Mỹ-Philippines tập trận Biển Đông, TQ “ngồi trên đống lửa“

Google News

Tờ China News bình luận rằng cuộc tập trận Mỹ và Philippines trên Biển Đông có ý đồ đối kháng và kiềm chế Bắc Kinh hết sức rõ ràng.


 Tập trận chung thường niên Mỹ-Philippines.

Từ ngày 27-/6 đến 2/7, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines đã diễn ra tại Biển Đông cách đảo Hoàng Nham/Scarborough 108 km, lực lượng binh lính, tàu thuyền và nội dung tập trận mà hải quân Mỹ tham gia lần này đều lập kỷ lục. Phân tích cho thấy, lần này Mỹ - Philippines “di quân” đến khu vực gần đảo Hoàng Nham/Scarborough và tuyên bố sẽ không “chọc giận” Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, chiến lược trở lại châu Á của Mỹ đã có sự bày binh bố trận về quân sự từ lâu, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines cũng nhiệt tình hưởng ứng, các cuộc tập trận liên tiếp nhằm vào Trung Quốc đã có ý đồ rõ rệt. Trước cuộc tập trận này, phía Trung Quốc bày tỏ mong muốn các bên nên làm những việc có lợi cho sự ổn định và bảo vệ nền hòa bình khu vực chứ không phải “nói một đằng, làm một nẻo”.

Lực lượng kỷ lục

Ngày 21/6, tờ Daily Inquirer của Philippines đã trích lời ông Gregory Fabic -người phát ngôn hải quân nước này cho biết, từ ngày 27-6, Mỹ và Philippines sẽ tập trận “hợp tác huấn luyện chuẩn bị tác chiến trên biển” ở vùng biển cách đảo Hoàng Nham/Scarborough 108 km. Ông Fabic nói, địa điểm tập trận cách đảo Hoàng Nham/Scarborough “rất xa”, dự đoán Trung Quốc sẽ không coi cuộc diễn tập này là “hành vi khiêu khích”.

Bài báo cho biết, cuộc tập trận lần này có tên gọi Carat 2013 được tổ chức thường niên có sự tham dự của hải quân Mỹ, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan.
 
Hải quân Philippines cho biết, nội dung chủ yếu của cuộc tập trận này là thông tin, hải quân hành động trên biển, chống khủng bố và an ninh trên biển. Cuộc tập trận sẽ nâng cao trình độ hợp tác giữa hải quân Philippines với hải quân Mỹ trong quá trình thực hiện các hành động phối hợp trên biển. Ngoài ra, hải quân hai nước còn tổ chức tập trận đổ bộ lưỡng cư ở khu vực ven biển phía Bắc đảo Luzon và tham gia một số hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Tàu hộ vệ  BRP Del Pilar – chiến hạm chủ lực của Philippines được cải tiến từ tàu tuần tra  Hamilton của Mỹ.

Philippines rất coi trọng cuộc tập trận chung này, hải quân nước này còn cử tàu hộ vệ  BRP Del Pilar (PF-15) – chiến hạm chủ lực của Philippines được cải tiến từ tàu tuần tra  Hamilton của Mỹ và nhiều tàu chiến loại nhỏ khác tham gia tập trận, Lực lượng cảnh vệ bờ biển Philippines cũng sẽ cử tàu tham gia.
 

(Chiến hạm hải quân Philippines sẽ tham gia tập trận Carat 2013).
 
Ông Fabic nói số lượng cụ thể của tàu hải quân, lực lượng thủy quân lục chiến và máy bay của Mỹ chưa được xác định. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Malaysia cho biết, năm nay, lực lượng binh lính, tàu thuyền và nội dung tập trận mà hải quân Mỹ tham gia lần này đều lập kỷ lục.

Theo nguồn tin, lực lượng tham gia tập giận là  đơn vị đặc nhiệm 73 của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Đơn vị đặc nhiệm 73 có 1.200 người thuộc các lực lượng Hải quân, thủy quân lục chiến và nhân viên chấp pháp trên biển, tàu chiến bao gồm tàu đổ bộ Tortuga, tàu khu trục tên lửa Curtis Wilbur, tàu vận tải USNS Washington Chambers, tàu cứu hộ  Safeguard (ARS-50).

Philippines  “cậy” Mỹ dọa Trung Quốc

Tháng 4 vừa qua, hai nước Mỹ - Philippines mới tổ chức cuộc trận có tên gọi Kề vai sát cánh ở biển Đông. Vài năm trở lại đây, quốc gia Đông Nam Á này cũng liên tục có những hành động khiêu khích trong vấn đề Bãi Cỏ Mây và đảo Hoàng Nham/Scarborough trên biển Đông như tăng cường mức độ trinh sát không phận ở biển Đông để đảm bảo “an ninh cho các mục tiêu quân sự chiếm lĩnh các đảo trên biển Đông” như Bãi Cỏ Mây hoặc các hòn đảo khác, đồng thời ngăn ngừa quân đội Trung Quốc có những “hành động lớn” trên biển Đông. Nguồn tin từ phía quân đội Trung Quốc cũng chứng thực, lực lượng, thời gian gần đây, tần suất và quy mô hoạt động của lực lượng hải quân, không quân Philippines ở hải vực đảo Palawan gần biển Đông tăng mạnh, tuy nhiên mọi hành động của họ “đều bị Trung Quốc nắm bắt”.

Kể từ khi Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus sang thăm Philippines, quốc gia Đông Nam Á này lập tức tuyên bố đã hoàn thành công tác thay quân đồn trú và cung cấp nhu yếu phẩm tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long của Trung Quốc cho biết, đây là thời cơ được Philippines “lựa chọn kỹ càng”. Ông Đỗ Văn Long cũng ra rằng, vài năm trở lại đây, dưới sự định hướng của chiến lược “tái cân bằng châu Á”, Mỹ tổ chức rất nhiều cuộc tập trận tương tự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Phillippines cố tình tuyên bố động tác mới của nước này ở Bãi Cỏ Mây sau khi ông Ray Mabus sang thăm, đồng thời hào hứng tung hê chuyện hai nước sẽ tổ chức tập trận chung. Phân tích cho thấy, hành động của Philippines nhằm mục đích khoe khoang với bên ngoài rằng sau lưng có Mỹ làm hậu thuẫn vững chắc.
 
 Tàu sân bay Mỹ thường xuyên ra vào Biển Đông.

Ngoài ra, tờ Philstar cũng cho biết, ngày 14/6, trong cuộc thương thảo ngoại giao lần thứ 19 Trung – Phi tổ chức tại Bắc Kinh, hai nước đều thể hiện “lập trường kiên định của mình” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, điều này cho thấy hai bên không đi đến được sự đồng thuận.

Theo một nguồn tin khác, thời gian gần đây Philippines đang đẩy mạnh tốc độ nhập khẩu vũ khí, chương trình mua sắm vũ khí của quốc gia này có trị giá lên tới 1,8 tỉ USD. Chính phủ Philippines đang lên kế hoạch mua hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống tên lửa đa nòng từ hai nhà thầu quốc phòng của Israel. Có thể bộ trưởng quốc phòng Philippines sẽ sang Israel để ký kết hiệp định mua sắm với các nhà thầu này, tăng cường trang bị vũ khí cho quân độ nước này. Ngoài ra, Philippines đã mua tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai của Mỹ.

Tuy nhiên, Đỗ Văn Long cũng chỉ ra rằng: “Theo nguồn tin của hãng thông tấn Pháp AFP, địa điểm tập trận của hai nước cách đảo Hoàng Nham/Scarborough 108 km, trong khi báo chí Philippines lại đưa tin khoảng cách này chỉ có 20 km, điều này thể hiện rõ thái độ muốn làm rùm beng sự việc của báo chí nước này”.

Tất cả đều nhằm vào Trung Quốc

Hai năm trở lại đây, tàu chiến của hải quân Mỹ liên tục sang thăm Philippines, có nguồn tin chỉ ra rằng, chỉ riêng trong năm 2012, tàu chiến Mỹ đã sang thăm và dừng hơn 70 lần ở các cảng khẩu của Philippines. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas cho biết, hải quân Mỹ đã quyết định đưa nhiều tàu chiến của Mỹ sang xưởng đóng tàu ở vịnh Subic để sửa chữa, điều này giúp Philippines có thêm nguồn  thu nhập hàng trăm nghìn USD. Ngoài ra, lãnh đạo quân đội cấp cao của Mỹ tiết lộ sẽ hỗ trợ Philippines xây dựng một lực lượng phòng ngự chuyên trách để đối phó với những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

 Hai năm trở lại đây, tàu chiến của hải quân Mỹ liên tục sang thăm Philippines.

Trong cuộc tập trận chung lần này giữa hai nước, quan chức quân sự của Malaysia cho biết, hải quân Mỹ còn để tàu tuần duyên USS Freedom mới triển khai ở Singapore đến tham gia cuộc diễn tập này. Đây là một trong những tàu chiến chủ lực của Hải quân Mỹ trong tương lai, con tàu này rời Singapore rồi tham gia diễn tập với Hải quân Indonesia, sau đó trực tiếp đến biển Đông tham gia diễn tập với Hải quân Philippines.

Trong quá trình ông Mabus thăm Philippines, đại sứ quán Mỹ đã phát thông cáo cho biết, chuyến thăm này của ông Mabus phản ánh sự “coi trọng đối với mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa hai nước”. Thông cáo còn nhấn mạnh, cùng với việc Mỹ thực hiện chiến lực “tái cân bằng” ở châu Á – Thái Bình Dương, tầm quan trọng của đồng minh quân sự Mỹ - Phi chưa bao giờ được thể hiện rõ nét như hiện nay.

Ngoài Philippines, Mỹ và các nước đồng minh khác tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng liên tiếp tổ chức tập trận chung. Theo ý tưởng của Mỹ, đồng minh của nước này tại châu Á – Thái Bình Dương được chia thành 3 loại: đồng minh quân sự loại 1 – Nhật Bản, Hàn Quốc; Đồng minh quân sự loại 2 – Australiaa, Thái Lan, Philippines; Đồng minh quân sự loại 3: Ấn Độ, New Zealand. Trong tương lai tại khu vực này, Mỹ mong muốn sẽ có được sự “hợp tác không kẽ hở” về mặt quân sự với các nước đồng minh đồng thời nâng cao khả năng cống hiến của các nước đồng minh này đối với an ninh trong khu vực. Ngoài ra, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cho biết, trên cơ sở năm 2012, cựu bộ trưởng Panetta tuyên bố sẽ bố trí 60% binh lực hải quân ở châu Á Thái Bình Dương, Mỹ cũng sẽ bố trí 60% lực lượng không quân ngoài lãnh thổ ở khu vực này.

Báo chí phân tích, các dấu hiệu trong chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ cho thấy đều có ý nhằm vào Trung Quốc. Ông Đào Văn Chiêu  - Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về Mỹ của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chỉ ra rằng, sự phát triển của Trung Quốc đã trở thành một trong những nhân tố chú yếu của chiến lực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, vì Mỹ coi sự phát triển của Trung Quốc là một sự “khiêu khích” đối với vị thế chủ đạo của Mỹ ở khu vực này, chính vì vậy Mỹ rất muốn tăng cường lực lượng quân sự ở đây để lập lại vị thế chủ đạo và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước đồng mình.

China News kết luận, một số ít người cổ súy tàu chiến Trung Quốc liên tiếp xuất hiện ở hải vực đảo Hoàng Nham/Scarborough và Bãi Cỏ Mây tạo thành sự “khiêu khích nghiêm trọng” đối với việc hình thành chiến lược “Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của chính quyền tổng thống Obama. Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản ra ngày 19/6 của Nhật Bản bình luận, kể từ khi diễn ra cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về đảo Hoàng Nham/Scarborough, Trung Quốc đang từng bước tăng cường hoạt động tuần tra chấp pháp ở vùng biển này, do đó ý đồ đối kháng và kiềm chế Trung Quốc của Philippines và Mỹ đối với tập trận này là hết sức rõ ràng.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Theo TPO

Bình luận(0)