Chồng “khóc thét” vì những cơn “nghiện” đảm của vợ

Google News

Họ nghiện cũng vì họ đảm, và cơn nghiện cũng khiến các “gái” này càng đảm hơn, nhưng nhiều khi lại khiến chồng con lè lưỡi vì sợ.

Chồng con “khóc thét” vì vợ nghiện làm bánh

“Có cách nào cho vợ tôi cai được cơn nghiện làm bánh không? Khổ thân bố con tôi quá!!!”, Thắng đăng status trên Facebook. Lập tức, cả chị em lẫn anh em đều xâu vào “tố” Thắng là “làm hàng”, “đánh bóng gia đình”, “giả vờ than để khoe vợ”… Các bạn nữ viết: “Em đang muốn xách dép theo học chị nhà mà chưa đến lượt”, các bạn nam đề nghị: “Ông không thích sướng thì đổi cho tôi”…

Đáp lại, Thắng trình bày: “Các bạn thử hình dung nếu như ngày nào cũng phải ăn bánh, hết bánh quy đến bánh ngọt, bánh su kem, bánh mousse, bánh muffin, bánh bông lan… thì các bạn có chịu nổi không?”. Lúc đó mới có các comments thông cảm: “Ừ, hôm nào cũng bánh thì mình chết mất. Nhìn thì đẹp đấy, ngon mắt đấy nhưng thỉnh thoảng ăn một cái mà còn ngắc ngứ”.

“Đấy, thế nhưng tôi mà không ăn thì chết với vợ, bởi vì cô ấy luôn thử nghiệm các công thức mới mà cô ấy học được, hoặc tự nghĩ ra. Đã làm thì phải có người ăn. Nạn nhân đầu tiên là tôi và con. Hai thằng bé ngán quá chạy mất dép, ép cũng không ăn một miếng, chỉ còn cái thân tôi phải chịu trận. Từ chối là cô ấy giận, bảo vợ mất bao nhiêu công sức và tinh thần làm phục vụ bố con, ít ra cũng phải nếm một miếng gọi là chia sẻ chứ”, Thắng kể khổ.

 Ảnh minh họa.

Thắng cho biết, hồi vợ mới tập làm bánh, mỗi buổi tối về đến nhà thấy không gian sực nức mùi bánh, anh mê tít, sung sướng và tự hào. Nhưng giờ thì ngửi mùi đó là anh sợ. Để thoát nạn, Thắng nghĩ ra một cách, khi được vợ mời ăn bánh, anh vờ rụt rè xin phép: “Mấy đứa ở cơ quan anh nghe anh kể suốt ngày được ăn bánh em làm thì thèm lắm, cứ  ước ao được nếm. Em cho anh mấy cái mai mang lên cho chúng nó được không?”. Chị vợ mặt tươi như hoa, bảo được chứ được chứ, rồi nhiệt tình gói bánh cho chồng mang đi.

“Nhờ có đồng nghiệp mà tôi đỡ phải ăn bánh trong mấy hôm, nhưng tai hại là những lời khen nức nở của họ mà tôi chuyển tới vợ lại càng kích thích cơn cuồng làm bánh của cô ấy đến vô hạn độ. Và sau mấy ngày liền mang bánh lên cơ quan, cô ấy biết tẩy của tôi, cảm thấy bị xúc phạm, bị phụ lòng, khóc nức nở rồi không thèm nói năng gì suốt mấy ngày. Tôi lại đành cố mà xơi bánh”.

Một “con nghiện” khác, chị Thanh Hương, 36 tuổi, thừa nhận, chị cũng làm cho chồng hết hồn vì liên tục leo thang sắm đồ nghề làm bánh. “Bao nhiêu tiền làm ra, tôi đổ hết vào đấy cả. Hồi đầu, tôi chỉ mua vài thứ cần thiết nhất, loại cho người tập sự, làm số lượng ít cho gia đình ăn. Nhưng càng làm càng mê, càng giao lưu, trao đổi với những bạn mê làm bánh trên mạng, tôi càng không dứt ra được. Hễ thấy loại bánh nào hợp mắt hoặc nếm thấy ngon là quyết làm thử mới yên. Mà càng mở rộng ra thì càng phải sắm thêm nhiều thứ đồ nghề, và khi tay nghề của mình càng cao, yêu cầu đối với sản phẩm càng tinh tế thì càng cần mua thứ dụng cụ tốt, chuyên nghiệp hơn”.

Số đồ làm bánh của Hương hiện đã chất đống trong phòng: lò nướng đã “lên đời” mấy lần, máy đánh trứng, máy trộn bột, máy làm bánh quy, máy làm bánh waffle, vô thiên lủng các loại khuôn, dụng cụ đong, cân, đo, dụng cụ trang trí cùng vô số thử linh tinh lỉnh kỉnh khác. Hương kể, mỗi lần nghĩ mình cần một thứ đồ nghề mới, chị lại vật vã, suốt ngày chỉ nghĩ đến nó, liên tục đấu tranh với bản thân là có nên chi tiền ra rước nó về, để làm đầy thêm phòng bếp vốn đã chật cội, và nhìn thấy ánh mắt ngán ngẩm của chồng không. Chưa cần mua nó thì mỗi tuần, chị đã tốn không ít tiền vào nguyên vật liệu rồi, trong đó nhiều thứ là đồ nhập khẩu rất đắt đỏ.

“Rốt cục thì tôi vẫn phải đầu hàng cơn nghiện của mình, vì biết rằng chừng nào chưa mua nó, tôi còn ăn không ngon ngủ không yên”, Thanh Hương nói. “Tóm lại chồng tôi phải nuôi cả vợ con, còn tiền của tôi chỉ để nuôi bánh”.    

Một tiền gà, ba tiền thóc

Sự cuồng nhiệt của Thảo Vân dành cho sự nghiệp nội trợ liên tục thay đổi, mỗi “cơn điên” chỉ diễn ra trong một thời gian rồi chuyển sang “cơn” khác, cũng cuồng nhiệt không kém. Cách đây khoảng năm rưỡi, cô bắt đầu trồng rau sạch trong nhà để có cái quấy bột, nấu cháo cho con. Cô tha về một đám rổ rá nhựa, một bao đất chuyên dụng to đùng, bình xịt, hạt giống, rồi lúi húi gieo gieo, tưới tưới. Mẻ đầu chẳng những đủ cho con ăn mà cả nhà còn được bữa rau an toàn.

Phấn khởi, Thảo Vân mở rộng quy mô “canh tác”. Trong nhà, hễ chỗ nào có thể đặt đám khay, rổ trồng rau được là cô đặt. Ngay cả ban công, nơi phơi quần áo, cũng bị cô đặt kín các khay rau mầm đã mọc. Mỗi lần mẹ chồng ra phơi hoặc lấy quần áo, bà hoặc là đá phải đám lỉnh kỉnh của Vân, hoặc là phát cáu vì vướng víu bất tiện. Đó là chưa kể đám đất trồng rau của cô lắm khi vương vãi, khiến bà khó chịu. Cô phải dựa vào cái cớ “bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” để duy trì việc làm phiền cả nhà cho sự nghiệp sản xuất nông nghiệp được chừng 5 tháng.

 Ảnh minh họa.

Sau đó, Thảo Vân phát hiện ra rằng, dân sành trồng rau mầm từ lâu đã không còn lỉnh kỉnh đất cát như cô nữa rồi. Đã có máy móc, vừa gọn gàng vừa sạch sẽ. Thế là cô tha về  cái máy làm rau mầm hơn 800.000 đồng, sướng rơn, ngày nào cũng mấy bận ngắm nghía, chờ thưởng thức mẻ rau đầu tiên, đồng thời tuyên bố giải phóng cho cả nhà khỏi đất cát và rổ rá. Được ít lâu, Vân nghe nói có loại máy vừa làm được rau mầm vừa ủ được giá đỗ, giá 1,5 triệu đồng, không nén được cơn thèm, bèn mua ngay lập tức. Sợ mẹ chồng kêu lãng phí, cô giấu biệt cái máy cũ, bảo đã bán rồi.

Nhưng cái máy ủ giá đỗ tiền triệu kia về nhà chưa đầy 2 tuần thì cơn nghiện trồng rau của Vân đột nhiên biến mất không còn dấu vết. Đó là vì cô được nếm thử món sữa ngô của cô bạn cùng cơ quan. Cái máy ấy vừa làm được sữa ngô vừa làm được sữa đậu nành, đã vệ sinh, tiết kiệm, lại còn cho ra sản phẩm sánh đặc hơn hẳn sữa mua. Thích quá, cô sắm ngay một cái, rồi mặc kệ đám giá đỗ trong máy ủ, tập trung “nhồi” cả nhà món sữa ngô, sữa đậu suốt một tuần liền. Đang cơn hứng tự sản xuất những thứ lẽ ra phải mua, với niềm tự hào “chất lượng hơn hẳn hàng siêu thị”, Vân mua tiếp máy làm sữa chua để phục vụ cả nhà.

Tiếp theo là máy làm kem, giá hơn 1 triệu đồng. Các món kem của Thảo Vân được cả nhà hưởng ứng nhiệt liệt, cùng lời khen là chưa có loại kem nào được bán trên thị trường ngon như thế. Được lời như cởi tấm lòng, mỗi ngày cô lại mày mò làm một hương vị mới, lọ mọ đi mua hoa quả, xay xay, nấu nấu, rồi canh giờ để cho vào máy.

Một lần đi siêu thị, Vân được giới thiệu bộ máy xay đa năng, chẳng những có thể xay nhuyễn cả rau quả lẫn các loại hạt cứng, ép được nước quả, làm được sữa đậu nành trong vài phút, mà còn làm được kem sữa chua, kem hoa quả chỉ trong mấy giây. “Trời ạ, nó cho cho đá vào, thêm chút sữa, vắt tí chanh, xay mấy nhát, đã có ngay thứ kem nhuyễn mịn mà vẫn ngon. Trong khi với cái máy làm kem kia, tớ phải mua nào kem tươi, nào sữa tươi, nào trứng gà, hoa quả, vani, lại còn lúi húi bao nhiêu khâu mới xong”, cô hào hứng khoe với bạn.

Và thế là bộ máy đa năng giá hơn 4 triệu đồng được mang về nhà. Nhưng không hiểu sao, chỉ chưa đầy một tháng, cô đã không đụng đến nó nữa. Lần này, cô vướng vào một cơn nghiện mới: thêu tranh chữ thập. “Bọn bạn em bảo con mụ này dở hơi, mốt thêu tranh có từ mấy năm trước, bây giờ mới đua đòi. Biết mình lạc hậu nhưng em đành phải tiếp tục, chờ dứt cơn mới dừng được”, Vân chia sẻ. “Chồng em thì bảo dù sao đây cũng là chất gây nghiện ít tốn kém nhất”.

Thế nhưng sau đó, ông xã Vân phải kêu trời vì món thêu tranh tuy không tốn tiền nhưng lại lấy hết thời gian của cô. Hễ về đến nhà là Vân cắm mặt vào thêu, mọi việc nhà nhường cho mẹ chồng, cũng mặc kệ luôn cả chồng và con, đến giờ ngủ cũng không chịu vào giường, cứ thêu đến 1 – 2 giờ sáng. Hễ bị phàn nàn, cô lại khẩn khoản khất: “Mẹ/anh thông cảm, chờ con/em thêu nốt bức này”. Nhưng hết bức này là cô “bập” ngay sang bức khác vì “thấy đẹp quá trót mua mất rồi”. Mẹ chồng bảo, thà cô cứ nghiện trồng rau, làm kem, tuy tốn kém và nhiều khi cung vượt gấp mấy lần cầu, nhưng cả nhà còn được hưởng tí lợi ích, chứ như cái thêu tranh này thì…

Nhưng chồng Vân bảo, thôi mẹ ạ, cũng phải để cho cô ấy qua cơn nghiện mới yên, dù sao cũng là cơn nghiện lành mạnh. Anh nghĩ, nghiện những cái đó chứng tỏ vợ mình cũng nữ tính, còn hơn những cô cả đời không thiết gì đến bếp núc, thêu thùa.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Xzone

Bình luận(0)