Theo thông tin mới nhất, Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam đã nhận được Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xe ôtô do Bộ Công thương cấp. Trước đó, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam cũng đã được cấp loại giấy này. Tuy nhiên theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), dù được cấp giấy phép nhưng xe nhập vẫn chưa thể về nước trong thời gian tới.
Cụ thể, theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của VAMA cho biết; Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô hiện nay nhiều hãng đã có. Tuy nhiên, việc được cấp loại giấy này không có nghĩa là xe nhập khẩu sẽ bắt đầu tiếp tục về nước trong thời gian tới.
|
Dù đã được cấp giấy phép nhập khẩu ôtô, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đưa xe về thị trường Việt Nam sớm như dự tính. |
Bởi khi được cấp loại giấy này, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện để được kinh doanh nhập khẩu ôtô trong Nghị định 116 gồm: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này; Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ôtô nhập khẩu tại Việt Nam.
Những doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô hiện nay mới chỉ đáp ứng được điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ, bắt buộc phải có là Giấy chứng nhận kiểu loại.
“Nếu doanh nghiệp đã có giấy phép nhưng chưa có Giấy chứng nhận kiểu loại thì chỉ mới đủ điều kiện để nhập ôtô về, còn khi xe về nước sẽ không được thông quan”, ông Tuấn cho biết.
Trong thời gian qua, Nghị định 116 trở thành đề tài gây tranh cãi trong ngành công nghiệp ôtô. Nghị định được công bố vào tháng 10/2017 đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu. Một trong hai vướng mắc lớn nhất là các hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cấp. Bên cạnh đó, mỗi lô hàng nhập về cũng phải lấy ra một xe để kiểm định, thay vì kiểm định theo chủng loại như trước.
Điều kiện giấy chứng nhận bị cho là không khả thi bởi nhiều quốc gia trên thế giới không cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu. Trong khi đó, quy định kiểm định theo lô có thể sẽ làm tăng những chi phí mà các hãng cho rằng không cần thiết, thời gian xe bị “giam” trước khi đến tay khách hàng cũng lâu hơn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, một đợt kiểm tra như vậy có thể kéo dài tới hai tháng với mức chi phí 10.000 USD: “Điều đó sẽ gây lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc.”
Kể từ khi Nghị định 116 được ban hành, chính phủ những nước xuất khẩu xe chính vào thị trường Việt Nam như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ... đều bày tỏ lo ngại về việc sẽ khó bán xe tại đây. Họ còn cho rằng Nghị định có thể vi phạm các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).