Bộ GTVT đã có văn bản gửi Cục Đường bộ, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) về việc áp dụng thu phí không dừng xe ôtô ra vào sân bay. Bộ GTVT đánh giá việc triển khai thu phí không dừng tại sân bay sẽ góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí dừng, đỗ xe đón trả khách, đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại đây.
Hồi tháng 8/2022, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo ACV đầu tư hệ thống thu phí không dừng, tăng thêm hệ thống camera khu vực trước sân bay và tăng kiểm tra, xử lý xe đỗ/dừng sai quy định nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu vực ra vào.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh quá trình đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị ACV nghiên cứu quyết định của Thủ tướng và các quy định pháp luật để xác định chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan liên quan, nghiên cứu trình tự, thủ tục tổ chức triển khai để thực hiện bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông, tuân thủ quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với ACV trong quá trình thực hiện bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông.
|
Tất cả các sân bay sẽ được áp dụng thu phí tự động không dừng ETC.
|
Đến năm 2021, ACV mới trình phương án thu phí lên Bộ GTVT và triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các sân bay. Theo phương án của ACV, trong 21 sân bay trên cả nước do ACV quản lý được chia thành 2 nhóm để thu phí.
Nhóm 1 gồm 3 sân bay: Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội) và Đà Nẵng: trong 10 phút đầu, thu phí 10.000 đồng/xe dưới 9 chỗ; mức phí 15.000 đồng/xe từ 9 - 29 chỗ; mức 25.000 đồng/xe từ 30 chỗ ngồi trở lên. Những xe ra vào sân bay quá 10 phút phải trả phí với mức đỗ ô tô hiện hành.
Nhóm 2 gồm các sân bay còn lại: trong 10 phút đầu, thu mức thu 5.000 đồng/xe dưới 9 chỗ; mức 10.000 đồng/xe từ 10 - 16 chỗ; mức 15.000 đồng với xe từ 16 - 29 chỗ; 25.000 đồng/xe từ 30 chỗ trở lên. Sau đó, mỗi 50 phút tiếp theo sẽ thu thêm 5.000 đồng/xe dưới 9 chỗ và 10.000 đồng cho các xe từ trên 9 chỗ.