Bị “trả về” vì bêu xấu mẹ chồng
Trước khi về làm dâu con nhà chồng, chị Hằng (Ba Đình – Hà Nội) đã nghe mọi người truyền tai nhau việc mẹ chồng tương lai của chị không cho con gái vào nhà khi bị nhà chồng “trả về” do hỗn hào lời qua tiếng lại gì đó với họ.
“Lúc đó tôi cho rằng mọi người cố tình dựng nên câu chuyện để một đứa con dâu chân ướt chân ráo về nhà chồng như tôi nhìn vào đấy mà biết điều ngoan ngoãn. Chỉ đến khi chính mắt đọc nội quy gia đình và trực tiếp chứng kiến cảnh mẹ chồng tự tay thu dọn hành lý, bắt taxi đưa chị dâu trả về nhà đẻ thì tôi mới thực sự choáng váng” – chị Hằng thuật lại.
Theo lời chị Hằng, mẹ chồng chị vốn là một phụ nữ rất nghiêm khắc. Trong cách giáo dục con cháu, bà luôn có những nội quy nhất định. “Có lẽ do bố chồng mất sớm, phải gánh quá nhiều trách nhiệm, lại không được sự hỗ trợ từ phía nhà nội nên mẹ chồng tôi phải đưa tất cả vào khuôn phép để không loạn nhà” – chị Hằng tâm sự.
Cũng chính bởi bản tính ngay thẳng, nghiêm nghị nên mẹ chồng chị Hằng không muốn trong gia đình xảy ra những hiềm khích dù là nhỏ nhất. Bởi vậy bà luôn khuyến khích con cháu nói thẳng ra tất cả những điều mình nghĩ, những bực bội của người này với người kia, để tránh trường hợp ấm ức tích góp lâu ngày thành khó hóa giải.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Chị cho biết: “Mẹ chồng tôi rất ghét việc buôn chuyện, nói xấu người khác. Bà cho rằng đã là một gia đình thì phải có trên có dưới, đồng lòng, hòa thuận. Một khi thành viên nào đó đi ngược lại thì có nghĩa không muốn ở trong gia đình này. Và bà có hẳn một quy ước cho vấn đề này”.
Và có thể, chính vì bị ràng buộc bởi những nội quy gia đình nên chị Thảo – chị dâu của chị Hằng, một người có lối sống “tự tung tự tác”, cảm thấy không hài lòng.
“Chị ấy thường xuyên phản ứng, chất vấn lại mẹ chồng tôi. Chị ấy không đồng tình việc bà đề ra yêu cầu mọi người phải có mặt ở nhà đầy đủ lúc 7h30 để ăn tối trừ chủ nhật mọi người có thể ra ngoài ăn uống, nhà cửa phải ngăn nắp gọn gàng cho dù là phòng riêng… Lần nào tranh luận chị ấy cũng nhận được câu trả lời thấu đáo từ bà mà chị không thể cãi cố được. Có thể vì phải gượng ép tuân theo nên không tâm phục khẩu phục” – chị Hằng cho biết.
Tuy nhiên dù tránh thế nào thì chị Thảo cũng không thể tránh khỏi một ngày “tức nước vỡ bờ”. Những dồn nén trong việc bất đồng quan điểm với mẹ chồng khiến chị không mấy mặn mà khi về nhà và mang chuyện mẹ chồng đi nói với hàng xóm.
“Chị Thảo thường xuyên để mẹ chồng tôi phải nhắc nhở chuyện bắt cả nhà phải đợi cơm, quần áo đề bừa bãi trên ghế sofa, 'thả rông' ngực khi nhà có khách, không xuống bếp nấu nướng khi nhà có việc… Tuy những nhắc nhở đó của mẹ chồng tôi là đúng nhưng chị ấy luôn tỏ ra không hài lòng. Một vài lần tôi nghe mấy chị hàng xóm nói lại rằng chị gọi mẹ chồng tôi là ‘đồ khoặm già’; ‘phù thủy’… Vì là chị em dâu, một phần vì ái ngại, phần khác vì chỉ nghe một phía nên không dám góp ý” – chị Hằng bộc bạch.
Mẹ chồng của hai chị đã gần như chết lặng khi một ngày, bà chứng kiến chị Thảo đang thao thao bất tuyệt bêu xấu bà với mấy chị hàng xóm. Trong những lời bêu xấu ấy của con dâu có cả những lời tục tĩu khó nghe, những câu miệt thị và những lời rủa xả.
“Tôi nhớ hôm đó mẹ chồng buồn bã trở về nhà, hai mắt đỏ hoe… Buổi tối hôm đó khi cả nhà về đông đủ, sau khi ăn cơm xong, bà cho họp gia đình. Dẫu chứng cứ rành rành không thể chối cãi, nhưng chị Thảo vẫn đành hanh nói mẹ chồng thực sự xấu xa thế chứ không phải chị điêu ngoa gì. Và hôm đó, mẹ chồng tôi kiên quyết tự tay bà thu dọn hành lý, đón taxi trả chị dâu về nhà đẻ... Mãi sau nhờ có mấy anh chị và các bác bên ngoại nói vào, rồi bố mẹ chị Thảo qua nhà xin lỗi, mẹ chồng tôi mới bỏ qua mọi chuyện” – chị Hằng kể lại.
Gặp họa vì tội “chóp chép”
Cho đến hiện tại, sau 2 tháng bị cả gia đình chồng và chồng coi như không tồn tại trong nhà, chị Vân mới thấy sự tai hại của những lời nói cho thỏa miệng, hả giận… Ngày nào cũng như ngày nào, hết giờ làm, chị lại tạt qua nhà mẹ đẻ, than thở mọi chuyện với cô em gái của mình.
Em gái chị Vân cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chị Vân chọc giận nhà chồng. Với bản tính thích kiếm chuyện làm quà, mang chuyện nhà chồng đi rêu rao khắp xóm, chị đã bị gia đình nhà chồng “tẩy chay” không biết bao nhiêu lần”. Khi thì vì chị mang chuyện anh chồng, chị dâu “giàu nhưng ăn ở thế nào nên mới không sinh được con” ra bàn luận. Lúc vì chuyện chị dựng chuyện bố chồng mê gái do chị thấy ông giúp cô bán gạo gom phần gạo bị đổ ra đường…
“Lần này chị ấy cãi nhau tay đôi với mẹ chồng vì cho rằng bác ấy gây khó dễ khi cố tình giả vờ không ăn được món này món kia trong khi chị ấy thích. Sau khi được giải thích là bác gái có bệnh nên không ăn được những món ăn đó chị vẫn không thoải mái. Chị cho rằng cả nhà dồn vào lên án mình không quan tâm đến mẹ chồng. Vì ở nhà, chị ấy vốn được bố mẹ tôi cưng chiều từ nhỏ nên cứng đầu, không chịu nhường nhịn ai bao giờ. Thêm vào đó bản tính lại thích buôn chuyện nên dù chuyện bé chị ấy cũng xé ra to và đi đàm tiếu cho hả giận" - em gái chị Vân kể về sự vụ lần này.
Hậm hực vì chuyện đó, chị Vân đem đủ thứ chuyện đi ngồi lê đôi mách. Chị nói xấu mẹ chồng với hàng xóm chán còn lên cơ quan "thêm mắm giặm muối" để bôi nhọ hình ảnh mẹ chồng. Chị vu cho bà tiếng mẹ chồng ác, vô lý, ngang ngược. Đáng nói hơn là chị lên cả các diễn đàn mạng lập hẳn một chủ đề kể tội mẹ chồng, rồi vanh vách kể lại qua điện thoại cho cô bạn thân.
"Ngỡ rằng chỉ có một mình trên sân thượng, chị ấy có thể nói gì cũng được. Không ngờ lúc đó mẹ chồng lọ mọ lên phơi quần áo, bà nghe được tất cả mọi chuyện, sau đó bà nhẹ nhàng lấy điện thoại, ghi âm lại toàn bộ. Mọi chuyện vỡ lở, anh rể tôi điên lên toan đánh chị vì tội đi bêu xấu nhà chồng và mẹ chồng. Anh cũng thẳng thừng mắng vợ là đồ con dâu cáo đội lốt thỏ. Còn mẹ chồng chị, tuy vẫn để chị ở cùng nhưng kể từ hôm đó, bà tuyên bố không coi chị là con dâu nữa" - em gái chị Vân cho hay.