Mới đây, Tổng Giám đốc Công ty Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên đã thông báo tới một số ngân hàng, cơ quan an ninh kinh tế và các chủ nợ về việc bán nhà xưởng sản xuất ôtô tại số 1 Mê Linh (Hà Nội).
Theo Vinaxuki, hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị,... Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của hội đồng quản trị Vinaxuki.
Cho đến nay, nhà máy sản xuất ôtô tại số 1 Mê Linh chỉ có rất ít nhân viên đi làm, mà phần nhiều trong số đó là các thành viên thuộc tổ bảo vệ.
|
Theo Vinaxuki, hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng. |
Sự khó khăn của Vinaxuki có thể thấy rõ từ tháng 7/2013 khi doanh nghiệp này bắt đầu không gửi báo cáo bán hàng theo tháng cho VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam). Bước sang năm 2015, VAMA đã không còn đưa Vinaxuki vào danh sách báo cáo bán hàng của mình.
Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, trong đó phải kể đến việc đầu tư làm khuôn mẫu và máy dập, đến nay Vinaxuki lại rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Bản thân doanh nghiệp này đang phải ôm khoản nợ lên đến 1.200 tỷ, trong khi nhà máy buộc phải ngừng hoạt động đã 3 năm nay vì không tìm đâu ra vốn để hoạt động.
Suốt 3 năm qua, để trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải bán hơn 5.000 tấn sắt vụn và máy móc cũ. Doanh nghiệp cũng buộc phải cắt giảm lao động từ 1.160 xuống còn hơn 200 người, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao, được đào tạo bài bản.
|
Nhà máy Vinaxuki buộc phải ngừng hoạt động đã 3 năm nay vì không tìm đâu ra vốn để hoạt động. |
Bản thân ông Bùi Ngọc Huyên là người luôn đau đáu một tâm huyết cho chiếc xe du lịch “Made in Vietnam” mang tên VG có giá trên 300 triệu đồng. Chiếc xe đã được ông Huyên đích thân mang tới triển lãm Vietnam Motor Show 2012 dù chỉ dưới dạng mô hình đơn giản.
Trong lần trả lời báo chí gần đây nhất, ông Huyên bức xúc cho rằng những doanh nghiệp quyết tâm nội địa hoá như Vinaxuki đang rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khác với các công ty chỉ đơn thuần nhập linh kiện về lắp ráp. “Ngân hàng cho tôi vay 150 tỷ đồng, cái nhà máy tôi xây hết 450 tỷ. Khi ngân hàng mới tài trợ tôi 50 tỷ còn 100 tỷ họ cắt luôn. Thế là nhà máy của tôi "chết",” ông Bùi Ngọc Huyên chia sẻ trên trang Cafebiz.