"Con mẹ thối thây, lười biếng, ích kỷ"
Những tính từ rất "gợi cảm" này là của mẹ chồng dành cho Cúc khi chị đáp lại câu hỏi "bao giờ mới chịu đẻ đứa nữa" của bà bằng thông báo chị sẽ không có đứa thứ hai. Cách đó 3 năm, Cúc gần như trở thành "anh hùng" của họ nhà chồng khi sinh hạ được thằng cu giống bố như đúc, nhưng giờ đây, chị đã thành tội đồ.
"Tao không thể tưởng tượng được tại sao lại có loại đàn bà như mày. Đầy người bán cả nhà đi để chữa chạy mong có được đứa con, còn mày thì đẻ được mà không chịu đẻ", mẹ chồng đay nghiến. "Mày là đồ ích kỷ, lười nhác, chỉ vì muốn sướng cái thân mà không cho đứa con mình được ra đời, mày ác lắm". Những câu mắng của bà khiến những người nghe lỏm được lại nghĩ chị Cúc đi phá thai vì ngại nuôi con.
Chuyện Cúc không chịu đẻ được mẹ chồng tố khắp họ hàng, làng xóm, bạn bè của hai vợ chồng cùng khách khứa đến chơi với nguyện vọng "các bác khuyên giúp cho nó sáng mắt ra với". Bởi mẹ chồng Cúc có tiếng là ghê gớm, cay nghiệt nên ngày thường, mọi người, ngay cả bố chồng, cũng hay bênh vực chị những lúc bà "lên cơn". Nhưng trong chuyện đẻ đái này thì mọi người với mẹ chồng đều đồng tâm nhất trí.
Thái độ mỗi người mỗi khác, người nhẹ nhàng khuyên nhủ, kẻ phê phán kịch liệt, tựu trung vẫn là Cúc phải đẻ thêm, thà vô sinh thì thôi chứ nếu đẻ được mà không đẻ thì Cúc là cái giống gì chứ chẳng phải đàn bà nữa.
Cúc tâm sự, chị quyết định không sinh thêm vì muốn con mình có điều kiện sống thật tốt, được hưởng mức sống cao. "Với điều kiện kinh tế của vợ chồng tôi, nếu sinh 2 con thì chắc chắn sẽ chỉ lo cho chúng nó được cuộc sống tầm tầm, học trường làng, dùng hàng Trung Quốc. Tôi muốn con tôi được mặc áo đẹp, ăn thực phẩm an toàn, khi ốm đau được khám bác sĩ giỏi, hằng năm đi du lịch, được học trường tốt và lớn lên đi học nước ngoài", chị Cúc tâm sự.
Hồi đầu, chồng Cúc không đồng ý, vì anh cũng giống quan điểm của đại đa số người Việt, ít nhất phải có hai con. Thế nhưng khi nghe vợ phân tích thì anh nhanh chóng đồng tình. Có điều, để kiên định được với quyết định này, họ phải chịu rất nhiều "búa rìu" từ họ tộc.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
"Bây giờ trong làng ngoài xóm, bà con họ hàng đều chỉ trỏ, coi tôi như hình mẫu của người phụ nữ hiện đại ích kỷ. Cũng mệt mỏi vì gặp bất kỳ ai cũng nghe hỏi bao giờ sinh đứa nữa, và tôi trả lời xong bao giờ cũng phải nghe họ khuyên bảo, phân tích cả tràng", Cúc cho biết. "Nghe vài lần không sao, nhưng nghe triền miên thì nhiều khi chỉ muốn quát vào mặt họ là mặc kệ tôi, đừng có chõ mũi vào việc của người khác, dù biết rằng họ nói cũng vì thiện ý".
Cũng có quyết định sinh một con và biết chắc sẽ bị phản đối, can thiệp, chị Nguyệt không nói thẳng rằng đó là mong muốn của mình, mà đổ lỗi cho "máy móc hư hỏng". Con đầu lòng lên 4, hai vợ chồng bắt đầu bị giục giã và hỏi thăm chuyện đẻ tiếp. Mỗi lần như vậy, họ đều tươi cười bảo vâng, bọn con/bọn cháu/bọn em đang cố đây và chịu khó ngồi nghe các bác, các chị, các bạn tư vấn cho bí quyết làm sao để dễ thụ thai, đi khám ông lang nào thì dễ "đậu"...
Vài năm sau, mức độ gay gắt trong những câu nhắc nhở của bố mẹ tăng lên, họ cũng vờ nghe lời đi khám. "Không lần khân lâu được nên vợ chồng tôi thống nhất sẽ khai với ông bà là mất khả năng sinh con để kết thúc mọi chuyện, đỡ bị giục. Có điều nếu vợ mà vô sinh thì bố mẹ nếu không xúi anh ấy bỏ vợ thì cũng sẽ hành hạ tôi. Vì thế chồng tôi tự nhận là anh ấy không có tinh trùng khỏe mạnh nên không đẻ được", Nguyệt kể.
Thấy hóa ra "lỗi" là ở con trai mình, bố mẹ chồng Nguyệt không còn ría rói con dâu là vô phúc nữa. Chị tâm sự: "Thật may chồng hợp tác tốt, không thì khó sống lắm, vì bố mẹ chồng tôi trước đây vẫn chửi một nàng dâu trong họ là đồ đành bà trời đánh, quạ mổ vì không chịu sinh con thứ ba để kiếm kẻ nối dõi tông đường".
Đẻ vì con hay vì bố mẹ?
Không chỉ bố mẹ chồng mới "lên án" nàng dâu không chịu sinh thêm con. Đối với hầu hết người Việt, khi nghe một phụ nữ cho biết sẽ không có đứa thứ hai thì trong 100 người có 99 người nghĩ rằng: cô ấy muốn sống cho bản thân là chính, cô ấy ngại khổ, ngại xấu xí già nua vì sinh nở và nuôi con, cô ấy không yêu trẻ (mà yêu trẻ là phẩm chất thiên bẩm của mọi phụ nữ đích thực).
Những người độ lượng thì nghĩ: "Cũng không sao, bây giờ phụ nữ không còn muốn hy sinh vì con cái như ngày xưa, đó là quyền của họ". Nhưng dù độ lượng, hầu như ai cũng coi việc không sinh con thứ hai là điểm trừ cho người mẹ đó.
Có nhiều lý do để người ta coi sinh hai con là điều nhất thiết phải làm, ngoài chuyện yêu trẻ hay càng đông càng vui, nhiều con nhiều phúc: để con không cô đơn, sau này bố mẹ già ốm đau không phải một mình cáng đáng, để trẻ không bị ích kỷ, hư hỏng khi được nuôi theo chế độ con một, để nhỡ một đứa "có bề gì" thì còn đứa kia, để khi đứa này lớn đi học đi làm xa thì còn đứa kia, để về già đông con đông cháu có nhiều chỗ dựa...
"Tôi thấy nhiều phụ nữ ích kỷ, sợ khổ nên chỉ đẻ một con, sau này thể nào cũng ân hận", chị Mai Linh, 42 tuổi, sống ở Nam Định, nói. "Như tôi đây, đẻ 2 đứa con cách nhau 2 năm, lớn lên chúng nó đi học đại học hết, buồn quá phải đẻ thêm đứa nữa. Nhà nào một con thì còn buồn thế nào! Đó là chưa kể sau này mình chết đi, mấy đứa con xúm vào cùng lo ma chay nhìn cũng ấm lòng, chứ một đứa thui thủi tang ma thì tủi chết đi được, ngày giỗ cha giỗ mẹ cũng có một mình".
Tuy nhiên, không phải người nào không muốn sinh thêm con cũng vì sợ xấu hay ngại vất vả. Anh Nguyễn Long, nhà ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ: "Những người quyết định sinh một con như tôi luôn bị cho là ích kỷ, người ta cho rằng sinh nhiều con mới là vì con. Nhưng tôi nghĩ, nếu người ta đẻ 2 - 3 con để chết con này còn con khác, để sau này về già nhiều con cháu quây quần ríu rít, để con này đi học đi làm xa thì còn con khác ở bên, thì đó là vì bản thân họ chứ đâu phải vì con".
"Và để đổi lại, con họ phải sống thiếu thốn, bố mẹ thì vất vả nên sinh bẳn gắt, không quan tâm được đến đời sống tinh thần của con, chỉ lo cho nó ăn học đã bở hơi tai rồi. Nếu vì con, thì phải lo cho con cuộc sống tốt nhất. Nếu đủ điều kiện để nuôi nhiều con mà vẫn tốt thì không nói làm gì, còn nếu không đủ thì tôi nghĩ, lựa chọn sinh một con để nuôi cho tử tế vẫn là vì con, tốt cho con hơn so với đẻ nhiều".
Còn anh Bằng, 35 tuổi, bày tỏ: "Tôi thấy đầy người đẻ ba bốn đứa con, đến lúc chúng lớn lên cũng kéo nhau đi hết, ông bà già cũng vào ra với nhau thôi, có khác gì con một đâu. Lại còn chuyện phụng phưỡng bố mẹ, người ta cứ bảo con một thì phải một mình nuôi bố mẹ già, tội nó, nhưng bao nhiêu đời nay mọi người vẫn thấy đó, 10 con chắc gì đã nuôi nổi một mẹ già. Mình sinh con, nuôi con lớn là mong nó hạnh phúc, chứ không mong nó báo hiếu. Vợ chồng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị cho mình khi về già hay chết đi, không phiền gì đến con hết".
Theo anh Bằng, đành rằng đứa con một có thể sẽ hơi buồn vì không có anh chị em, nhưng điều đó không phải không bù đắp được. Nếu bố mẹ biết dành cho con thời gian của mình, làm người bạn thân thiết của nó, hướng cho nó có đời sống xã hội rộng mở, nhiều bạn bè thì nó sẽ không cô đơn. Việc nuôi dạy cũng thế, nếu không biết dạy thì con đống cháu đàn cũng sẽ hư và ích kỷ, còn nếu dạy con đúng cách thì nó vẫn sẽ là người biết sẻ chia, biết yêu thương và thông cảm.
Không thể phủ nhận, nếu đông con nhiều cháu mà con cháu đều khỏe mạnh, hạnh phúc thì gia đình đúng là đại phúc, tràn ngập niềm vui. Nhưng cũng không thể nói những gia đình ít người kém hạnh phúc hơn. Có không ít gia đình con cái đông đúc nhưng suốt ngày bất hòa, tranh giành của cải, thậm chí chém giết lẫn nhau thì nhiều con đồng nghĩa với nhiều tai họa.
"Nói cho cùng, phúc hay họa không nằm ở chỗ có một hay nhiều con, vì thế sinh mấy đứa cũng tùy quan điểm, hoàn cảnh riêng của mỗi cặp vợ chồng", anh Bằng nói. "Miễn là mình sinh con ra là để mang lại hạnh phúc cho nó, thay vì coi con cái là phương tiện đảm bảo tương lai cho mình".