Đám cưới đang tưng bừng chúc tụng, cô dâu chú rể tươi rói, mãn nguyện, bỗng đâu một con bé ào vô, níu tay chú rể: “Ba ơi, ba không thương mẹ, thương con nữa hả ba? Sao ba lại bỏ mẹ con con?...”. Mọi người bất ngờ, nhìn sững con bé. Nó khoảng 12, 13 tuổi, khuôn mặt xinh xắn, đỏ lựng, đầy mồ hôi làm tóc tai nó bết bát. Hình như con bé vừa đi học về, còn mặc nguyên bộ đồ đồng phục...
Sau một lúc nhốn nháo, mấy cậu thanh niên trông dữ tợn, hùng hổ chạy đến nắm tay con bé kéo ra. Nó vùng vằng, giãy giụa, lăn ra đất khóc lóc, kêu ba. Nhưng, con bé yếu ớt không thể giằng co nổi với mấy tay thanh niên đang nổi giận: “Phá đám hả? Má mày biểu phải không?”. Nó nghe vậy, điên tiết la lên: “Mấy người nói bậy! Mẹ tui đang bệnh, tại mấy người đó!”. Rồi đưa đôi mắt như năn nỉ, như van lơn nhìn ba, nó khóc: “Mẹ bệnh nặng lắm ba ơi, mẹ nằm mấy ngày hôm nay rồi...”. Chỉ nói được đến đó, nó đã bị lôi khỏi đám cưới một cách dứt khoát. Chú rể bối rối, đứng chết trân nhìn nó. Nhưng một lúc sau, có lẽ đã trấn tĩnh lại, chú rể tiếp tục cuộc vui như không hề có chuyện gì xảy ra.
|
Ảnh minh họa. |
Chị bị sốc nặng từ lúc được tin họ đang chuẩn bị cưới. Chị đã thực sự mất tất cả. Chị suy sụp vì bị phản bội. Cả hai người họ như những người thân duy nhất của chị, sao họ nỡ đối xử với chị như thế? Cách đây mười mấy năm, cả gia đình chị xuất cảnh sang Mỹ, mình chị ở lại vì quá yêu anh, không đành lòng xa anh...
Chị cao lớn, xốc vác, trong khi anh có vẻ thư sinh, lãng mạn. Nhìn họ như chẳng “ăn nhập” gì với nhau, nhưng có người lại bảo đó là sự kết hợp của "luật bù trừ" nên rất tốt. Chị tần tảo buôn bán, lo lắng, gánh vác chuyện lớn trong nhà. Đồng lương công chức của anh ít ỏi, chị để anh tùy nghi sử dụng. Những lúc ví tiền của chồng cạn, chị lại lặng lẽ bỏ thêm vào. Tính chị cứ ào ào, “ăn to nói lớn”, không tỉ mỉ được như người ta, nên chuyện chăm sóc nhà cửa, chuyện con cái, học hành anh khéo léo quán xuyến. Con bé từ nhỏ đã gần gũi, thân thiết với ba.
Chị nhận Sa làm em kết nghĩa. Sa duyên dáng, ngọt ngào, rất phù hợp với công việc bán bảo hiểm của cô. Chị thương Sa bất hạnh, gặp phải gã chồng chỉ biết ăn nhậu, bài bạc, lại thêm thói vũ phu, đánh chửi vợ con tùy hứng. Sa từng khóc với chị không biết bao nhiêu lần. Lần nào chị cũng khuyên cô bỏ quách gã chồng vô tích sự ấy cho sớm, để còn có cơ hội gặp người tử tế, nhưng Sa cứ lần lữa. Dù gì thì trong nhà cũng cần người đàn ông, biết có tìm được người tử tế hay “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”?
Việc buôn bán ngày càng đắt, chị bận bù đầu, thời gian dành cho chồng con cũng ít đi. Anh bảo chị kiếm người phụ, chị tiếc tiền nên cố ôm hết một mình. Những lúc cha con anh cần đến chị, vì đang xoay như chong chóng ở cửa hàng, sợ bỏ đi mất mối, chị nhờ Sa. Cũng chẳng có gì lớn, chị nghĩ thế. Chỉ là sắm cho con gái vài bộ đồ dịp tựu trường, mua cho anh vài thứ lặt vặt. Cũng có khi là nhờ Sa tiện thể, nấu thêm ít đồ ăn trưa đem đến cho cha con anh, để kịp chiều còn đi làm, đi học...
Một lần con gái đã đi học, chị tất bật ở cửa hàng thì anh bị cảm, điện ra bảo chị mua thuốc rồi về cạo gió cho anh luôn. Sa đang ở chỗ chị, cô không biết giá cả nên không thể bán thay chị. Chị đành nhờ cô mua thuốc đem đến cho anh, chiều về chị cạo gió, nấu nước xông cho anh là được. Tính là vậy, nhưng chiều chị về, anh đã bớt nhiều. Anh bảo, nhờ có Sa cạo gió giúp nên mau khỏe. Chị đã mệt rũ nên cũng chẳng bận tâm.
Chẳng hiểu chuyện cạo gió lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, chị cũng không để ý. Chỉ thấy anh không còn nhờ chị những chuyện lặt vặt kiểu như vậy nữa. Chị được toàn tâm, toàn ý cho công việc. Một thời gian sau, bỗng dưng Sa cương quyết ly hôn gã chồng vô tích sự. Chị mừng cho cô, đâu ngờ nối tiếp “sự kiện” đó là một “sự kiện” khác đến với chị. Chồng chị chẳng quanh co, xa gần mất thời gian, anh nói thẳng muốn ly hôn để cưới Sa. Sa mới đúng là “một nửa” của anh lâu nay bị lạc mất. Anh còn giải thích: chị là “một nửa” lâu nay bị... nhầm, nên ráp lại không thể “tròn trịa”! Anh phát hiện ra điều đó từ lần Sa cạo gió cho anh...
Chị nghe mà bàng hoàng. Chị chẳng hiểu gì hết! Gì mà nửa nọ, nửa kia chứ? Anh chị từng yêu nhau đến thế, sao lại... nhầm? Chị vốn đơn giản, những điều anh ví von chị chẳng thể hình dung ra. Hoảng loạn, căm phẫn, chị vớ mấy cái ly trên bàn liệng xuống vỡ tan nát, gào lên: “Đồ phản bội! Đừng có kiếm đường chối tội”. Con gái đứng ngoài nghe lén cuộc nói chuyện của cha mẹ khóc nức nở. Nó không hiểu người lớn làm chi những chuyện khó hiểu. Mẹ nó thương dì Sa như thế, sao dì lại giành mất người đàn ông của mẹ con nó?
Một thời gian sau, mẹ con chị ra sân bay xuất cảnh sang Mỹ. Chị muốn quên đi cái quyết định sai lầm cách đây mười mấy năm. Con bé lặng lẽ đi bên mẹ, vẻ mặt đầy vẻ ưu tư, chẳng còn nét hồn nhiên vốn có ở cái tuổi của nó.