang Hàn Quốc được sáu tháng, chị đã gửi tiền về nhờ mẹ ruột đưa cho chồng trả khoản nợ anh chị đã vay. Khoản nợ vay của anh trai chị, dần dà chị Thanh cũng trả xong. Thỉnh thoảng, chị còn gửi cho chồng một ít tiền tiêu vặt, sắm sửa vật dụng trong nhà.
Một thời gian sau, qua bạn bè, người thân, chị Thanh biết chồng mình ở nhà không lo làm ăn, mà từ ngày chị đi, anh sinh ỷ lại, suốt ngày tụ tập bạn bè rượu chè, cờ bạc. Gọi về hỏi chồng, anh chối phăng, còn trách móc vợ nghe lời người này người nọ không tin tưởng chồng. Biết mẹ ruột của chị mách chuyện con rể ăn chơi, Vinh còn đến nhà nặng nhẹ, bóng gió. Chị Thanh nhiều lần điện thoại về khuyên lơn chồng nhưng anh để ngoài tai. Từ đó, chị không gửi tiền về nữa. Khi về nước, thấy tình cảm vợ chồng không còn, chị làm đơn ly hôn nhưng Vinh không ký, thậm chí còn nghi ngờ, ghen tuông, đánh đập, chửi mắng chị.
 Ảnh minh họa.
Không thể chịu đựng được, chị Thanh nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đơn phương xin ly hôn. Trong phiên hòa giải, chị té ngửa với khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Các chủ nợ nghe tin vợ chồng chị ly hôn đã rủ nhau đến tòa “quậy”, đòi trả nợ. Mỗi người chỉ vài ba triệu đồng nhưng cộng dồn lại đã lên đến gần cả trăm triệu đồng. Đã vậy, Vinh không thừa nhận khoản nợ trên là do anh ta vay mượn mà đổ hết cho chị Thanh, buộc chị phải trả nợ một mình. Các chủ nợ cũng nhắm vào chị đòi tiền vì biết chỉ chị mới có tiền trả. Khi chị phản ứng, họ la hét, chửi mắng, gây rối, khiến phiên hòa giải phải gián đoạn đến mấy bận.
Sống riêng, nợ chung
Giải thích về khoản tiền nợ, Nguyễn Thành Vinh kể, để có tiền lo cho vợ đi học tiếng Hàn, học nghề trước khi đi, hai vợ chồng đã thống nhất vay khoản nợ trên. Suốt 5 năm chị Thanh không gửi tiền về trả lãi và nợ gốc. Mỗi kỳ đến hạn trả lãi cho chủ nợ mà Vinh phải mượn nơi này lấp nơi kia, lãi mẹ sinh lãi con, từ 30 triệu đồng nay đã lên gần trăm triệu. Vinh yêu cầu chị Thanh muốn ly hôn thì phải một mình trả số nợ đó vì nó không liên quan đến anh ta. Vinh cũng không thừa nhận việc đã nhận tiền của chị Thanh gửi về cho anh ta trả nợ.
Chị Thanh tha thiết xin tòa xem xét lại, hai vợ chồng không có con chung, chị đi làm ăn xa gom góp, dành dụm. Những ngày tháng chị xa nhà, mỗi người tự bươn chải lo cho cuộc sống của mình. Anh Vinh ở nhà còn có ruộng đất của cha mẹ cho mượn canh tác nhưng anh không lo làm ăn, mà chơi bời sinh ra nợ nần. Theo chị, các khoản nợ này là do anh ta chi tiêu cá nhân trong khoảng thời gian chị không gửi tiền về cho anh.
Nói là vậy nhưng chị lại không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh đã gửi tiền cho anh trả nợ. Chị gửi tiền vào tài khoản của mẹ chị, bà thì không chứng minh được là đã giao tiền cho anh. Trong khi có mặt tại phiên tòa, các chủ nợ của số nợ 30 triệu đồng đều xác nhận số tiền cho mượn khi đó là cả hai vợ chồng đến nhận. Chị đi làm ăn xa, ở nhà anh có trả lãi hẳn hoi.
Tòa nhận định, khoản nợ được vay trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích sử dụng cho nhu cầu chung của gia đình và chi phí cho việc chị đi xuất khẩu lao động. Nay chị Thanh không cung cấp được chứng cứ đã gửi tiền trả nợ nên tòa xét xử vợ chồng chị mỗi người phải có trách nhiệm trả phân nửa số nợ trên cho các chủ nợ. Nghe tòa tuyên bố, chị bật khóc, Vinh hả hê nhìn chị Thanh giễu cợt.
Chị ra về, từng bước chân nặng trĩu. Khoản tiền ít ỏi tích góp bao năm nơi xứ người, giờ phải đội nón ra đi theo hai tiếng “nợ chung”. Hỏi chị có kháng án không, chị lắc đầu chua xót: “Tiếc lắm, nhưng thôi… 12 bến nước, gặp phải bến đục nên đành chịu!”.
Theo Phụ Nữ CN

Bình luận(0)