Trong khoảng thời gian vài năm gần đây, xe ôtô Trung Quốc ngày càng được đưa về ồ ạt tại thị trường Việt với nhiều dòng xe và mẫu mã khác nhau, đa số là các mẫu xe CUV nằm trong tầm giá từ khoảng 500 triệu đến 900 triệu đồng. Rất nhanh chóng, xe Trung Quốc đã thu hút được một nhóm khách hàng quan tâm nhờ thiết kế cùng các trang bị hấp dẫn và giá rẻ.
Xuất hiện rầm rộ...
Nếu là một người quan tâm về ôtô, chắc hẳn không thể quên được những “làn sóng” ôtô Trung Quốc giá rẻ với những mẫu xe tiêu biểu như Zoyte Z8, BAIC Q7 hay Brilliance V7 được đưa về nước đã trở thành một “hiện tượng”, các mẫu xe được bàn tán khá sôi nổi trên các hội nhóm, “ngôi sao” trên Youtube, mạng xã hội và các diễn đàn ôtô Trung Quốc tại Việt Nam.
|
Xe ôtô Trung Quốc đã tạo được dấu ấn nhất định tại thị trường Việt nhờ giá rẻ, trang bị nhiều công nghệ và "đồ chơi" hấp dẫn. |
Đơn cử là mẫu CUV Brilliance V7 được giới thiệu hồi tháng 3 đầu năm nay tại Việt Nam, mẫu xe được quảng bá khá rầm rộ nhiều tính năng, công nghệ cao, động cơ tăng áp có nguồn gốc từ BMW, hộp số tự động ly hợp kép sang chảnh... Brilliance V7 đã nhanh chóng thu hút sự chú ý. Brilliance V7 được phân phối duy nhất một phiên bản có giá bán 738 triệu đồng, một mức giá rẻ nếu so với giá của CUV 5+2 chỗ của Nhật và Hàn.
...và âm thầm biến mất
Trong khoảng thời gian đầu được ra mắt, các mẫu xe này thu hút một nhóm khách hàng quan tâm, đạt doanh số bán hàng khá tốt. Nhưng sau đó dễ dàng rơi vào tình trạng bán chậm, thậm chí khó bán, trở nên ế ẩm hơn. Bị “lãng quên” trong thời gian vài tháng sau đó, đặc biệt là khi có một dòng xe mới được đưa về nhanh chóng “chiếm sóng”. Vì tâm lý người mua luôn quan tâm các sản phẩm mới mẫu mã mới và trang bị hấp dẫn.
|
CUV BAIC Q7 có thiết kế giống xe sang Land Rover tại đại lý.
|
Thật vậy, khi Brilliance V7 ra mắt, Zoyte Z8 đã dần dần nguội lạnh, gần đây “ngôi sao” Beijing X7 xuất hiện, Brilliance V7 trở nên mờ nhạt và mất dần sức hút. Mặc dù không có nhiều tiếng vang lúc được giới thiệu, nhưng các mẫu xe Hàn và Nhật luôn có doanh số ổn định duy trì qua nhiều tháng, giữ phong độ hơn nhiều xe Trung Quốc.
Xe mẫu mới về, xe mẫu cũ nhanh chóng mất giá
Dù sao đi nữa, ôtô tại Việt Nam vẫn được xem là một món tài sản lớn, mặc dù hiện tại người mua đã thoáng hơn trước và xem nó như một phương tiện. Ôtô không còn giữ giá một cách “thần thánh” như trước, mà chỉ mất giá nhiều hay ít. Trên thực tế, so với ôtô Nhật, Hàn, Mỹ, thì ôtô Trung Quốc rất nhanh mất giá sau một thời gian sử dụng.
Thật vậy, mặc dù đã tạo được dấu ấn và chỗ đứng nhất định tại Việt Nam, nhưng trên thực tế đối tượng khách hàng quan tâm đến xe Trung Quốc không nhiều bởi tâm lý e ngại. Người mua xe mới đã ít, người tìm xe cũ lại còn ít hơn. Khi cần tiền hay bán để đổi xe khác, người dùng phải rao giá thấp, chấp nhận “lỗ” nặng để nhanh chóng bán được xe, nhưng không phải muốn bán được xe là dễ.
|
Các dòng xe Trung Quốc không bền bỉ, thường xuyên mất giá nhanh. |
Ngoài ra, xe mới thường xuyên được đại lý giảm giá cho các dòng xe cũ để nhanh chóng “dọn hàng” trước sức ép của các xe mới. Tham khảo giá bán hiện tại của các dòng xe Trung Quốc trong những tháng cuối năm, mẫu xe Brilliance V7 còn giá 700 triệu, giảm gần 40 triệu so với giá trước đó, “ngôi sao” một thời - Zotye Z8 giảm sâu hơn chỉ còn 660 triệu đồng, giảm gần cả trăm triệu so với giá 758 triệu đồng trước đó.
Ngoài giảm giá bán, một số mẫu xe này còn hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ khi mua xe. Xe mới đua nhau giảm giá đã tác động rất lớn đến giá xe cũ trên thị trường.
|
Các ngân hàng cũng tỏ ra e dè với người mua xe ôtô Trung Quốc.
|
Đối với những ai có chi phí hạn hẹp để mua xe, thì việc lựa chọn mua xe theo hình thức trả góp cũng trở nên khó khăn hơn, khi các ngân hàng cũng tỏ ra e dè với các khách hàng muốn đặt mua ôtô Trung Quốc.
Bán một lần rồi...thôi?
Khác với các lựa chọn xe của Nhật, Hàn, Mỹ, các hãng thường tiếp tục duy trì và phân phối nhiều dòng xe trải qua nhiều thế hệ nối tiếp khác nhau, có khi cả chục năm. Như các dòng Mazda CX-5, Honda CR-V hay Hyundai SantaFe được bán qua nhiều thế hệ.
Xe ôtô Trung Quốc không được như vậy, các mẫu xe được nhập về phân phối trong khoảng thời gian ngắn, sau khi bán hết các lô xe được đưa về nước, đơn vị nhập khẩu nhanh chóng “ngắt hàng” để chuyển sang một dòng xe khác hấp dẫn người mua hơn.
Điều này thậm chí còn tác động đến tâm lý e ngại, lo lắng cho khách hàng đã sở hữu xe về việc sửa chửa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng trong thời gian về lâu về dài, khi mẫu xe mình đang sở hữu đã…ngừng bán, hết phân phối. Thậm chí có nhiều dòng rơi vào tình cảnh “tréo ngoe” hơn, đơn cử là dòng Brilliance V7 khách vừa mua xe mới vài tháng, thì nhận được tin hãng Brilliance đã tuyên bố phá sản tại quê nhà.
Những phiền toái khi sở hữu xe Trung Quốc
Mặc dù mang những ưu điểm ở giá bán hấp dẫn, trang bị tốt trong tầm giá, mẫu mã đẹp mắt, nhưng trên thực tế đã có nhiều khách mua xe khi xem và chạy thử xe ở đại lý đã tỏ ra rất thích, nhưng không phải ai cũng “xuống tiền” sau đó. Vì những định kiến, chất lượng về lâu về dài, dễ mua khó bán, rớt giá “đậm”. Đây là những vấn đề lớn đối với xe Trung Quốc tiếp cận khách mua.
|
Nhiều khách hàng đã mua xe, nhưng tìm cách chối bỏ “mác” xe Trung Quốc bằng cách đổi logo, tên xe... |
Có nhiều trường hợp khách hàng đã mua xe, nhưng tìm cách chối bỏ “mác” xe Trung Quốc bằng cách gắn các logo, tên của các hãng xe sang của châu Âu, Mỹ để tự tin hơn khi cầm lái. Tuy nhiên, điều này đôi lúc cũng phản ứng ngược, nhanh chóng biến chiếc xe thành trò cười đối với những ai đã am hiểu về chuyện xe cộ.
Không đơn giản là sở hữu một phương tiện, người dùng xe Trung Quốc đôi lúc còn trở nên phiền toái, mệt mỏi hơn bởi những câu hỏi so sánh, chấp nhận sống trên những lời xầm xì, đàm tiếu, dở khóc dở cười.