Lần đầu tiên anh vô tình nghe vợ khoe với chị gái về việc chồng “ngoan ngoãn” mang phong bì về cho vợ. Chả hiểu sao khi đó anh rất vui, cả ngày cứ lâng lâng với ý nghĩ “mình không giấu giếm vợ, không lập quỹ đen nên vợ càng thương mình hơn chăng?”.
Em biết tại sao anh lại tự nguyện như thế không? Bởi vì mỗi lần nhận phong bì từ anh, không bao giờ em vội vã xem bên trong có bao nhiêu tiền, mà em chỉ băn khoăn: “Anh đi họp vất vả vậy hay để lại mà dùng?”. Nhìn em phải chắt chiu từng đồng vì mái ấm này, anh nỡ lòng nào để lại dùng cho riêng mình.
Em bảo: “Em không quan trọng mỗi tháng anh đem về bao nhiêu tiền, nộp cho vợ bao nhiêu phong bì. Em thích cái cách anh nhẹ nhàng đưa tiền cho vợ, vậy thôi”. Anh vẫn chưa hiểu nên em giải thích: “Tức là anh không bao giờ tỏ thái độ nộp lương cho vợ như bị bắt buộc, không ném tiền về cho vợ cho xong nghĩa vụ”. À ra là thế! Anh chậc lưỡi.
|
Ảnh minh họa. |
Thú thực anh thấy rất hãnh diện khi đem những phong bì bồi dưỡng sau những cuộc họp quan trọng hay xong công trình hay những số tiền thưởng các dịp lễ tết về cho vợ. Bởi lần thì mặt em rạng rỡ: “Bà bầu lại có thêm tiền bồi dưỡng rồi”. Lần khác thì em tủm tỉm: “Con yêu có thêm hộp sữa rồi nhé”. Phong bì bồi dưỡng nhận được nhiều khi chỉ có vài chục, vài trăm ít ỏi, nhưng vợ luôn bảo: “Vài chục nghìn em cũng quý, đó là mồ hôi của chồng mà”. Mặc dù anh biết với đồng lương của mình, em dư sức có thể cáng đáng những khoản chi tiêu ấy. Lương em gấp đôi lương chồng nhưng chưa khi em nào em hách dịch hay so bì.
Công việc hai năm nay khó khăn, ít công trình hơn nên lương của anh cứ giảm xuống. Anh nôn nóng muốn tìm công việc mới. Anh định giấu em nhưng không hiểu sao em vẫn nhận ra là anh đang muốn thay đổi. Em nhỏ nhẹ nói:
“Đang khó khăn chung nên anh đừng nóng. Em thấy nhiều người bạn của em cũng kêu ca ghê lắm. Có khi họ còn bị nợ lương cả năm ấy chứ. Dù sao ít nhiều thì lương anh vẫn lĩnh đủ vào mùng 10 hàng tháng”. Bao căng thẳng trong anh tiêu tan. Bởi ít nhất trong lòng em, anh vẫn là chỗ dựa của gia đình, anh vẫn chưa phải là kẻ thất bại. Anh dẹp luôn ý nghĩ nôn nóng tìm công ty mới.
Hàng tháng lĩnh lương anh đều đem về để em tính toán chi tiêu. Không bao giờ vồ vập đếm tiền hay hỏi bao nhiêu, em thủng thẳng: “Chồng có để lại một ít ở ví mà tiêu không thế? Còn tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại, đi đường nữa”. Chỉ đến khi anh gật đầu thì em mới yên tâm.
Có không ít lần anh bắt gặp em lục ví anh để âm thầm bỏ vào đấy khi thì một triệu, khi thì vài trăm vì sợ anh hết tiền thì “lười” ăn trưa. Bởi có lần ví anh hết tiền thật, lại ngại mượn đồng nghiệp nên anh nhịn luôn. Em biết điều này nên giận anh suốt hai ngày. Anh lấy lý do béo lắm rồi nên phải ăn kiêng để giảm cân nhưng em không chịu. Em chốt lại một câu: “Em rất ân hận khi để ví anh trống trơn như thế”.
Buổi sáng, anh thường đi làm trước em. Hầu như hôm nào em cũng nhắc: “Anh cầm ví chưa?”. Lúc nào em cũng lo anh chểnh mảng, hay quên. Bởi với em, đi ra đường bây giờ cái gì cũng phải tiền, ngồi uống cốc trà đá thôi cũng tiền. Rồi em bảo nếu hết tiền nhỡ may xe hỏng giữa đường thì biết làm sao? Lúc nào em cũng lo lắng cho anh như thế.
Ở công ty, thi thoảng anh nghe mấy chị, mấy cô ngồi tám chuyện rằng chồng cứ “quỹ đen quỹ đỏ”, không bao giờ chịu “cống nạp” phong bì hay tiền thưởng dịp lễ cho vợ. Ngẫm lại vợ mình, bao năm lấy nhau chưa một lời em kêu ca, so sánh lương chồng với một ai khác. Thậm chí em còn động viên lại anh: “Lương anh cao chắc gì đã chịu giúp vợ nấu cơm, rửa bát mỗi khi vợ mệt thế này? Cái gì cũng có giá của nó thôi anh ạ”. Nhìn tổ ấm lúc nào cũng rộn rã hạnh phúc, nhất là nụ cười biết bằng lòng và mãn nguyện của vợ, anh cảm thấy mình là người may mắn nhất cuộc đời này. Dân gian quả không sai, tổ ấm có ấm hay không đều từ người phụ nữ mà nên.