“Ngày xưa cứ nghĩ đến Tết là vui lắm. Nhà hai vợ chồng cùng quê, gần xịt nhau. Ông bà nội ngoại đều tình cảm. Cả năm ở xa Tết về cứ gọi là hân hoan. Bọn trẻ con được về quê, cô dì chú bác suốt ngày bế bồng, dẫn đi chơi khắp xóm, suốt ngày cười toe toét, reo hò, nhảy nhót, không gì bằng.” - Vừa mỉm cười, chị Loan đã chuyển ngay sang thở dài.
|
Bố mẹ nghèo nhưng vẫn mừng con cháu phong bao "to" để con có tiền lo Tết. Ảnh minh họa. |
Từ năm ngoái, Tết với gia đình chị Loan không còn vẹn nguyên niềm vui sum vầy nữa. Năm ngoái là một năm thất bát, khủng hoảng của gia đình chị. Chồng chị Loan làm thầu xây dựng, chị làm ngân hàng, trước Tết chả bao giờ lo đến tiền, thích gì sắm nấy, chị phải sắm quà về quê từ cả tháng trước Tết, lì xì không cần nghĩ. Nhưng từ lúc anh bị thua lỗ mấy tỉ đồng, ô tô cũng phải bán đi, ông bà nội ngoại giúp đỡ, chị vay hết ngân hàng đến đồng nghiệp tính ra cũng gần tỉ. Hàng tháng, hai vợ chồng nai lưng ra làm cũng chỉ đủ xoay xở tiền ăn uống, tiền học cho con với lãi ngân hàng là không còn đồng nào, may vẫn giữ được cái nhà.
Chị Loan nhớ mãi giao thừa của Tết năm ngoái. Theo thường lệ, sau 12h đêm cả nhà chồng tôi uống rượu vang, mừng tuổi nhau. Hai vợ chồng tính toán mãi, cuối cùng quyết định mừng tuổi ông bà 1 triệu, trong khi những năm trước là 5 triệu. Về phòng mở phong bì ông bà mừng tuổi con, tính ra tiền mừng ông bà còn gấp đôi tiền mình mừng tuổi. “Mà ông bà đều về hưu rồi, cũng đâu có nhiều tiền. Chắc là cả năm gom góp, nghĩ con khó khăn túng thiếu nên cho con. Hai vợ chồng nhìn nhau, đứa nào đứa nấy mắt rơm rớm, không biết nói gì.”
“Cũng may, ông bà mừng tuổi như vậy mới có tiền để mồng 1 Tết, hai vợ chồng lóc cóc sang mừng Tết ông bà ngoại.” - chị Loan cười nói – “Cũng may hai bên nhà đều biết tình hình khó khăn của các con nên không thấy khó xử lắm, chỉ thấy buồn và thương ông bà, đến tuổi này vẫn phải lo lắng nhiều cho các con.”
|
Vụ trốn lì xì này khiến hai vợ chồng buồn lắm - chị Loan tâm sự.
|
Nhưng ra khỏi nhà thì đúng là không thể cười nổi. Bố chồng chị Loan có tận 8 anh chị em, mỗi người lại có từ 3 đến 7 người con, số cháu chắt thì chồng chị cũng không biết hết. Cứ mồng 2 là cả đại gia đình tụ tập, không đầy đủ cũng phải chục mâm cỗ.
Bọn trẻ con nông thôn không giữ kẽ như thành phố, mọi năm, cứ nhìn thấy hai vợ chồng tôi là bọn nó hò reo ầm ĩ, chạy ngay tới, xúm quanh thành vòng tròn, đòi tiền mừng tuổi. Mỗi đứa một phong bì đỏ 100 nghìn, chỉ một ngày mấy triệu đã hết veo.
“Nhìn bọn trẻ con sung sướng, mình thích lắm, nhưng không có tiền lấy gì mà vui? Hai vợ chồng chỉ ưu tiên mừng tuổi “to” hai bác, còn bọn trẻ con đành đổi vài xấp tiền hai mươi nghìn phân phát, cũng không còn cách nào khác!” – chị Loan nói.
Chuẩn bị tinh thần là thế nhưng khi đi vào ngõ nhà bác, hai chồng chị cứ lặng đi, nhìn nhau, hồi hộp, chỉ mong đã đến giờ này bọn trẻ con chưa tụ tập nhiều. Hai vợ chồng không dám tưởng tượng cảnh bọn trẻ con xúm quanh, mở phong bao và phát hiện ra tờ 100 năm nào đã biến thành tờ 20 nghìn không hơn không kém. Bọn trẻ vô tư, có thể buộc miệng thắc mắc, chẳng có ý gì đâu, nhưng hai vợ chồng chị Loan rất sợ cảm giác đó.
Thế là thay vì xúm vào góc này, góc kia nói chuyện với các chú bác, các mự, “chém gió” với đám thanh niên, bồng bế trêu đùa các em bé, hai vợ chồng chị “đánh nhanh thắng nhanh”, thắp hương nhà thờ, chào hỏi các bác một chút rồi lén đi ra cửa sau đi về, cảm giác day dứt cắn rứt dọc đường về thật dài.
“Chả ai lại đi phân bua rằng nhà mình khó khăn này kia, nhưng vụ trốn lì xì này khiến hai vợ chồng buồn lắm. Mình cũng sợ mọi người nghĩ rằng hai vợ chồng ở Hà Nội, có nhà riêng, công việc ngon lành giàu có lại ki bo với anh em, họ hàng nhưng cũng không biết phải làm sao?!” – chị Loan trăn trở - “Năm nay, lịch sử lại lặp lại. Mình nên dũng cảm xì ra đống tiền 20 nghìn phân phát, hay đóng cửa ngồi nhà trốn ngày hội gia đình?!”
Những ngày này, quất đã chín vàng, hoa đào hồng tươi đã nở, chạy xe trên đường đã thấy người ta bày bán đầy chậu hoa, cây cảnh. Tết đã cận kề mà tính đi tính lại, co kéo hết tiền ăn tiêu những ngày cuối năm, cũng chẳng có bao nhiêu để về quê sum họp. “Bây giờ mình mới hiểu cảm giác cay đắng khi năm hết Tết đến, về quê cũng không có tiền mua cho mẹ một chiếc áo, tặng cha một chai rượu ngon, sắm cho các cháu ít váy áo tươi tắn làm quà”