Tết xưa vất, cực nhưng vui
Chị Nguyễn Thị Thanh, Khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa – Hà Nội), chia sẻ: “Đã trải qua bao nhiêu cái Tết nhưng ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là những cái Tết xưa. Tết bây giờ đủ đầy hơn nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong được một lần quay về với Tết của những ngày thơ ấu. Tết xưa tuy vất vả, cực nhọc nhưng mà rất vui. Hồi đó, những ngày Tết đến, bố mẹ tôi bận luôn tay, luôn chân với việc mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, thức cả đêm nấu bánh chưng, thịt đông, làm giò, có năm còn mổ lợn... Tôi không thể nào quên được những cái Tết xưa, những lần được theo mẹ đi chợ sắm Tết. Đôi mắt trẻ thơ háo hức ngắm nhìn chợ Tết tấp nập kẻ bán người mua. Đi qua quầy hàng nào tôi cũng thích thú, từ bánh, mứt, kẹo tới hàng quần áo, rồi quất cảnh, hoa đào, tranh Đông Hồ, câu đối đỏ, lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… Tết với tuổi thơ của tôi là được vui chơi, có quần áo mới, có bánh chưng xanh, những ngày Tết dù có mắc lỗi cũng không bị người lớn đánh mắng…”.
|
Tết xưa Hà Nội thật đầm ấm, rạo rực. |
Theo chị Thanh, Tết ở phố thị bây giờ, nhịp sống công nghiệp hối hả, cái gì cũng có sẵn từ đồ ăn thức uống, ngay cả dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết cũng chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc một cuộc gọi điện tới công ty dịch vụ là họ sẽ làm ngay. Vì thế mà không khí Tết cũng dần phai nhạt đi, không còn cái háo hức, bận rộn, không khí đậm đà của những ngày Tết xưa nữa.
Anh Nam (thôn Đình Thôn – Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội) vẫn luôn nhớ về những cái Tết xưa, khi anh còn là một cậu học sinh cấp 1. Hà Nội những năm 1990 hầu như nhà nào cũng nấu bánh chưng, Tết đến thì được đốt pháo. “Đêm 30 Tết, trời se se lạnh, cả nhà tôi quây quần bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi sình sịch. Thích nhất là trẻ con trong nhà đứa nào cũng được gói riêng cho một chiếc bánh chưng nho nhỏ. Bánh vừa vớt xong cũng là lúc giao thừa đến.
Với tôi, giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm. Hơn 30 năm trôi qua nhưng tôi không thể nào quên được những giao thừa của thời thơ bé. Đêm giao thừa, cả khu xóm tôi ngập tràn tiếng pháo, mùi hương trầm thơm ngát tan vào trời đất, xua đi cái giá rét. Năm nào ba mẹ tôi cũng mua vài bánh pháo tép – thứ mà lũ trẻ như tôi thời bấy giờ thích nhất – để đốt lúc giao thừa và sáng mùng một Tết. Thích thú làm sao khi được tự tay đốt và reo lên trong chuỗi âm thanh, ánh sáng rất đặc trưng của pháo tép. Sau đó là hàng xóm đi đến từng nhà nhau chúc Tết. Dù đốt pháo xong, buồn ngủ díp mắt nhưng tôi vẫn cố thức đợi các chú, bác hàng xóm sang nhà để còn được lì xì”, anh Nam kể.
Tết nay giản tiện nhưng đâu có buồn
Chị Nguyệt, nhân viên Công ty Cocacola Việt Nam cho rằng, nói Tết nay hiện đại nhưng mà không vui cũng không hẳn. Mặc dù công việc chuẩn bị Tết không còn rườm rà, cầu kì như các cụ ngày xưa, nhưng không thể nói tết nay buồn hơn tết xưa được. Ở thành thị, sát tết, cả nhà rủ nhau đi siêu thị sắm tết cũng vui chứ! Rồi bố mẹ đưa con đi mua quần áo mới. Anh chị em, bạn bè tụ tập một buổi ăn tất niên để chia tay năm cũ… Mỗi thời mỗi khác, đơn giản, gọn nhẹ là điều nên làm khi Tết đến. Cả năm đã quá bận rộn với công việc và học hành rồi còn gì!”.
|
Tết nay nhiều thủ tục đã giản tiện hơn nhưng người người nhà nhà vẫn háo hức với việc mua sắm Tết. |
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, nêu quan điểm: “Tôi thấy cũng không cần thiết phải đòi hỏi Tết nay giống hệt Tết xưa, cũng không nên so sánh nặng nề quá. Do hoàn cảnh xã hội đã rất khác, tất cả nằm ở thái độ của mỗi người mà thôi. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc hướng con trẻ biết trân quý những giá trị Tết truyền thống bằng cách này hay cách khác. Cho con trải nghiệm Tết thật ra lại bắt đầu từ những việc rất đơn giản như nhặt, rửa lá dong, lá chuối, cùng sắp xếp mâm ngũ quả với mẹ, lau dọn nhà cửa, cốc chén đón Tết, khai bút đầu xuân, thậm chí cùng đi siêu thị mua sắm với bố mẹ, chỉ cho con biết ngày Tết cần mua những gì... để Tết của con thêm trọn vẹn.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, khó có thể cản trở được sự thay đổi của văn hóa ngày Tết với thời gian. Đây hoàn toàn là một diễn biến bình thường.
“Tết cổ truyền thực ra là một dịp để người thân nhớ đến nhau, đến quê hương, dòng tộc của mình, là cơ hội để người ta thể hiện mối quan hệ đó. Đó là ý nghĩa đầu tiên rất tốt đẹp của người Việt về lễ Tết. Và về cơ bản, Tết nay người Việt vẫn giữ được những ý nghĩa đó, cũng như những tục lệ khác của ngày Tết cổ truyền. Nhiều người sau một năm mưu sinh vất vả vẫn về đoàn tụ với gia đình, còn gia đình nhỏ thì về với gia đình lớn, với quê hương...
Tất nhiên, nhiều vấn đề của đời sống xã hội như nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhận thức con người, hoàn cảnh sống... cũng đã ít nhiều làm mai một đi những giá trị của Tết cổ truyền. Nhưng nói gì thì nói, người Việt dù ở tầng nấc nào của xã hội cũng vẫn đón Tết theo hoàn cảnh của mình. Và quan trọng nhất là trong tâm thức họ, dù người giàu hay người nghèo, họ vẫn giữ được sự háo hức đối với Tết và truyền cái háo hức đó cho con trẻ", TS Bình nói.