Trong bài bình luận dành cho đài Sputnik, nhà phân tích quân sự Nga Vasily Kashin nhận định về khả năng tham gia của Trung Quốc trong các xung đột như cuộc chiến chống IS ở Syria.
|
Nhà phân tích quân sự người Nga Vasily Kashin.
|
Theo nhà phân tích Vasily Kashin, các phương tiện truyền thông trên thế giới đang tìm cách lý giải lý do vì sao
Trung Quốc chưa sẵn sàng tham gia
cuộc chiến chống IS ở Syria, đề cập đến các yếu tố như chưa có quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như không có mối đe dọa trực tiếp đến bản thân Trung Quốc. Nhưng cuộc tranh luận về việc trong những điều kiện như thế nào thì Trung Quốc sẽ có thể tham chiến vẫn đang diễn ra.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của Bắc Kinh về cuộc xung đột Syria là tổng hòa các mối quan hệ phức tạp của Trung Quốc với các nước Trung Đông nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung.
Trung Quốc có một loạt quan hệ kinh tế với Ả-rập Xê-út. Trong năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và Riyadh lên tới 71,3 tỷ USD. Trung Quốc luôn giữ cân bằng trong mối quan hệ phức tạp với các "trung tâm quyền lực" trong khu vực là Iran và Ả-rập Xê-út. Và đây là sự khác biệt của Trung Quốc so với quốc gia khác như Nga chẳng hạn. Trong quan hệ với Ả-rập Xê-út, một bên quan trọng trong cuộc xung đột Syria, có thể nói rằng Nga chẳng có gì để mất. Điều quan trọng hơn đối với Nga là bảo vệ các đồng minh trong khu vực và đánh phiến quân IS, mối đe dọa thực sự đối với Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Mặt khác, sự hỗ trợ của Saudi Arabia và Qatar dành cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan ở Syria cũng gây hại cho Trung Quốc. Đông đảo các chiến binh Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đang tham gia các nhóm Hồi giáo cực chống chính phủ Syria. Sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ có nghĩa là các chiến binh “dày dạn kinh nghiệm trận mạc” này có thể sẽ trở về Trung Á và Tân Cương. Nhưng hiện tại, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh vẫn cố gắng trốn tránh đóng vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế không liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh bác bỏ thông tin về việc Trung Quốc dự định phái tàu sân bay Liêu Ninh tới bờ biển Syria. |
Trong khi đó, xét từ quan điểm quân sự-kỹ thuật, khả năng Trung Quốc tham gia hiệu quả vào xung đột Syria thậm chí còn lớn hơn so với Nga. Hải quân Trung Quốc có tiềm năng lớn trong việc đưa các nhóm quân đến hỗ trợ cho Syria. Máy bay ném bom JH-7A có thể sử dụng vũ khí định vị chính xác, không cần tới gần khu vực có phòng không của đối phương hoạt động. Một lợi thế quan trọng của Trung Quốc là có máy bay chiến đấu và hệ thống phóng tên lửa hạng nặng hiệu quả với tầm xa hơn 200 km, có thể tấn công đối phương từ một khoảng cách an toàn.
Nhà phân tích Vasily Kashin kết luận: Nếu Trung Quốc muốn thực sự đóng vai trò trung tâm trong trật tự thế giới mới, sớm hay muộn Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn: hoặc mạo hiểm sử dụng lực lượng quân sự xa biên giới hoặc từ bỏ tham vọng và tiếp tục "giấu mình chờ thời”.