Tổng biên tập tạp chí The National Interest, ông Harry J. Kazianis, cho rằng dự án bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc là một trong những nỗ lực tạo dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho việc tuyên bố về ADIZ trong vòng vài năm tới. Nếu các bên hữu quan không hành động nghiêm túc nhằm thay đổi tính toán của Bắc Kinh và không thách thức các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo đó, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông gần như chắc chắn xảy ra.
|
Chiến đấu cơ J-10 có thể hạ cất cánh ở đường băng sân bay mà Trung Quốc đang xây dựng ở Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2013 và những động thái có thể có dẫn tới việc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông cần được nhìn nhận là một trong những động thái nhằm đẩy Mỹ và các lực lượng đồng minh ra khỏi “các vùng biển gần” của Trung Quốc và các khu vực mà nước này nói là có “lợi ích cốt lõi”.
Mỹ, Nhật Bản và các nước hữu quan có chung mối quan tâm không chỉ nhằm ngăn Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông – khu vực mà mỗi năm có hơn 5.300 tỷ USD thương mại bằng đường biển đi qua – mà còn ngăn cản việc thực thi một khu vực như vậy. Hiện có cơ hội cho cách tiếp cận đa phương nhằm thay đổi tính toán của Bắc Kinh về ADIZ ở Biển Đông. Một chiến lược đa phương phải lấy việc chấm dứt - hoặc ít nhất là giảm tốc - việc thành lập ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông làm ưu tiên cao nhất.
Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, ba cách tiếp cận sau đây cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng.
1. Hợp tác về an ninh:
Tại Đối thoại Shangri-La mới đây ở Singapore, Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã giải thích rằng “Chính phủ và quân đội Trung Quốc không bao giờ nói sắp thiết lập một ADIZ trên Biển Đông” và rằng việc tạo ra một vùng như vậy sẽ được dựa trên cách nhìn nhận của Bắc Kinh về tình hình an ninh trong khu vực.
Cần phải làm cho Bắc Kinh thấy rằng một ADIZ mới ở Biển Đông là không cần thiết, khi Mỹ và các đối tác của nước này đang tích cực thực hiện những nỗ lực hợp tác với Trung Quốc nhằm phá vỡ tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh.
2. Sử dụng chiến thuật “gây mất thể diện”
Mỹ và các đối tác cần phải cho cả thế giới thấy rõ ý đồ của Trung Quốc trong việc bồi đắp xây dựng “đảo nhân tạo” trên Biển Đông – cơ sở thiết lập ADIZ mới trong khu vực này.
Việc CNN cung cấp đoạn băng và những bức ảnh rõ ràng về các dự án xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và các báo cáo, hình ảnh vệ tinh của Dự án Hàng hải Châu Á trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) là những ví dụ tiêu biểu về điều mà Washington cần làm. Trong khi dường như không có khả năng giảm bớt quy mô các dự án xây dựng đảo nhân tạo hiện tại của Trung Quốc, Mỹ và các nước đồng minh có thể khiến cho thế giới biết rõ mọi động thái của Bắc Kinh, qua đó hạn chế việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Đây là một số ví dụ về điều mà nhà phân tích Harry J. Kazianis gọi là chiến thuật “làm mất thể diện” có tác dụng trên thực tế.
Điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải liên tục giải thích các hành động của Trung Quốc hết lần này đến lần khác.
3. Tăng cường “chiến tranh pháp lý”
Mỹ cần phải hợp tác với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông nhằm dàn xếp tranh chấp trong khu vực không liên quan đến Trung Quốc. Mặc dù rõ ràng đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng thái độ ngày càng hống hách của Trung Quốc trong khu vực có thể khuyến khích các bên tranh chấp ngoài Trung Quốc tiến tới một thỏa hiệp. Nếu đạt được điều này, các bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông có thể cùng nhau kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Các vụ kiện riêng rẽ được đệ trình đồng cũng có thể khiến Trung Quốc bị sa vào “cơn ác mộng quan hệ công chúng” mà Bắc Kinh không dễ dàng rũ bỏ. Những hành động phối hợp như vậy có thể ngăn Bắc Kinh bồi đắp xây dựng thêm các “đảo nhân tạo” và ngăn Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.