Vì sao Nga dùng tên lửa hành trình tấn công IS ở Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Với việc sử dụng tên lửa hành trình và chiến đấu cơ tiên tiến để không kích phiến quân IS, Nga đang gửi một thông điệp vượt ra ngoài biên giới Syria.

Trong một bài viết đăng trên trang mạng Al Jareeza, tác giả Justin Bronk - một nhà phân tích khoa học quân sự tại United Services Institute Royal - cho rằng việc Nga phóng 26 tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr từ bốn tàu chiến ở Biển Caspea đánh trúng 11 mục tiêu tại Syria ngày 7/10 là một bước  leo thang trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Vladimir Putin.
Không hề thua kém tên lửa Tomakawk
Các tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr đã bay gần 1.500km qua Iran, Iraq trước khi đánh trúng mục tiêu ở Syria.
Vi sao Nga dung ten lua hanh trinh tan cong IS o Syria?
Tàu chiến phóng tên lửa hành trình.
Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14.
Người ta thường biết đến phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa tấn công mặt đất này là Klub 3M-14E với tầm bắn vẻn vẹn 300km. Tuy nhiên, phiên bản tấn công mặt đất được sử dụng trong hải quân Nga đều có tầm phóng siêu xa từ 1500-2500km.
Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất triển khai trên các tàu ngầm Nga, có tầm bắn và tính năng ngang ngửa với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
SS-N-30A Kalibr có chiều dài cơ bản là 6,2 m, với đầu đạn nặng 450 kg, phạm vi tấn công là 1.500-2.500 km và tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8.
Nhìn bề ngoài, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr dường như chỉ là một sự tăng cường cho chiến dịch không kích của Nga. Trong chiến dịch này, chiến đấu cơ Nga đã yểm trợ trên không cho một chiến dịch cuộc tấn công mới ở miền trung Syria  của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad ... bằng chiến đấu cơ phản lực và trực thăng vũ trang từ căn cứ không quân gần Latakia.
Tuy nhiên, việc lựa chọn của các tên lửa hành trình tầm xa để tấn công phiến quân IS đã bộc lộ ý đồ của Tổng thống Putin.
Tên lửa hành trình là loại vũ khí khá phổ biến trong các kho vũ khí của phương Tây.Tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên đất liền Tomahawk đã được một số nước thành viên  NATO sử dụng từ năm 1983. Tên lửa hành trình thường được sử dụng để đánh các mục tiêu được bảo vệ cẩn mật, thay cho các cuộc không kích đầy mạo hiểm bằng máy bay. Chúng có hiệu quả cao trong các cuộc xung đột giữa hai quốc gia và thường được sử dụng để phá hủy các sở chỉ huy, đặt radar, kho đạn và các mục tiêu quan trọng khác.
Tuy nhiên, tên lửa hành trình cũng dễ bị trục trặc và gây ra nhiều vụ tai nạn ngoài ý muốn do nó phải bay một chặng đường khá dài trước khi đến được mục tiêu tấn công. Nếu tên lửa hành trình tầm xa của Nga bị trục trặc và bị rơi ở Iran hay Iraq, nó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn về ngoại giao.
Hải quân Mỹ đã nhiều lần phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria nhiều lần trong tháng 8 và tháng 9/2014, một phần của làn sóng không kích ban đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, khi phần lớn các mục tiêu cố định đã bị phá hủy và trọng tâm của chiến dịch không kích chuyển sang ngăn chặn và hỗ trợ trên không cho lực lượng người Kurd chiến đấu với phiến quân IS, các tên lửa hành trình Tomahawk không còn là một thành phần quan trọng trong nhiệm vụ tấn công Mỹ ở Syria.
Thế nhưng, SS-N-30A Kalibr vốn là nền tảng của tên lửa hành trình tầm xa SSC-X-8 mới, một phần của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Tên lửa hành trình SSC-X-8 vốn là một chủ đề tranh cãi giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ tháng 9/2014, khi ông Obama  tuyên bố loại tên lửa vi phạm Hiệp định Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên Xô ký kết trong năm 1987.
Hiệp ước INF cấm tên lửa hạt nhân (đạn đạo và hành trình) phóng từ mặt đất và có tầm bắn  từ 500 đến 5.500km.
Với tình trạng căng thẳng trong quan hệ NATO-Nga về Syria, Crimea và Ukraine, vụ tàu chiến Nga phóng 26 tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A từ biển Caspea đến Syria chính là một thừa nhận ngầm rằng tên lửa hành trình SSC-X-8 có thể còn bay xa hơn nữa.
Khoe vũ khí tiên tiến
Vụ phóng 26 tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr cho thấy rằng Nga có thể tấn công rất mạnh, chính xác từ khoảng cách rất xa.
Nga đã chứng tỏ khả năng tấn công tầm xa không kém gì các “chiến dịch sốc và kinh hoàng” của Mỹ trước đây.
Một khi tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr có khả năng tấn công các mục tiêu ở Syria từ Biển Caspea, nó cũng có thể tấn công các mục tiêu khác  ở Trung Đông - trong đó có rất nhiều căn cứ của  liên minh do Mỹ cầm đầu để tiến hành các chiến dịch ở Iraq và Syria.
Chưa hết, Nga còn triển khai chiến đấu cơ đang năng cực kỳ hiện đại Su-30SM (chuyên về không-đối-không ) cùng với hệ thống phòng không Pantsir-S1 tại Latakia và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva  được trang bị 64 tên  đất-đối-không S-300 ở ngoài khơi bờ biểnSyria. Đây quả là một điều đáng chú ý, nhất là khi các nhóm phiến quân ở Syria không hề có lực lượng không quân.
Tuy nhiên, thông qua việc có thể gây ra mối đe dọa đáng kể  đối với máy bay của liên minh trên những vùng rộng lớn của Syria, Nga buộc Mỹ và các đồng minh phải tham khảo ý kiến khi tiến hành không kích phiến quân IS.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo chiến đấu cơ Nga  nhiều lần xâm phạm không phận và buộc nước này phải dùng máy bay F-16 đánh chặn máy bay Nga cuối tuần qua cho thấy Tổng thống Putin phô trương  sức mạnh quân sự trong khu vực.
Tất cả những động thái vừa kể của Nga là nhằm buộc Mỹ và các đồng minh chấp nhận vai trò của Nga ở Trung Đông, một vai trò không chỉ để tư vấn mà có thay đổi cục diện chiến trường.
Với việc triển khai một lực lượng khá khiêm tốn  so với liên minh do Mỹ dẫn đầu, Nga đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu địa chính trị ở Trung Đông.
Minh Châu (Theo Al Jareeza)

Bình luận(0)