|
Lính Mỹ và Philippines tập trận phối hợp chiếm đảo.
|
Đây là bước đi đầu tiên tới việc thành lập liên minh quân sự Mỹ-Philippines. Trong khi đó, mỗi bên lại chạy theo lợi ích riêng.
Washington đang thực thi chiến lược "trở lại châu Á", xây dựng các căn cứ hải quân xung quanh Trung Quốc. Ở Philippines chưa có căn cứ Mỹ. Và Lầu Năm Góc muốn Manila đồng ý để Mỹ sử dụng cơ sở hạ tầng của các căn cứ quân sự địa phương trong thời gian 20 năm. Vào tuần tới, hai bên sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới ở Washington về vấn đề này.
Về phần mình, Manila không giấu diếm rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ đáp ứng lợi ích quốc gia. Lính Mỹ sẽ là một yếu tố kiềm chế Trung Quốc, vì nếu không, Bắc Kinh có thể sử dụng ưu thế quân sự và Philippines không có bất kỳ cơ hội giành phần thắng trong tranh chấp xung quanh các đảo ở Biển Đông.
Chuyên gia Dmitry Mosyakov của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: “Tất cả mọi điều dẫn đến thực tế là Biển Đông có tiềm năng trở thành điểm nóng mới”.
Hôm Thứ Tư (4/9), giữa Manila và Bắc Kinh đã bùng phát xung đột mới xung quanh bãi cạn Scarborough. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cáo buộc Trung Quốc đã cử 3 tàu Hải cảnh tới khu vực và đổ các khối bê tông xuống bãi cạn Scarborough. Theo lời ông Gazmin, hành động này cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng căn cứ ở đây và thiết lập sự kiểm soát tại một vùng biển nữa mà Philippines nói là của họ.
Có thể thấy rõ sự gia tăng của yếu tố Mỹ trong cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines. Việc Tổng thống Beningno Aquino III hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc tham dự Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN một lần nữa cho thấy vực thẳm ngăn cách ngày càng sâu rộng giữa Manila và Bắc Kinh.