Sơn phủ gầm ôtô, quy trình thực hiện và những điều cần lưu ý

Google News

 Để bảo vệ gầm xe ôtô cũng như loại bỏ bớt tiếng ồn vọng vào cabin, nhiều người tìm đến biện pháp sơn phủ gầm như một cứu cánh - tuy nhiên có những điều mà người dùng cũng cần lưu ý.

 

Sơn phủ gầm ôtô là một trong những biện pháp giúp chống ồn, bên cạnh những cách làm khác như dùng thảm cách âm, gioăng cao su,... Vậy có nên sơn phủ gầm xe ôtô không? Các lưu ý cần biết khi làm là gì?
Sơn phủ gầm ôtô là gì?
Sơn phủ gầm là phương pháp xịt lên toàn bộ bề mặt gầm xe ôtô một lớp sơn chuyên dụng. Lớp sơn này có khả năng làm giảm tiếng ồn từ các nhân tố tác động lên xe như gạch, sỏi đá, khói bụi,... đồng thời bảo vệ ôtô khỏi tình trạng rỉ sét, mài mòn, gia tăng tuổi thọ khung gầm, giúp việc vệ sinh dễ dàng hơn, tăng tính thẩm mỹ cho gầm.
Tác dụng của sơn phủ gầm ôtô
Gầm xe chính là nơi chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài nhất. Đặc biệt là những mẫu sedan/hatchback có khoảng sáng gầm khá thấp nên rất dễ bị ảnh hưởng từ điều kiện bên ngoài như địa hình gồ ghề, sỏi đá, bụi bẩn,... Tất cả đều là nguyên nhân khiến gầm xe nhanh xuống cấp, bị rỉ sét, trầy xước, ăn mòn, biến dạng.
Son phu gam oto, quy trinh thuc hien va nhung dieu can luu y
  Để bảo vệ gầm xe ôtô cũng như loại bỏ bớt tiếng ồn vọng vào cabin, nhiều người tìm đến biện pháp sơn phủ gầm như một cứu cánh.
Điều kiện thời tiết đặc thù như ở Việt Nam cũng tác động rất nhiều đến các chi tiết gầm xe làm từ kim loại. Nắng mưa thất thường, ngập úng nhiều sẽ khiến cho gầm xe dễ bị mòn, mục dần, xuất hiện các lớp rỉ sét.
Trong khi đó, bộ phận gầm xe lại tập trung nhiều chi tiết quan trọng như khung nâng đỡ, cụm vi sai, hệ thống treo, ống xả, hệ thống bánh xe, trục các-đăng,... Do vậy, việc sơn phủ gầm sẽ giúp hạn chế những ảnh hưởng xấu đến cơ chế vận hành cũng như nhiều bộ phận khác của xe, bảo vệ gầm xe, giúp chống rỉ và chống ẩm, giảm tiếng ồn cũng như hạn chế tình trạng xước sơn phía dưới gầm do các tác nhân như đá, sỏi văng vào, cách nhiệt, hạn chế hấp thụ nhiệt từ mặt đường vào trong xe. Bên cạnh đó còn giúp kéo dài tuổi thọ và tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống gầm xe.
Khi nào nên phủ gầm ôtô?
Thông thường sơn phủ gầm chống ồn nên thực hiện khi mới mua xe và những xe ôtô cũ có dấu hiệu rỉ sét. Để tăng tính cạnh tranh, các mẫu xe phổ thông, xe giá rẻ thường chỉ được nhà sản xuất sử dụng loại sơn phủ gầm có chất lượng chưa cao, các lớp sơn mỏng. Sau một thời gian ngắn sẽ bị bong tróc, phần gầm xe nhanh xuống cấp.
Son phu gam oto, quy trinh thuc hien va nhung dieu can luu y-Hinh-2
 
Các chuyên gia kỹ thuật khuyên rằng, ngay cả xe ôtô mới cũng nên sơn phủ gầm vì lúc này xe vẫn còn ở tình trạng tốt, chưa bị hao mòn ảnh hưởng gì, quá trình sơn sẽ nhanh và đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí hơn, giúp xe được bảo vệ tốt nhất.
Trong trường hợp ôtô đã sử dụng nhiều năm, gầm xe xuất hiện dấu hiệu rỉ sét, các chủ xe cần đi tẩy vết rỉ và sơn phủ gầm ngay. Nếu không tẩy rỉ, các vết rỉ sẽ càng lan rộng, ảnh hưởng đến các chi tiết dưới gầm và kết cấu khung gầm.
Quy trình sơn phủ gầm
Về cơ bản, quy trình sơn phủ gầm xe sẽ gồm 3 bước làm chính sau:
Vệ sinh, làm sạch gầm
Bọc các chi tiết không sơn
Phun phủ gầm
Bước 1: Vệ sinh, làm sạch gầm xe
Đầu tiên, người thợ sẽ chuẩn bị đồ phun sơn, tháo bánh xe, đai ốc, tấm chắn,... các chi tiết phụ ở khu vực liên quan đến gầm xe để các thao tác tiếp theo được thuận tiện hơn. Sau đó sẽ phun xịt nước áp lực cao để làm sạch khung gầm và tẩy hết các vết rỉ sét, vết bẩn bám vào rồi lau khô.
Bước 2: Tiến hành che chắn, bọc các chi tiết không sơn
Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ khung gầm, toàn bộ 4 vòm lốp, gầm ba-đờ-sốc,... người thợ sẽ sử dụng nilon chuyên dụng để che chắn vị trí ở tai xe trước sau trái phải, khu vực không cần sơn. Kiểm tra toàn bộ các cửa đã đóng, lên kính hoàn toàn.
Bước 3: Phun phủ gầm
Khi gầm xe đã khô, người thợ dùng súng phun sơn phủ gầm xịt lên bề mặt. Lưu ý không xịt vào vị trí giảm xóc, bình xăng, khu vực động cơ, ống xả, càng A. Xịt theo thứ tự từ trước ra sau, tiến hành xịt thêm lớp tiếp theo (nếu có), chú ý các vị trí khuất, khó xịt. Cuối cùng, kiểm tra lại toàn bộ khung gầm, vệ sinh sạch sẽ lại một lần nữa.
Son phu gam oto, quy trinh thuc hien va nhung dieu can luu y-Hinh-3
 
Sơn phủ gầm ôtô loại nào tốt?
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại sơn phủ gầm khác nhau. Để lựa chọn được sản phẩm tốt thì bạn cần kiểm tra kỹ tem, thông tin trên bao bì, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tránh mua loại chất lượng kém, rẻ tiền. Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần chọn cơ sở thực hiện sơn phủ uy tín, thợ có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp một vài sản phẩm nổi bật nhất để độc giả tham khảo.
Sơn phủ gầm 3M
Đây là sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, được nhiều trung tâm sửa chữa lựa chọn bởi các ưu điểm như:
Chống oxy hóa, mài mòn và rỉ sét.
Giúp hạn chế rung, xóc, tiếng ồn từ gầm xe.
Có khả năng chống lại sự va đập và trầy xước tốt, đồng thời bảo vệ gầm xe trước tác động của nước, bùn đất, sỏi đá văng vào,…
Hiệu quả phun nhanh, dễ dàng, nhanh khô, độ bám dính cao, bền lâu. Kéo dài tuổi thọ của xe.
Sơn phủ gầm Wurth
Trong các loại sơn phủ gầm ô tô, Wurth của Đức là thương hiệu được người tiêu dùng ưu chuộng. Loại sơn phủ này có các điểm nổi bật như:
Tăng tuổi thọ cho khung gầm cũng như các chi tiết dưới gầm xe nhờ khả năng chống lại quá trình oxy hóa, rỉ sét.
Bảo vệ gầm xe trước các tác động của bùn đất, nước, bụi bẩn, đá văng,...
Chống mọt, va đập.
Giảm tiếng ồn vào trong xe.
Thời gian khô nhanh, bám dính tốt.
Độ kết dính chắc, bền.
Sơn phủ gầm Liqui Moly
Liqui Moly cũng là sản phẩm đến từ Đức, rất phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay. Điểm mạnh của loại sơn phủ gầm này là:
Chống rỉ sét, trầy xước, ăn mòn.
Bảo vệ gầm hiệu quả.
Chịu nhiệt tốt.
Sơn nhanh khô, độ bền cao.
Lớp sơn đẹp.
Sơn phủ gầm Forch
Có xuất xứ từ Đức, Forch cũng được đánh giá cao về chất lượng, trong đó phải kể đến ưu điểm như:
Khả năng tiêu âm, chống ồn hiệu quả.
Chống mài mòn tốt, đàn hồi cao.
Sơn nhanh khô.
Trên đây là những thông tin về sơn phủ gầm để độc giả tham khảo. Hy vọng chia sẻ vừa rồi giúp bạn sớm đưa ra quyết định sơn phủ gầm ôtô, góp phần kéo dài tuổi thọ cũng như hiệu quả sử dụng xe.
Thảo Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)