Nhà báo Renaud Girard là một chuyên gia quan hệ quốc tế và là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Á.
Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại khái niệm về “tam giác chiến lược” do cựu ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger đưa ra vào đầu những năm 1970, trong bối cảnh Chiến tranh lạnh và bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc trở nên nghiêm trọng. Để xích lại gần Trung Quốc và ngăn chặn không cho Liên Xô sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong các cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, ông Kissinger quan niệm rằng, trong quan hệ tay ba Mỹ-Liên Xô-Trung Quốc, điều quan trọng là Mỹ phải ở vị trí đỉnh của tam giác chiến lược này và hai cạnh bên phải ngắn hơn cạnh đáy của tam giác. Diễn giải nôm na, cần phải vận động để Mỹ xích lại gần Trung Quốc và gần Liên Xô, nhưng không nên để Trung Quốc và Liên Xô xích lại với nhau.
|
Trung Quốc đang ở đỉnh tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung. Ảnh YouTube |
Nếu theo mô hình trên, thì các sự kiện quốc tế xảy ra đầu tháng 4/2017, đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump tiếp đón nồng nhiệt Chủ tịch Tập Cận Bình và vụ Mỹ tấn công tên lửa Syria, cho thấy Trung Quốc đã chiếm vị trí đỉnh tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung: tức là khoảng cách Bắc Kinh-Washington và Bắc Kinh-Moscow ngắn hơn rất nhiều so với khoảng cách Washington-Moscow.
Nhà báo Renaud Girard cho rằng quyết định của Tổng thống Trump cho bắn tên lửa vào Syria là một hành động phục vụ chính sách đối nội. Đó là tỏ ra khác biệt với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama; khẳng định quyền lực tổng thống; xóa bỏ đi phần nào các chỉ trích cho rằng ông bị Vladimir Putin “xỏ mũi”; nhận được nhiều lời hoan nghênh từ phía các cơ quan truyền thông mà cho đến lúc đó vẫn chỉ trích ông hết lời.
Vậy phản ứng của Trung Quốc và Nga ra sao về hành động tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Điều mà cả hai nước này đều rất khó chấp nhận, nhưng không nói ra, đó là khó dự đoán được sự bất định về mặt chiến lược của Mỹ. Hơn nữa, Bắc Kinh và Moscow cũng không ưa gì việc Washington đôi khi qua mặt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đơn phương hành động quân sự. Thế nhưng, ngoại trưởng Mỹ đã lại trấn an cả hai nước rằng ưu tiên chiến lược của Washington vẫn là diệt trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Rõ ràng, mối quan hệ Mỹ-Nga khó có cơ may khởi sắc như người ta nghĩ trong thời kỳ Donald Trump vận động tranh cử tổng thống.
Về quan hệ Mỹ-Trung, trong bối cảnh rối loạn đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tỏ ra rất bình thản lúc ở Florida. Ông không nói một câu nào về Syria. Theo Nhà Trắng, hai bên đồng ý mở vòng đàm phán trong vòng 100 ngày để giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại song phương. Mục tiêu là đạt được một thỏa thuận đầu tư thuận lợi cho Hoa Kỳ, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ so với các doanh nghiệp châu Âu trên thị trường Trung Quốc.
Theo nhà báo Renaud Girard, trong quan hệ quốc tế, ông Trump diễu võ giương oai với kẻ yếu và tỏ ra nhu mì với kẻ mạnh. Biết rằng khó có thể đọ sức với một Trung Quốc hùng mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump quay sang “vùi dập” châu Âu yếu kém và bị chia rẽ.
Về phần mình, Trung Quốc hài lòng về mối quan hệ chiến lược với Nga. Mặt khác, Trung Quốc từng bước củng cố các căn cứ quân sự được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo trong các vùng đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Chính quyền Trump đã quên đi ý tưởng đưa ra hồi tháng Giêng năm nay là ngăn chặn Trung Quốc tiếp tế cho các đảo nhân tạo này.
Trong phần kết luận, nhà báo Renaud Girard đặt câu hỏi: Phải chăng Donald Trump hành động với tư cách một chiến lược gia hay chỉ như là một diễn viên ồn ào ở Hollywood? Còn quá sớm để có câu trả lời, nhưng Mỹ đang chơi một canh bạc lớn. Đó là nguy cơ bị đuổi ra khỏi khu vực Đông Nam Á và cũng không thu lợi được gì ở Trung Đông.