Mục tiêu cuối cùng của Thủ tướng Shinzo Abe là ký kết hiệp ước hòa bình với Nga, chính thức chấm dứt Thế chiến II, điều mà hai bên chưa từng làm được do tranh chấp chủ quyền bốn hòn đảo phía bắc của Nhật Bản mà Liên Xô chiếm giữ hai tuần sau khi chiến tranh kết thúc.
|
Xem ra, Thủ tướng Abe phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn so với Tổng thống Putin. Ảnh CNN |
Đây là một sứ mạng vô cùng khó khăn, nhưng nếu Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin có thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách ổn thỏa, thì con đường dẫn đến một hiệp ước hòa bình Nga-Nhật sẽ rộng mở.
Một vị thủ tướng Nhật Bản chỉ tại nhiệm một hoặc hai năm sẽ không bao giờ có thể thực hiện nổi nhiệm vụ vô cùng nặng nề này. Thủ tướng Shinzo Abe đã tích lũy vốn liếng chính trị trong gần bốn năm tại nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng nhất có thể giúp phá vỡ bế tắc kéo dài giữa Nhật Bản và Nga.
Dựa trên Thông điệp liên bang hàng năm mà Tổng thống Putin đọc trước Quốc hội Nga, Tokyo đã vạch ra kế hoạch 8 điểm để thúc đẩy hợp tác song phương.
Xếp trên cùng trong kế hoạch 8 điểm này là những đề xuất giúp cải thiện chăm sóc y tế và hạ tầng đô thị ở Nga, khu vực mà Tổng thống Putin thường đề cập đến vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người Nga bình thường. Ông Putin đánh giá cao đề nghị của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh khó khăn của nước Nga hiện nay.
Một yếu tố mới thúc đẩy Tokyo muốn ký kết hiệp ước hòa bình với Nga là không gian chiến lược của Nhật Bản đang ngày càng bị thu hẹp. Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, Nhật Bản lại bị kìm kẹp giữa "con gấu" ở phía bắc và "con rồng" ở phía nam là Nga và Trung Quốc như hiện nay. Đây là hai cường quốc hạt nhân và đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự. Không những thế, Trung Quốc còn tìm cách mở rộng sự thống trị trên biển với một tốc độ chưa từng có. Đó là chưa kể, CHDCND Triều Tiên lại ráo riết theo đuổi chương trình tên lửa-vũ khí hạt nhân, tiếp tục làm tăng thêm căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á. Trong bối cảnh khu vực ngày càng mất ổn định, việc Nhật Bản tiến tới một hiệp ước hòa bình với Nga có ý nghĩa chiến lược hơn bao giờ hết.
Xem ra, Thủ tướng Abe còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với Tổng thống Putin. Đó là Brexit, một Châu Âu suy yếu, tình trạng chân không chính trị không thể tránh khỏi ở Mỹ trong quá trình chyển đổi tổng thống, thị trường hàng hóa trầm lặng… Trong khi đó, Nga đã đặt Crimea và Syria vào tình thế “sự đã rồi”. Xem ra mọi thứ đang đi theo chiều hướng thuận lợi cho Tổng thống Putin.
Thế nhưng, cũng có một số dấu hiệu cho thấy cuộc gặp thượng định Putin-Abe lần này có thể dẫn đến kết quả tích cực hơn so với trước đây.
Thứ nhất, chính Tổng thống Putin là người khởi xướng các cuộc đối thoại với Thủ tướng Abe. Thứ hai, hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau đến 15 lần trong vòng chưa đầy bốn năm. Điều đó cho thấy ông Putin coi trọng ông Abe trên cương vị đối tác. Thứ ba, và quan trọng nhất, Thủ tướng Abe có cái nhìn thực tế chứ không phải lạc quan thái quá về toàn bộ quá trình và cơ hội thực tế có thể dẫn đến thành công.
Thủ tướng Shinzo Abe là nhà ngoại giao dày dạn nhất của Nhật Bản về quan hệ Nhật-Nga. Do đó, ông hoàn toàn ý thức rằng khả năng ký kết một thỏa thuận cuối cùng với ông Putin trong chuyến thăm này là điều không tưởng.
Tuy nhiên, chính nhận thức này lại thúc đẩy ông Abe tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa Nhật Bản và Nga. "Nếu không là chúng ta (Putin và Abe) thì là ai? Nếu không phải bây giờ, thì đến khi nào? ".
Đây là câu hỏi luôn luôn ám ảnh Thủ tướng Abe mỗi ngày.