Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa sửa án sơ thẩm và tuyên hủy cùng lúc bốn quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc thu hồi tiền chuyển nhượng đất lâm nghiệp của bốn anh em nhà ông Hàn Mạnh Hùng.
Sơ thẩm bảo thu hồi đúng
Theo hồ sơ, năm 2002, ông Hùng tiếp nhận và đầu tư vào một lô đất rừng của Công ty B. Tiếp đó, ông ký kết hợp đồng giao nhận khoán đất rừng trên với Ban quản lý rừng huyện Tân Uyên. Ba năm sau, ông Hùng chuyển nhượng lại cho một hộ khác. Đầu năm 2012, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết định thu hồi hơn 1,4 tỉ đồng tiền chuyển nhượng đất lâm nghiệp của ông Hùng vì cho rằng giao dịch trên là trái phép.
Không đồng tình, ông Hùng đã khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu hủy quyết định của chủ tịch ủy ban. Song song đó, ba anh em khác của ông cũng đồng khởi kiện với ba quyết định thu hồi tiền chuyển nhượng tương tự như trường hợp của ông Hùng.
Tại phiên xử sơ thẩm tháng 8-2012, người khởi kiện khẳng định theo sổ giao đất, giao rừng, ông có quyền chuyển nhượng thành quả lao động cho người khác. Đây là quan hệ dân sự không liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước. Ngược lại, bên bị kiện cho rằng việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp là trái phép do không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
HĐXX đồng tình với lập luận của phía chủ tịch ủy ban khi cho rằng việc chuyển nhượng thành quả lao động và đất nhận khoán trong trường hợp này chưa thông qua cơ quan quản lý rừng là vi phạm. Chủ tịch ủy ban tỉnh thu hồi số tiền trên là đúng nên giữ nguyên quyết định.
Ngay sau đó, bốn anh em ông Hùng kháng cáo.
Chuyển nhượng không sai!
Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, HĐXX cho rằng việc chuyển nhượng thành quả lao động của ông Hùng cho người khác là không trái pháp luật. Giao dịch trên là tự nguyện, hợp pháp. Việc họ chậm thông báo đến ban quản lý rừng từ một đến sáu tháng là có vi phạm nhưng không thể xem là trái phép để ra quyết định thu hồi tiền chuyển nhượng.
Ngoài ra, ban quản lý rừng cũng có văn bản thể hiện ý kiến không thống nhất với quyết định của chủ tịch ủy ban tỉnh. Cụ thể, các hộ đã đầu tư công sức, tiền của để trồng rừng sản xuất tại địa phương. Nay điều kiện sản xuất gặp khó khăn không đảm bảo nên chuyển nhượng lại thành quả lao động và công sức đầu tư trên đất giao khoán là hợp lý.
HĐXX nhận định thêm, chủ tịch ủy ban tỉnh ra quyết định thu hồi tiền chuyển nhượng mà không xem xét đến phần giá trị tài sản đầu tư trên đất hiện có là không đảm bảo quyền lợi của ông Hùng. Cuối cùng, tòa chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm như trên.
Tòa cũng có phán quyết tương tự đối với các vụ kiện của em ông Hùng.
Phải bảo vệ quyền chính đáng của người dân
Phán quyết cuối cùng của tòa án cấp phúc thẩm đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân theo luật định. Luật không cho phép chính quyền can thiệp vào giao dịch dân sự hợp pháp của người dân. Cụ thể ở đây, chủ tịch ủy ban tỉnh đã ra quyết định tịch thu không đúng số tiền chuyển nhượng thành quả lao động của các hộ làm rừng - những người đã đầu tư công sức, tiền của để liên kết với nông lâm trường trồng rừng sản xuất tại địa phương. Trong quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm, ban quản lý rừng cũng đã có văn bản nêu ý kiến nhưng HĐXX lại không xem xét thấu đáo để bảo vệ quyền lợi cho bên khởi kiện là không phù hợp.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
|
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU