Chuyên gia Ấn Độ: Phán quyết của PCA vượt cả kỳ vọng

Google News

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định phán quyết của PCA vượt cả kỳ vọng khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Trao đổi trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN, nguyên Phó Đô đốc hải quân và cũng là chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quốc tế của Ấn Độ, ông Shekhar Sinha khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) liên quan tới vấn đề Biển Đông là một phán quyết đúng và được thực hiện hoàn toàn theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ông cho rằng phán quyết của PCA vượt cả kỳ vọng khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng thời các bên liên quan cần phải tuân thủ phán quyết và không được cản trở tự do hàng hải, hàng không và thương mại ở Biển Đông.
Chuyen gia An Do: Phan quyet cua PCA vuot ca ky vong
Nguyên Phó Đô đốc Shekhar Sinha trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh TTXVN 
Theo ông Shekhar Sinha, phán quyết của PCA đã đưa ra khái niệm đúng về các đảo, rạn san hô và đá, từ đó xác định các vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS. Phán quyết còn cho rằng Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với những rạn san hô khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng đảo trái phép.
Chuyên gia Sinha nhận định nếu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA thì có thể có giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh một nước chỉ có thể trở thành siêu cường khi có mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng của mình.
Ông Sinha còn cho biết Ấn Độ là một bên tham gia UNCLOS giống như Trung Quốc và Ấn Độ hoan nghênh phán quyết của PCA, đồng thời hy vọng tất cả các bên tuyên bố chủ quyền sẽ tuân thủ phán quyết này để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thăm dò dầu khí.
Ông còn rằng việc Ấn Độ tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp biển với Bangladesh là một dẫn chứng cụ thể, mặc dù phán quyết đó là bất lợi cho Ấn Độ. Ông cũng cho rằng Ấn Độ tin tưởng vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp và hy vọng tất cả các nước đều tuân thủ điều này, không chỉ ở Biển Đông mà còn trên toàn thế giới.
Ông Sinha cũng cho rằng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên tổ chức một cuộc họp ngay lập tức, yêu cầu Trung Quốc tham gia đối thoại và chấp nhận một cách tiếp cận chung. Điều này có lợi cho ASEAN vì hiệp hội này có nhiều nước ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và chỉ có cách tiếp cận chung mới khiến Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế, từ đó các nước có thể khai thác lợi ích của mình tại vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)