Đàn ông liêu xiêu

Google News

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Lần đầu tiên cô tới là để sửa cái quạt. Chỉ ngồi phía sau có người chở thì nội việc cầm cái quạt cồng kềnh trên đường đông đúc cũng dễ bị va quẹt, huống chi vừa cầm lái vừa cầm quạt. Cô ngừng xe trước quán của anh vừa lúc một chiếc xe khác trờ tới, cô phải vội xìa cái quạt qua chỗ khác, tay lái chao nghiêng… suýt nữa thì cả người, xe lẫn quạt đổ nhào.
Ông chồng đâu mà để vợ phải như vậy? Anh tự hỏi.
Lần sau cô đem tới cây đèn bàn cũ kỹ với nụ cười áy náy: “Cây đèn này mua cái mới cũng chẳng tốn bao nhiêu, nhưng nó là kỷ niệm nên thằng bé nhà tôi muốn giữ cho bằng được, anh thông cảm sửa giùm”.
Một người mẹ chiều ý muốn giữ lại vật kỷ niệm cho con, thật đáng cho anh nhớ. Quá khác với vợ của anh, cái đồng hồ đeo tay anh tặng kỷ niệm ngày cưới chỉ ngày hôm sau là đã bị thay sợi dây kiểu khác.
 Ảnh minh họa.
Lần tiếp, cô đem tới cái bàn ủi. Cậu thợ ngạc nhiên, cái bếp từ là ca khó thì ông chủ phải tự tay làm, sửa cái bàn ủi là chuyện vặt sao ông chủ cũng phải ra tay?
Lần nữa, cô đem tới cái lò nướng, loại lò mua cách đây cả chục năm. Thoáng đỏ mặt, cô phân bua: “Còn xài được mà bỏ thì phí”. Thường thì gặp những món quá cũ này anh từ chối ngay, vì mua đồ thay thế rất khó, sửa xong cũng chóng bị hư hỏng lại, đã vậy còn khó tính tiền công. Nhưng với cái lò của cô, anh bỏ ra cả buổi ở chợ bán đồ cũ tìm mua những thứ cần thiết để thay thế. Người bán hàng quen nể mặt anh lục tung cả kho phế liệu để tìm, vừa lục vừa càu nhàu: “Bữa nay chơi đồ cổ à?”.
Cậu thợ bưng cái lò nướng đặt lên xe giùm cô, loay hoay nhích tới nhích lui cho nó được thăng bằng, anh thì dắt cái xe máy của mình ra đường. Đợi cô chạy một đoạn, anh chạy theo sau. Anh từng thắc mắc gã đàn ông nào lại để vợ một mình kiểu này, nhưng sau thì anh mơ hồ đoán ra... Mà sao con cô không bưng bê giúp mẹ? Hay do cô chiều con quá? Những bà mẹ một mình thường bù đắp cho con bằng cách cưng chiều quá mức.
Đúng như anh đoán, chỉ hai mẹ con cô với nhau thôi. Bà chủ quán cà phê vỉa hè miệng mồm nhanh nhảu, anh ra vẻ bâng quơ hỏi một câu là bà tuôn ra một tràng. Phòng trọ đó không thấy đàn ông, đứa con bị liệt phải ngồi xe lăn. Mẹ thương con ghê lắm, làm nghề bán hàng cho người ta mà chiều nào cũng xin về sớm một tiếng đồng hồ để đẩy xe cho con ra hoa viên ngắm cảnh và chơi với mấy con chim sâu. Đàn ông có người sao quá tệ, con mình sinh ra tật nguyền mà bỏ đi được? Mà cô vợ thì đẹp người, đẹp nết cỡ đó...
Đẹp người đẹp nết, giọng người kể lộ vẻ tiếc nuối một thì lòng anh tiếc nuối gấp vạn lần. Để rồi, khi quay về nhà, anh khó mà cười xòa khi vợ lại bày ra một mớ váy áo mới mua, phân bua là nhân đợt giảm giá. Anh khó chịu khi đi làm về thấy hình ảnh quen thuộc là nhà cửa lôi thôi, đứa con vừa đi mẫu giáo về ba lô còn đeo sau lưng mà vợ thì lo trang điểm cho một cuộc hẹn với bạn bè. Anh bực bội khi mâm cơm vẫn thường là những món kho, món xào nấu sẵn mua ở siêu thị…
Anh hay theo sau, đến hoa viên lặng lẽ nhìn cô đẩy cái xe lăn dạo quanh. Tóc cô cột cao, lộ cái cổ hằn những đường gân xanh. Cô gầy quá. Nhưng tay cô đẩy cái xe lăn thật vững. Anh thấy mình trào lên ước muốn được cầm lấy bàn tay rất gầy đó. Thằng bé trong xe thích thú được đi ra đường, nó cười tươi và chỉ trỏ lung tung. Anh thấy mình trào lên nỗi thương cảm muốn bồng bế, nhấc bổng nó lên.
Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.
Anh sẽ là một gã quá tệ nữa trong mắt bà chủ quán nếu chiều nào cũng đến đây. Vợ anh không đẹp người đẹp nết nhưng đứa con nhỏ của anh thì đang mong ba đi làm về.
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)