Cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ có những tác động đáng kể đến cục diện chiến trường Syria theo hướng bất lợi cho phe nổi loạn. Liên quan đến chủ đề này, mạng tin của Tổ chức phân tích thông tình báo Stratfor ngày 25/7 có bài viết đưa ra những dự đoán u ám về tình cảnh của phe nổi loạn tại Syria trong những tháng tới.
|
Tình cảnh hiện nay của các tay súng nổi dậy Syria trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Ảnh The Daily Beast |
Cuộc nội chiến Syria kể từ khi bắt đầu vào năm 2011 liên tục có những thay đổi. Phe nổi loạn và phe trung thành với chính phủ thay phiên nhau giữ thế thượng phong trên chiến trường ở các thời điểm khác nhau.
Tuy nhiên, gần đây, yếu tố then chốt nhất quyết định lực lượng nào đang giữ lợi thế lại là mức độ trợ giúp từ bên ngoài dành cho mỗi bên. Hậu quả là sự hỗ trợ dành cho phe nổi loạn bị giảm sút trong khi sự hỗ trợ dành cho Chính phủ Syria vẫn ổn định và đây được xem là điềm gở cho số phận của phe nổi loạn trong những tháng tới.
Đối với phe nổi dậy Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà bảo trợ chính, nếu không nói là quan trọng nhất. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành có thể khiến Chính quyền Ankara xao nhãng với cuộc xung đột tại Syria. Đối với phe nổi loạn, tai họa này diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn: Hiện tại, họ đang phải phụ thuộc nhiều vào không lực của Thổ Nhĩ Kỳ để chống cự trước các đòn tấn công của quân chính phủ.
Tình cảnh bi đát của phe nổi loạn được thể hiện rõ nhất tại trong và xung quanh thành phố Aleppo, nơi đang diễn ra một cuộc chiến dứt điểm. Các lực lượng trung thành với chính phủ đã bao vây được một số khu vực thành phố đang nằm trong tay quân đối lập, trong khi phiến quân đang cố gắng phá vỡ vòng vây. Hầu hết những đơn vị này đều nhận vũ khí, đạn dược và quân nhu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phải bình ổn lại an ninh của chính mình, các nguồn viện trợ có thể bị cắt đứt, dẫn đến làm suy yếu hoạt động của phe nổi loạn trên toàn miền bắc Syria. Đã xuất hiện một số thông tin chưa được kiểm chứng rằng các sĩ quan hậu cần Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ phối hợp các nguồn tiếp tế tại Syria đã bị triệu hồi về nước vì Ankara đang thực hiện chiến dịch đánh giá lòng trung thành của binh sĩ và thanh trừng những người bất đồng chính kiến.
Một đám mây đen cuối chân trời khác đối với phiến quân là Mỹ và Nga tăng cường phối hợp hành động tại Syria, điều này gây rắc rối cho phe nổi dậy bởi hai lý do. Trước hết, sự phối hợp giữa Washington và Moskva tập trung nhằm mục tiêu vào một trong những tổ chức thiện chiến nhất của phe nổi dậy, đó là Jabhat al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria.
Mặc dù giữa Jabhat al-Nusra và các tổ chức nổi loạn khác có nhiều khác biệt đáng kể về hệ tư tưởng cũng như chiến lược hành động, song các lực lượng này đã phối hợp rất ăn ý trong các chiến dịch tấn công phe trung thành với chính phủ. Do đó, sự suy yếu của tổ chức này sẽ tạo lợi thế cho Chính phủ Syria.
Thứ hai, việc Mỹ tăng cường phối hợp với Nga có thể làm tiêu tan những kỳ vọng của quân nổi dậy vào việc được nhận thêm viện trợ và vũ khí của Mỹ, điều mà Washington đã hứa hẹn nếu như các cuộc đàm phán tại Geneva về việc chấm dứt cuộc nội chiến này thất bại.
Bằng cách đề xuất tăng cường hợp tác với Moskva, Washington thể hiện rằng họ muốn tránh làm leo thang căng thẳng với Nga cũng như các lực lượng trung thành với Damascus, vì làm như vậy có thể gây phương hại tới chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một viễn cảnh tệ hơn nữa đối với phe nổi dậy là sự tan rã trong nội bộ của họ có thể lan rộng nếu như Jabhat al-Nusra quay trở lại tấn công những nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn để trả đũa việc Mỹ tấn công các đơn vị của chúng. Một nguy cơ nữa là nếu như Mỹ không tăng cường viện trợ như đã hứa, các thành viên của lực lượng Quân đội Giải phóng Syria, sẽ đào ngũ, quay sang hợp tác với những nhóm cực đoan nhất trong phe nổi dậy.
Một số đồng minh của phe nổi dậy, chủ yếu là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đang tìm cách thuyết phục Jabhat al-Nusra tách khỏi al-Qaeda. Nếu Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thành công, Washington có thể xem xét lại thỏa thuận với Moskva về việc tấn công Jabhat al-Nusra. Nhưng căn cứ vào sự hình thành hệ tư tưởng của tổ chức này cũng như mối quan hệ lịch sử của chúng với al-Qaeda, khả năng thành công là mong manh.
Trái ngược với tình cảnh của phe nổi loạn, phe thân chính phủ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đều đặn từ các đồng minh. Trong mấy tháng qua, Iran, Hezbollah và Nga vẫn duy trì viện trợ trực tiếp, và tại một số nơi còn tăng viện trợ cho họ.
Chẳng hạn như tại tỉnh Aleppo ở miền Nam Iran đang phụ trách các chiến tuyến trong khi không quân Nga yểm trợ cho các lực lượng thân chính phủ bao vây các khu vực của phe nổi dậy. Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 6 vừa qua, thủ lĩnh Hezbollah, ông Sheikh Hassan Nasrallah, đã hứa rằng tổ chức này sẽ tăng cường sự hiện diện trên toàn Syria, trong đó có cả ở chiến trường Aleppo.
Phe nổi dậy chống sự cai trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục dựa vào sự viện trợ của các nước trong và ngoài khu vực, song trong bối cảnh Washington đang thay đổi chính sách và Ankara đang bận tâm vào vấn đề đối nội, sự trợ giúp của bên ngoài có nguy cơ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực, phe nổi dậy khó có thể duy trì được đà chiến đấu tại nhiều vùng ở phía Bắc Syria vì nguồn lực có hạn của họ sẽ phải được đặt ưu tiên cho việc bảo vệ những khu vực trọng yếu đang có nguy cơ thất thủ trước các cuộc tấn công của lực lượng thân chính phủ. Phải đối diện với sự hỗ trợ thất thường từ bên ngoài, trong khi lực lượng thân chính phủ vẫn được hậu thuẫn tích cực, rõ ràng những tháng tới sẽ vô vùng đen tối đối với phe nổi dậy ở Syria.