Anh Minh bất ngờ qua đời sau một tai nạn không biết nên gọi là tai nạn do rượu hay giao thông: anh đi nhậu đêm, bạn chở về. Ngồi sau xe bạn, anh tự dưng ngã ập xuống đường, chấn thương sọ não và chết sau ba ngày hôn mê.
Cái chết bất ngờ ở vào tuổi 45 của anh khiến tất cả mọi người từ gia đình tới bạn bè đếu bàng hoàng, nhưng bàng hoàng nhất có lẽ là người vợ và ba đứa con nhỏ. Bởi trong gia đình anh Minh là lao động duy nhất. Chị Hiền từ sau ngày cưới chồng đã phải theo lệnh của anh mà bỏ nghề dạy học, về nhà đẻ và nuôi con. Anh thường hay huênh hoang với bạn bè: “Vợ của thằng Minh này sao lại phải đi làm. Đàn bà thì ở nhà làm cho tốt việc đàn bà là được. Chuyện kiếm tiền thì cứ để đàn ông”.
Quả thật là với ba đứa con ra đời trong vòng 10 năm thì dù có muốn, chị Hiền cũng chẳng thể nào đi làm được. Thế nên bạn bè đều khâm phục anh Minh, rằng thời buổi khó khăn đến thế mà anh vẫn chu toàn được cho cả gia đình, thật đáng ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ hơn cả là anh luôn khoe khả năng làm ăn, khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng làm chủ gia đình của mình. Lần được anh dẫn về thăm nhà, anh em trong cơ quan chúng tôi hơi bất ngờ khi thấy căn nhà của anh nằm giữa một cánh đồng, đúng cảnh “đồng không mông quạnh”. Nơi ở của vợ chồng, con cái là một căn nhà tự anh xây nên bằng gạch và vôi vữa, méo mó xẹo xọ rất… nghệ sĩ.
|
Ảnh minh họa. |
Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, anh cười lớn, khoát tay một vòng xung quanh về phía cánh đồng và bảo: “Nơi này chỉ vài ba năm nữa sẽ thành khu du lịch sinh thái. Lúc đó thì tiền đổ vào nhà anh như nước”. Ngồi chĩnh chệm trong cái phản gỗ giữa sân, dưới bóng mấy cây dừa cao, anh say sưa nói về tương lai của mảnh đất nhỏ này, khi mà các chủ đầu tư du lịch xung quanh đây sẽ phải van xin anh mua lại ngôi nhà gạch để mở mang kinh doanh. Chúng tôi nghe anh, nửa tin, nửa ngờ, chỉ thấy thương nhất là cảnh bốn mẹ con đều gầy giơ xương, đi ra đi vào cái nhà cứ phải cúi khom lưng. Anh cười bảo: “Nhà thế mới thiên nhiên, mới hoang dã. Để tụi trẻ lớn lên biết hòa mình vào cây cỏ, chứ như anh muốn nhà phố, to cao… thì mấy hồi”.
Thật sự là khi nghe anh Minh nói, chúng tôi cũng phần nào tin vào việc anh và gia đình sống vậy là do máu nghệ sĩ của anh. Chứ suốt ngày, chúng tôi đã được anh khoe dự án này, dự án kia rất hoành tráng. Anh kể anh mở mấy công ty làm ăn rồi giao cho các đàn em điều hành, anh chỉ góp vốn, tư vấn, chỉ đạo từ xa. Nói chuyện tiền bạc, nhà cửa, đất đai, lúc nào anh cũng úp úp mở mở như là đại gia không tiện khoe khoang. Cả cơ quan chúng tôi ai cũng nghĩ rằng anh chơi chứng khoán và thắng rất lớn, rằng anh đang buôn bán nhà đất rất có lời. Hồi đó, đang rộ lên phong trào mua bảo hiểm Prudential, anh khoe với chúng tôi là đã mua hết cho cả ba đứa con, lo cho chúng một tương lai ổn định tới tận khi vào đại học. Thế cho nên anh luôn là hình ảnh đáng ganh tỵ của cánh đàn ông, đáng ngưỡng mộ của cánh đàn bà.
Anh đổ xuống, hôn mê ba ngày, rồi mất. Chị Hiền đứng sõng tay trước thi thể của anh không còn khóc được. Mọi người xúm vào hỏi han chuyện tiền bạc, chị ngơ ngác, lận lưng lấy ra vài trăm nghìn anh phát tiền chợ của tuần xài chưa hết. Hỏi tới nữa, chị nghẹn ngào nói có biết công ty lớn công ty nhỏ, nhà đất chứng khoán này kia nào của anh đâu. Gấp nhất lúc này là tìm cho ra hợp đồng bảo hiểm của anh để xem khả năng được bồi thường. Chị em cả cơ quan náo loạn cùng chị bới tung cái nhà, phá tung cả két sắt anh để trong góc phòng ngủ, nạy hết các ngăn bàn làm việc cơ quan. Chẳng có gì, chẳng có một đồng tiền hay một hợp đồng làm ăn nào. Truy tìm tới tận công ty bảo hiểm, chúng tôi cũng chẳng tìm ra cái gì anh để lại. Mò tìm càng sâu, chị Hiền càng đau đớn khi phát hiện ra những bằng chứng ngoại tình linh tinh của anh, những thơ văn, thư tay bay bướm của những cuộc chơi rất nghệ sĩ, với những lời nổ vang như sấm của anh về tài năng của mình. Không còn nước mắt để khóc, hay tức giận để trách móc, chúng tôi xúm vào cùng chị lo lắng ma chay cho anh.
Giận thì giận anh, mà thương thì thương mẹ con chị, cơ quan chúng tôi cùng bạn bè anh chị bàn bạc, lo toan. Chị bán mảnh đất có cái nhà gạch, về thành phố thuê nhà, buôn bán hàng tạp hóa nuôi ba đứa con ăn học. Hình như quá ngán ngẩm hình ảnh “một tấc tời trời” của cha, thằng con lớn anh càng lớn càng thâm trầm, kín đáo, mạnh mẽ, xốc vác. Nó vừa học, vừa kiếm đủ việc làm thêm phụ giúp mẹ.
Nhiều năm trôi qua, mỗi lần đám giỗ anh, chúng tôi lại tụ họp về thăm chị. Người phụ nữ yếu đuối, run rẩy trước thi hài chồng và cậu con trai gầy nhẳng gầy nhơ như cái dãi khoai ngày đó bây giờ đã là một chủ doanh nghiệp nhỏ, làm ăn khá phát đạt. Những điều anh khoe khoang ngày xưa mà không có, giờ đây chị và cậu con trai lớn đã phần nào gầy dựng, làm nên. Còn anh, trên cái bàn thờ cao cao giữa nhà, vẫn giữ một nụ cười rất… nghệ sĩ. Có lần hỏi chị: “Có trách anh không?”. Chị bảo: “Trách gì? Cũng là nhờ hoàn cảnh tận cùng ấy mà mẹ con chị mới vươn lên tới ngày hôm nay đó thôi. Nhờ anh ấy mà chị biết làm… đàn ông đích thực đó thôi”. Rồi chị chợt cười vui: “Mà em biết không, mảnh đất ngày xưa của anh ấy, bây giờ thành khu du lịch sinh thái thật rồi đó. Vậy là… ảnh cũng không đến nỗi nổ không căn cứ đâu. Biết đâu, còn sống đến bây giờ, anh cũng đã làm được những điều anh đã nói”. Nghe giọng chị đầy thứ tha, dịu dàng, yêu thương mà chúng tôi đứa nào cũng cay mắt.