Cám cảnh mẹ chồng đi... làm dâu

Google News

Ở tuổi xế chiều, đã lên chức mẹ chồng, bà nội, không ít phụ nữ quyết định đi bước nữa, trải qua cảnh làm dâu khi tóc đã pha sương.

Đang là mẹ chồng, bỗng thành nàng dâu
Hồng từng sướng rơn khi mẹ chồng rụt rè nói với vợ chồng cô về ý định đi bước nữa của bà. Có vẻ bà sợ con cái sẽ phản đối cái chuyện "già mà chẳng trót đời", nên khác hẳn với phong thái uy quyền của "hoàng thái hậu" thường ngày, bà nhũn nhặn rào trước đón sau, dò ý con cái, như chỉ sợ chúng nổi giận hay có cảm giác bị xúc phạm. Bà trình bày, nội dung là bác Kiên, bạn mẹ mà các con đã biết, có ý muốn làm mấy mâm cơm để tuyên bố với hai bên họ hàng, rồi đón mẹ về bên đấy, dành những năm tháng còn lại để chăm sóc nhau...
Bà nói khá là rề rà, nhưng tóm lại bọn con cái tóm lại một câu cho nhanh trong đầu rằng, mẹ muốn đi lấy chồng. Còn trong đầu nàng dâu hiện ra một thông tin thiết thực hơn: mẹ chồng cô sẽ đi khỏi nhà này, cô không phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp hà khắc của bà nữa. Dĩ nhiên là cô ủng hộ 2 tay chuyện bà tái giá, đằng nào chuyện đó cũng đem lại hạnh phúc cho tất cả các bên liên quan. Thế nhưng cô cũng kịp tỉnh táo mà ngậm miệng để khỏi tỏ ra nhiệt tình thái quá.
Ông xã Hồng thì tỏ ra lo lắng: "Con không phản đối tình cảm giữa mẹ và bác ấy, nhưng cứ như lâu nay không tốt sao? Ở đây có chúng con phụng dưỡng, mẹ sang nhà người ta chi cho khổ?". Nói vậy, nhưng thấy vẻ thiết tha, kiên quyết của mẹ, anh đành chấp nhận. Thế là 2 tháng sau đó, mẹ chồng của Hồng về nhà chồng. Từ đây, cô là chủ ngôi nhà mình, các chỉ thị của mẹ (ít hơn trước rất nhiều), Hồng cứ nhận nhưng thực hiện hay không là việc của cô.
"Chuyện mẹ chồng em đi bước nữa, hàng xóm, và cả họ hàng cô bác, xì xào chê bai nhiều lắm, cứ bảo mẹ già rồi, bao nhiêu năm thờ chồng nuôi con, là tấm gương tiết hạnh, giờ làm thế mang tiếng, xấu mặt con cái", Hồng nói, "Nhưng em thà bị cười để được tự do. Em nghĩ bụng, sao tất cả các bà mẹ chồng không đi lấy chồng cho con dâu dễ thở. Nhưng rồi sau đó, em biết mẹ chồng em ở nhà bên ấy cũng vất vả, tự nhiên em lại thấy xót bà".
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nguyên là ông dượng vẫn còn mẹ già hơn 90 tuổi, bà yếu lắm rồi nhưng vẫn vô cùng minh mẫn, sắc sảo. Đương nhiên là mẹ chồng Hồng, dù có tuổi, vẫn phải giữ phận làm dâu. "Thực ra, dù bà già ấy có khó tính, thì chuyện làm dâu của mẹ chồng em cũng không cực hơn đa số các nàng dâu khác, nhưng vấn đề là bà già rồi, mấy chục năm nay chưa từng bị ai chỉ đạo, nay phải chịu cảnh ấy, nên em thấy tội quá, còn chồng em thì xót xa đứt ruột", Hồng kể.
"Ở nhà, mẹ chồng em chẳng phải làm gì hết, em cơm bưng nước rót, nem nép, suốt ngày bị bà hoạnh họe, soi mói thứ nọ thứ kia. Bà muốn gì chỉ nói một câu là hai vợ chồng răm rắp thực hiện, rất chi là oai phong lẫm liệt, vậy mà qua bên đó khép nép thấy tội. Hôm vợ chồng em được mời qua đó ăn giỗ, về nhà chồng em xót mẹ khóc tu tu".
Hôm ấy, mẹ chồng Hồng tất tả chạy ngược chạy xuôi phục vụ khách khứa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng luôn vâng dạ và nở nụ cười khi mẹ chồng bà giục giã hay căn vặn cái nọ cái kia. Hồng xắn tay chuẩn bị phụ giúp bà thì cụ cố đã ngăn lại: "Cô chú là khách, cứ ngồi vào mâm cho tôi, việc có gì đâu, đã có bọn con cháu tôi lo".
Cái uy và sự kiên quyết trong giọng của bà cụ khiến hai vợ chồng biết là đừng nên cãi nếu không muốn gây rắc rối cho mẹ. Họ cứ nhấp nhổm ăn không nổi vì thấy đến cuối buổi, khi cả đám thanh niên vẫn ăn uống no say rồi mà mẹ họ vẫn chưa được miếng nào, vẫn chạy ngược chạy xuôi theo sự chỉ đạo của cụ cố khó tính kia.
Những ngày sau đó, họ nghe ngóng và được hàng xóm nhà ông dượng cho biết, mẹ họ sống trong nhà đó cũng phải nhẫn nhịn, kiềm chế nhiều lắm, bởi cụ bà luôn thích bẻ hành bẻ tỏi, thích dâu mới tự tay chăm sóc bà và làm mọi việc chứ không cho cô cháu gái chưa xuất giá đụng tay vào, osin thì bị đuổi ngay khi mẹ chồng Hồng về sống chung. Mới ở đó có mấy tháng mà bà đã gầy và già đi thấy rõ, dù ông dượng cũng tốt và thương vợ, nhưng không dám làm phật ý bà mẹ đã gần đất xa trời.
Bị nhà chồng hành, mới biết thương con dâu
Chị Hương, 27 tuổi, kể: "Mẹ chồng của mẹ chồng em tai quái lắm, mà bà ấy cũng chỉ là mẹ kế thôi, chứ có đẻ ra ông dượng em đâu. Nhưng bà ấy không có con nên ông dượng vẫn phải phụng dưỡng. Từ hồi ông cụ mất, bà chẳng dám tác oai tác quái gì, nhưng khi mẹ chồng em về đó thì bà đã tìm ra được đối tượng để hành".
Bà cụ tai quái đó thực ra chỉ nhiều hơn con dâu chừng 15 - 16 tuổi, rất khỏe mạnh. Ngoài chuyện bắt bà Minh, mẹ chồng Hương, tự tay phục vụ tất cả mọi người trong nhà, bà còn rất cao hứng trong việc giảng giải đạo đức cho con dâu. Bài học đạo đức được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là: gái chính chuyên một chồng.
Bà cụ bảo, đời cũng lắm mụ đàn bà dơ, lúc trẻ không ham hố đi, lại ra vẻ chính chuyên cơ, đến lúc già mới thấy là nhịn không nổi nữa, mới lòi đuôi là thèm giai, sắp xuống lỗ rồi còn bỏ con bỏ cháu đâm bổ đi lấy chồng, đến là nhục. Không như bà đây, chồng chết là ở vậy chăm sóc con chồng, đâu có nghĩ chuyện đi bước nữa...
Bị lăng nhục nhiều quá mà không làm gì được, chỉ được vài tháng, bà Minh tỉnh ngộ, nghĩ mình tội quái gì phải chịu khổ như thế này, tự nhiên ở nhà đang hét ra lửa, quát một câu dâu con sợ vãi linh hồn, lại mang thân già sang đây làm osin. Thế là bà dọn đồ về lại nhà cũ, bảo chồng ông có sang nhà tôi thì sang, không thì chia tay. Ông dượng là chủ cả một gia đình, xách va ly theo bà sao được. Thế là cuộc hôn nhân buổi xế chiều tắt ngúm.
Chị Hương nhận xét, từ hồi ở nhà chồng mới quay về, mẹ chồng cô trở nên dễ chịu hơn trước. Bà Minh không còn xét nét, bắt bẻ, quát mắng con dâu vô lý như trước. "Có lẽ việc phải trải nghiệm lần nữa cảnh làm dâu ở cái tuổi oái oăm này khiến bà đồng cảm với con dâu hơn", Hương nói.
Đôi khi mẹ con cùng nấu nướng, bà tâm sự, từ giờ trở đi bà sẽ chỉ vui vầy với con cháu, rảnh thì đi hát hò, khiêu vũ với các bạn già, chẳng dại dính vào chuyện yêu đương gì nữa. Trước mà nghe mẹ chồng "hứa" sẽ cả đời ở sát bên mình thì Hương hốt lắm, nhưng giờ thì chị nghĩ cuộc sống chung sẽ không đến nỗi nào. Dù sao chị cũng không muốn mẹ đẻ của chồng mình bị người ta đay nghiến trong khi tuổi bà cần được an vui.
Thực ra, số phụ nữ cao tuổi đi làm dâu ở những gia đình còn có mẹ già là rất hiếm, vì thường gia cảnh như vậy sẽ khiến họ rút lui từ đầu. Phổ biến nhất trong các cuộc hôn nhân tuổi xế chiều này là cô dâu cao tuổi phải cố gắng làm đẹp lòng đám con cái của chồng, đôi khi có cả cô em độc thân của chồng nữa.
Tuy nhiên, không phải vì những người đó là "vai dưới" mà cuộc sống của họ dễ dàng hơn, bởi dù sao, người phụ nữ ấy cũng là người lạ "đột nhập" gia đình họ, phá vỡ sự ổn định quen thuộc bấy lâu, chiếm chỗ người thân đã mất (hoặc đã chia ly gì lý do nào đó) của họ, đe dọa sự an toàn tài sản mà họ nghĩ mình sẽ được thừa kế... Dù về nhà với tư cách mẹ kế, lại đã nhiều tuổi, nhưng thân cô thế cô, họ thường ở thế yếu trước cả gia đình chồng, nên chuyện bị bắt nạt không có gì là khó hiểu.
Bà Bích cũng vì tình yêu, và cả tình thương với ông bạn già của mình mà bỏ lại ngôi nhà cho con dâu quản lý, đến ở với ông, những mong chăm sóc ông những năm cuối đời. "Mẹ tôi về đó là thiệt thòi lắm rồi, vì ông già ấy bệnh tật đầy người, kinh tế cũng thua nhà tôi", cô con gái bà Bích hậm hực nói. "Mẹ về đó vì muốn chăm sóc ông ấy, đem lại niềm vui cho ông ấy, điều mà đám con cái bận bịu không làm được, những tưởng họ phải sung sướng biết ơn lắm, ấy thế mà họ lại đua nhau soi mẹ tôi, chê trách, bắt bẻ đủ thứ như soi một cô dâu con nít".
"Ngày thường, ông già toàn phải ăn cơm hàng cháo chợ, quần áo thì cũ rách, con cái có đứa nào để ý đâu. Mẹ tôi về tự tay nấu cho ông ngày ba bữa, giặt giũ, sắm sửa, khâu vá, trông ông ấy vừa béo tốt trẻ khỏe, vừa tinh tươm sang trọng hơn hẳn. Thế mà mấy đứa con cứ xâu vào kêu là sao dì không nấu món này, sao dì để bố tôi phải ăn cái kia, dì để bố tôi mặc cái áo dở hơi nào thế, dì chăm thế nào mà bố tôi bị sốt thế... Điên cả tiết. Tôi sang tôi mắng cho mấy lần rồi, mẹ mà không can có khi tôi còn đánh cho".
Cứ dăm bữa nửa tháng, mấy đứa con bà Bích lại có một trận cãi lộn nảy lửa với đám con nhà ông dượng, bởi mấy kẻ đó vẫn coi mẹ kế là người phải chấp nhận đắng cay để được làm vợ bố họ. Buối cùng, bà Bích bị cả lũ con kéo tuột về nhà, không cho phép sang chăm ông chồng nữa nếu mấy đứa con ông ta chưa chịu dập đầu xin lỗi và năn nỉ bà quay về. "Địch thủ" của họ cũng không vừa, bảo bà Bích có chân đi thì cũng có chân về được, già rồi còn bày đặt giận nhà chồng bỏ về nhà mình, già rồi mà còn bị chồng bỏ lần thứ hai thì nhục ráng chịu...
Cứ thế, chẳng ai chịu ai. Chỉ khổ thân cho hai thân già. Ông cụ thì đau yếu chẳng ai chăm nom, lại thêm nỗi đau buồn vì gia cảnh lục đục, nên chẳng thiết ăn uống. Còn bà Bích ở nhà mình, nghĩ đến ông chẳng biết còn sống thêm được bao lâu mà đau lòng, nước mắt chứa chan...
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)