Vì sao những kẻ khủng bố lại tấn công Nairobi?

Google News

(Kiến Thức) - Một trung tâm mua sắm ở Nairobi đã biến thành chiến trường giữa lực lượng an ninh Kenya và các chiến binh Somali của nhóm khủng bố al-Shabaab được al-Qaeda hậu thuẫn.

Nhân viên an ninh cứu người khỏi trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi, Kenya. 
Ngày 21/9, những kẻ khủng bố đã xông vào trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya, ném lựu đạn “như rắc ngô cho gà” nhắm vào những người đi mua sắm cuối tuần. Ít nhất có 59 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người nước ngoài, và gần 300 người bị thương. Những kẻ khủng bố còn cầm giữ nhiều con tin ở một số địa điểm khác nhau trong trung tâm mua sắm Westgate.
Theo các nhân chứng, đám khủng bố đã hét bằng tiếng Swahili rằng các tín đồ Hồi giáo sẽ được phép rời khỏi trung tâm mua sắm, còn tất cả những người khác bị bắt làm con tin. Trung tâm xử lý khủng hoảng chính phủ Kenya đăng trên Twitter sáng 22/9 rằng “các chiến dịch lớn” vẫn đang diễn ra.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người tuyên bố đã bị mất “nhiều thân quyến” trong vụ tấn công khủng bố này, tuyên bố: “Chúng tôi đã vượt qua được các cuộc tấn công khủng bố trước đây. Chúng tôi sẽ đánh bại chúng một lần nữa”.
Trên tài khoản Twitter, nhóm al-Shabaab ở Somali có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này và nói đây là sự trả đũa sự hiện diện của quân đội Kenya ở Somalia. Nhóm này tuyên bố sắc lạnh: “Sẽ không có cuộc đàm phán nào ở Westgate”.
Đôi nét về nhóm al-Shabaab
Al-Shabaab có nghĩa là “thanh niên” trong tiếng Arập và từng là cánh thanh niên quân sự của Liên minh các lực lượng Hồi giáo từng thống trị nhiều khu vực của Somalia cách đây hơn nửa thập kỷ. Đất nước Somali đã không có chính quyền trung ương thực sự trong hơn hai thập kỷ qua và các nhóm Hồi giáo đã áp dụng luật Shari'ah hà khắc ở những khu vực mà họ cai trị.
Quyền thống trị của các nhóm Hồi giáo đã bị thu hẹp đáng kể sau một loạt các cuộc can thiệp quân sự do Liên minh Châu Phi lãnh đạo, khởi đầu bằng một cuộc tấn công do Ethiopia lãnh đạo trong năm 2006.
Đầu năm 2012, một đoạn video cho thấy một lãnh đạo hàng đầu của al-Shabaab đã cam kết thần phục Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh al-Qaeda.
Hơn nửa thập kỷ qua, các chiến binh nước ngoài - trong đó có công dân Mỹ- đã trực tiếp trong tham gia hàng ngũ al-Shabaab vốn đông tới hàng ngàn người. Bị xua đuổi khỏi các đô thị, nhóm al-Shabaab buộc phải tiến hành chiến tranh du kích, lấy nông thôn bao vây thành thị. Al- Shabaab cũng bị chia rẽ nội bộ và chém giết lẫn nhau .
Vai trò của Kenya trong cuộc nội chiến ở Somalia
Các chiến binh al-Shabaab đã nhiều lần đột kích qua biên giới Somalia-Kenya, bắt cóc nhiều du khách và nhân viên cứu trợ .
Vào năm 2011, sau khi al-Shabaab bị cản trở viện trợ nhân đạo ở miền Nam Somalia do một đợt hạn hán khủng khiếp, chính phủ Kenya không thể khoanh tay đứng nhìn. Kenya đã tiến hành một chiến dịch quân sự kéo dài qua biên giới, đánh bật al- Shabaab khỏi thành trì cuối cùng ở Somali thành phố cảng Kismayo vào năm 2012. Đây là một đòn quyết định khiến cho nhóm al-Shabaab cho đến giờ vẫn chưa thể hồi phục.
Sự hiện diện quân sự kéo dài của Kenya ở Somalia đã khiến cho al-Shabaab vô cùng tức giận, trong khi nhóm này từng tiến hành các cuộc tấn công ở nước ngoài. Năm 2010, al-Shabaab đã đặt bom giết chết hàng chục xem truyền hình VCK World Cup ở thủ đô Kampala và tuyên bố đó là sự trừng phạt việc Uganda góp quân cho các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh Châu Phi đóng quân ở Somalia.
Vì sao al-Shabaab lại nhắm vào trung tâm mua sắm Westgate?
Cuộc tấn công của al-Shabaab vào trung tâm mua sắm Westgate, một mục tiêu đông đúc với dân thường, khá giống cuộc tấn công năm 2008 của các chiến binh Pakistan vào một số khách sạn đông khách ở Mumbai. Trong cả hai trường hợp, các tay súng đã giết người bừa bãi nhằm mục đích gây sốc, thu hút sự chú ý.
Al-Shabaab đã nhiều lần ghi lại lịch sử của nhóm này bằng máu của thường dân vô tội.
Lê Chân (theo Time.com)

Bình luận(0)