Những ngày đầu của cuộc sống vợ chồng là chuỗi tiếp nối của thời kỳ tình nhân sau là trăng mật, nó làm cho Tuân cảm thấy ấm áp viên mãn. Nhưng thời gian ấy chỉ vỏn vẹn không đầy một năm...
Năm hai mươi tuổi Tuân lấy Thúy, kết thúc mối tình học trò hồn nhiên, trong sáng và đầy lãng mạn. Họ ở với nhau được 5 năm. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất mà Tuân có được trong cuộc đời mình.
Sau một tai nạn, Thúy qua đời khi đang mang thai đứa con trong bụng. Đó là một cú sốc nặng nề, một vết thương lòng nhức nhối mà Tuân phải hứng chịu. Anh suy sụp và hoang mang suốt một thời gian dài. Anh lao vào công việc quên đi nỗi đau.
Thời gian đi nhanh như thoi đưa, thấm thoắt thế mà đã hơn 20 năm Tuân lẻ bóng. Công việc mang đến cho anh địa vị xã hội, nhà lầu, xe hơi nhưng không thể xóa đi hình ảnh người vợ thân yêu trong ký ức của anh.
Đêm đêm, trong không gian tĩnh lặng, Tuân vẽ ra trong trí tưởng tượng của anh khuôn mặt đứa con bé bỏng chưa kịp chào đời mà tan nát cõi lòng. Năm mươi tuổi, Tuân đinh ninh số phận đã gắn cho anh một đời cô độc đến trọn kiếp này thì bỗng anh gặp Trúc - cô gái nhỏ xinh xắn hồn nhiên như cánh én báo hiệu mùa xuân bất chợt bay vào khung trời mùa đông lạnh giá của Tuân.
Hôm ấy, là buổi phỏng vấn tuyển nhân viên kế toán của công ty. Ngồi trước mặt Tuân là cô sinh viên kinh tế mới ra trường với dáng người nhỏ nhắn, đuôi tóc dài cột túm lên lắc lư theo từng cử động trông ngộ nghĩnh, phong thái rất tự tin, không phải cái tự tin của người từng trải mà là cái tự tin hồn nhiên vô tư lự của một người ăn chưa no lo chưa tới.
|
Ảnh minh họa.
|
Đôi mắt mở to hết cỡ, Trúc trả lời các câu hỏi của Tuân không thể nào ngây ngô hơn được làm anh mấy lần suýt bật cười. Tuân hẹn cô sẽ trả lời sau một tuần. Vẫn đôi mắt mở to hết cỡ, Trúc hỏi, sao lâu vậy chú, rồi bẽn lẽn cúi chào.
Cả tuần sau đó, hình bóng Trúc cứ luẩn quẩn trong tâm trí Tuân không thể nào rứt ra được. Ngày cuối cùng của cuộc hẹn, anh viết email cho cô “Sáng thứ hai, 8 giờ, em đến công ty nhận việc”. Sự trẻ trung năng động pha lẫn hồn nhiên trong sáng của Trúc như một luồng gió mang đến sự tươi mát cho mọi người, nhất là mấy tay thanh niên trẻ. Có lúc Tuân tưởng mình đã không còn cơ hội.
Nhưng kỳ thật là số phận đã dành cô cho anh. Trong một lần đi dã ngoại, thấy Trúc ngồi một mình ngắm biển hoàng hôn, nghĩ không còn cơ hội nào tốt hơn, Tuân bèn tới bắt chuyện. Sự từng trải của người đàn ông năm mươi tuổi bên cạnh nét nguyên sơ của một cô bé hai ba vừa rời ghế nhà trường như sự bổ khuyết, làm tròn trịa ý nghĩa cho câu chuyện khiến buổi trò chuyện của hai người trước cảnh biển đêm lộng gió thật diễm tình. Sau đó, thêm vài lần nữa, Tuân cố tình tạo cơ hội gặp gỡ cho hai người thì trái tim Trúc đã thật sự thuộc về anh.
Cũng không phải dễ dàng gì để hai người họ vượt qua những ý kiến trái chiều của hai bên gia đình cũng như “búa rìu dư luận” xung quanh bởi sự chênh lệch tuổi tác. Để tránh “đêm dài lắm mộng”, Tuân quyết định cưới. Trúc đồng ý lấy Tuân vì ngưỡng mộ tài năng, vì cái vẽ lịch lãm, chững chạc của một người đàn ông từng trải. Hơn nữa, anh đã có sự nghiệp vững vàng trong tay, không phải vất vả gầy dựng. Trước đây để vượt qua những định kiến của xã hội, Tuân đã đưa ra nhiều lý lẽ để tự thuyết phục mình trong đó có câu dân gian hay nói “chồng già vợ trẻ là tiên”.
Những ngày đầu của cuộc sống vợ chồng là chuỗi tiếp nối của thời kỳ tình nhân sau là trăng mật, nó làm cho Tuân cảm thấy ấm áp viên mãn. Nhưng thời gian ấy chỉ vỏn vẹn không đầy một năm. Cuộc sống thực tế với đầy rẫy những lo toan đã khiến họ trở thành đôi đũa so sao cũng lệch. Ở công ty, Trúc bắt đầu lên mặt là người nhà của sếp, công việc thì bỏ bê, thái độ thì chảnh chọe, xem thường mọi người.
Thấy vậy, Tuân lấy lý do không muốn Trúc ra ngoài làm việc cực khổ, cho Trúc nghỉ ở nhà. Ở nhà, Trúc lại không phải là người đảm đang, cơm bữa có bữa không. Tiền Tuân đưa bao nhiêu cô cũng hoang phí vào những chuyện mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm mà toàn là đồ hiệu. Còn thêm chi phí cho những cuộc bù khú bạn bè, nào bạn thời để chỏm, nào bạn tiểu học, bạn trung học, bạn đại học…
Mới đầu, Tuân còn miễn cưỡng đi theo cô nhưng chỉ được một hai lần, anh đâm ra ngán ngẩm, toàn một lũ trẻ con nhảy nhót hát hò. Nhìn cảnh vợ vô tư kề vai bá cổ bạn trai nhảy múa, anh thấy lòng bất an. Nhưng hễ Tuân góp ý thì y như rằng cô giãy nảy khó chịu rồi lu loa khóc. Cuối tuần, trong khi anh thích đến hoa viên ngắm nhìn đàn cá lững lờ dưới chân hòn non bộ để thấy lòng nhẹ nhàng yên tĩnh sau một tuần làm việc căng thẳng thì Trúc nằng nặc đòi đến những khu vui chơi.
Tivi thì mỗi người một cái để Trúc xem phim Hàn Quốc còn Tuân xem thể thao. Người lớn tuổi thường hay ngủ sớm và dậy sớm, trong khi người trẻ thường ngủ trễ, dậy trễ. Vậy là mạnh ai nấy ngủ. Là người lớn, Tuân phải luôn nhượng bộ, càng ngày anh càng cảm thấy mệt mỏi đuối sức. Anh mặc Trúc muốn làm gì thì làm. Nhưng không bao giờ Tuân có thể tưởng tượng ra sự việc lại đến nông nỗi này.
Nhường nhịn mãi, sức người có hạn, Tuân tỏ ý phản đối chuyện Trúc ngang nhiên đi chơi với bạn trai. Trúc sẵn sàng hỗn hào thành cuộc cự cãi. Tưởng vậy rồi qua, không ngờ, sáng hôm sau, Trúc bỏ nhà ra đi, vét hết tiền bạc tư trang đi theo người tình vì chán cảnh chồng già. Vì sĩ diện, anh im lặng nuốt nỗi đau vào lòng, tự an ủi mình đó là cái giá phải trả cho một quyết định không hợp quy luật tự nhiên, có khi như vậy cũng là được giải thoát.
Chia sẻ của người trong cuộc
Chồng tôi bây giờ lớn hơn tôi 25 tuổi. Mặc dù thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cự cãi nhau, nhưng tôi xem đó là chuyện bình thường mà tất cả các cặp vợ chồng đều vấp phải. Trước khi kết hôn, hai bên gia đình đều phản đối, vì mọi người đều cho rằng sự chênh lệch tuổi tác sẽ dẫn đến chênh lệch về tâm sinh lý đáng kể, và điều này sẽ khó níu giữ được hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống của vợ chồng tôi hoàn toàn viên mãn, anh biết anh lớn tuổi hơn tôi nên thường xuyên cho tôi những lời khuyên và nhường nhịn tôi. Còn tôi, tính vẫn hay bốc đồng nhưng tôi luôn suy nghĩ về những gì mình làm để rút kinh nghiệm. Theo tôi, nếu cả hai thật sự yêu nhau thì cả hai sẽ biết cách nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau để có cuộc sống hạnh phúc.
- Chồng cũ của tôi lớn hơn tôi 18 tuổi. Người ta vẫn nói “Chồng già vợ trẻ là tiên” nhưng với tôi, đó là một cuộc hôn nhân địa ngục. Tôi không phải dạng đàn đúm bạn bè, cũng không phải lười biếng, ỷ lại, nhưng tôi làm bất kể chuyện gì cũng không vừa lòng anh ấy. Đơn cử như việc rửa chén, quét nhà ảnh cũng sửa tới sửa lui. Chưa kể trong chuyện vợ chồng, ảnh đều yêu cầu những nguyên tắc thế này thế nọ, nhiều khi tôi bị mất hết cảm xúc vợ chồng. Nếu tôi làm gì sai, ảnh càm ràm suốt cả ngày, hoặc khi có dịp lại lôi những chuyện cũ ra để trách cứ. Tôi đã cố gắng rất nhiều để giữ cho cuộc sống gia đình được êm ấm, nhưng sức tôi có hạn nên đành chấp nhận chia tay với lý do muôn thuở là “không hợp nhau”.
- Tôi kết hôn với chồng khi tôi 40, còn anh 65 tuổi. Ở cái tuổi này, cả hai chúng tôi đều không còn chịu cảnh cơm áo, gạo tiền hay chăm con nhỏ, nên cuộc sống của chúng tôi rất thảnh thơi. Dù lớn hơn tôi tới 25 tuổi nhưng trông anh rất phong độ và lịch lãm. Hằng ngày, hai chúng tôi chịu khó tập thể dục, lên lịch làm việc cùng nhau, tham gia công tác từ thiện, thỉnh thoảng cả hai cùng nhau đi du lịch, thăm viếng con cháu. Khi có chuyện bất đồng gì, hai chúng tôi đều dành thời gian suy nghĩ, sau đó thẳng thắn nói ra quan điểm của mình rồi cùng nhau đưa ra hướng giải quyết. Và tôi nhận ra một điều, sau mỗi lần giận nhau, chúng tôi càng yêu nhau hơn.
Ý kiến chuyên gia tư vấn Xuân An:
Không có chuyện nên hay không nên, đúng hay sai về tuổi tác trong tình yêu. Dù cho sự chênh lệch về tâm sinh lý khá quan trọng, nhưng có nhiều cách để tự điều chỉnh mình. Khi quyết định gắn bó với người ít/nhiều tuổi hơn thì bản thân mỗi người phải tự xem xét và điều chỉnh mình, đừng chăm chăm vào chuyện thắng thua mà đánh mất hạnh phúc.
Ngoài ra, cả hai cùng chăm sóc thể chất, rèn luyện sức khỏe như tập luyện thể thao đều đặn để giữ phong độ. Không chỉ có tình yêu, mà phải có sức khỏe tốt, phòng tránh bệnh tật thì mới đảm bảo được gia đình hạnh phúc. “Chồng già vợ trẻ” chỉ là tiên khi đến với nhau bằng tình yêu thật sự và vì hạnh phúc gia đình.