Với chiến dịch không kích của Nga tại Syria bước sang ngày thứ 7, người ta vẫn còn tranh cãi về lý do dẫn đến hành động can thiệp quân sự của Moscow. Đa số các nhà phân tích cho rằng chiến dịch không kích của Nga là nhằm hỗ trợ Quân đội Syria chống phiến quân IS, với mục tiêu chiến lược hỗ trợ một chính phủ Ả-rập thế tục đối mặt với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nếu nhận định như vậy, giới phân tích đã bỏ qua “lợi ích sát sườn” của Nga trong việc triệt đường khủng bố ở Syria “chuyển lửa về quê đốt nhà”.
|
Thủ lĩnh Omar al-Shishani (giữa) người Chechnya, một trong những thủ lĩnh thiện chiến hàng đầu của phiến quân IS ở Syria. |
Phát biểu với các nhà báo ngay sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cho phép sử dụng quân đội để hỗ trợ chính phủ Syria, Chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov đã nói rõ rằng ban lãnh đạo Nga đã quyết định tham chiến ở Syria với hai tiêu chí: hỗ trợ đồng minh và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Nhưng lợi ích quốc gia của Nga trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria là gì?
Trong một bài báo đăng trên tạp chí kinh doanh Expert, nhà báo Gevorg Mirzayan đã phản bác nhận định của một số nhà bình luận Nga cho rằng Moscow đã “dại dột” khi đảm nhận trách nhiệm nặng nề của việc “dọn dẹp” cái mớ hỗn độn khổng lồ do những kẻ khác gây ra.
Theo nhà báo Mirzaya, thực tế đơn giản hơn nhiều so với những gì mà người ta suy luận và Moscow chỉ “lôi hạt dẻ ra khỏi lò lửa” vì lợi ích của bản thân. Ông Mirzayan lưu ý rằng trong khi các chiến dịch của Nga ở Syria là “đầy rủi ro và nguy hiểm", hậu quả của việc “khoanh tay đứng nhìn” các mối đe dọa khủng bố ở Syria "còn nguy hiểm hơn nhiều”. Thực tế cho thấy nếu Tổng thống Assad bị lật đổ, đám cháy sẽ lan sang ngôi nhà Nga, hoặc ngay lập tức hoặc dần dần.
Nhà báo Mirzayan lưu rằng vào thời điểm hiện tại, đã có hàng ngàn công dân Nga và công dân một số nước thuộc Liên Xô trước đây gia nhập hàng ngũ phiến quân IS. Tháng trước, Bộ Nội vụ Nga ước tính có khoảng 1.800 công dân Nga đã tham gia nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.
Ông Mirzayan: "Sau khi chiến tranh kết thúc, đám phiến quân này sẽ về nhà. Khi đến Syria và Iraq, chúng chỉ là những kẻ khủng bố học việc, nhưng khi trở về nước, chúng là các chuyên gia khủng bố được đào tạo có bài bản về chất nổ và phá hoại, có nhiều mối quan hệ và kênh tài chính”.
Nhà báo Gevorg Mirzayan cảnh báo: "Trong khi các Cơ quan an ninh Nga có kinh nghiệm trong việc bắt giữ và bỏ tù những phần tử khủng bố từ nước ngoài trở về Bắc Caucasus, Crimea hoặc Tatarstan, các cơ quan an ninh của các nước thuộc Liên Xô trước đây lại không có các kỹ năng, năng lực tài chính, khả năng tổ chức và kinh nghiệm hoạt động tương tự. Hàng ngàn chiến binh thánh chiến (được đào luyện ở Syria và Iraq) sẽ trở về Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan”.
Theo các nhà phân tích, Tajikistan đặc biệt dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc quá lớn vào kiều hối từ Nga gửi về, bị tác động bởi sự mất giá của đồng rúp và việc chính phủ đàn áp phe đối lập Hồi giáo. Trong trường hợp xảy xung đột, một số bộ phận dân cư Tajikistan chịu ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền IS có thể gây bất ổn cho cả Tajikistan lẫn nước láng giềng Kyrgyzstan, kiểm soát một phần của thung lũng Ferghana - một mảnh đất màu mỡ của Hồi giáo cực đoan ở Trung Á.
Nhà báo Mirzayan viết tiếp: "Kết quả là Nga sẽ phải đón nhận hàng trăm ngàn người tị nạn từ Trung Á. Trường hợp xấu nhất, Moscow sẽ đối mặt với một khu vực bất ổn rộng lớn sát biên giới phía nam của Liên bang Nga. Để bình ổn, nước Nga sẽ phải mất hàng tỷ rúp, hàng ngàn mạng sống của binh sĩ và nhiều thập kỷ. Trong nhiệm vụ bình ổn này, Nga không thể mong đợi có được bất kỳ sự trợ giúp từ bất cứ nước nào, trừ Trung Quốc”.
Chính vì vậy mà nhà báo Mirzayan viết: "Sẽ là nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn, nếu ‘giải quyết’ các phần tử khủng bố ở nước ngoài và cùng với một liên minh quốc tế”.
Những thực tế này dường như đã được ban lãnh đạo Nga tính đến khi quyết định không kích phiến quân Hồi giáo ở Syria. Phát biểu vào ngày các cuộc không kích ở Syria bắt đầu, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Con đường đúng đắn duy nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế - và những kẻ khủng bố đang hoành hành ở Syria và các nước láng giềng chính là khủng bố quốc tế - là thông qua việc đánh đòn phủ đầu và tiêu diệt bọn khủng bố trong vùng lãnh thổ mà chúng đang chiếm đóng, thay vì chờ đợi chúng đến tận nhà của chúng ta”.
Lập trường nói trên của Tổng thống Putin đang được các quan chức Nga lặp lại: từ Chánh văn vòng điện Kremlin đến Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev. Người Nga không thể nào quên những hành động dã man của khủng bố Hồi giáo ở nước họ và ở các nước khác thuộc Liên Xô cũ.
Theo nhà báo Mirzayan, "Nga đang tiêu diệt kẻ thù tiềm tàng, với sự giúp đỡ của Syria, Iraq và Iran - các quốc gia đang phải đối mặt với những vấn đề mà có thể nước Nga sẽ phải đối mặt trong tương lai không xa. Đây là những nước đang gánh chịu h thiệt hại về tài chính và nhân lực trong cuộc chiến tranh chống IS hiện nay. Binh sĩ của họ là những người chiến đấu trên mặt đất và tiến hành các hoạt động tấn công thực sự. Tất cả những gì mà các nước này cần hiện nay là sự hỗ trợ về kỹ thuật, tình báo và các cuộc không kích. Nga đã cung cấp cho họ (Syria, Iraq và Iran) tất cả những thứ cần thiết này”.