Mới cách đây vài tuần, giới chức tình báo Mỹ còn ước tính Triều Tiên sẽ mất khoảng 4 năm mới có thể phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM bắn tới nước Mỹ và mang theo vũ khí hạt nhân thu nhỏ.
|
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. (Nguồn: Real Clear Defense) |
Nhưng thực tế của vài tháng qua, đặc biệt là vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-14 ngày 4/7, đã buộc giới tình báo Mỹ thay đổi cách tính quá chủ quan. Trong vụ thử nói trên, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đã lên tới độ cao 2.736km và rơi cách xa điểm phóng gần 1.000 km. Điều này có nghĩa là ICBM của Triều Tiên có thể bắn tới khu vực Alaska và Hawaii của Mỹ.
Tuần trước, Đại tướng Paul Selva - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân – nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng vụ thử tên lửa ngày 4/7 cho thấy Triều Tiên có thể sở hữu khả năng tấn công Mỹ với “độ chính xác và cơ may thành công”.
Tuyên bố đó phản ánh quan điểm của Cơ quan Tình báo Quân sự (DIA) của Mỹ vốn cho rằng các kỹ sư tên lửa của ông Kim Jong-un đã vượt qua hầu hết các rào cản lớn.
Các quan chức quân đội Mỹ đã được yêu cầu đề ra các chiến lược tiềm năng mới để đối phó với Triều Tiên: từ gia tăng áp lực kinh đến các cuộc tấn công không gian mạng phá hoại quá trình thử tên lửa . Tuần trước, một quan chức tình báo cấp cao nói tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng vào thời điểm này, điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm là trì hoãn cái ngày mà tên lửa Triều Tiên bay xa hơn Alaska và Hawaii.
Giám đốc CIA Mike Pompeo nói ông hy vọng sẽ tìm ra cách tách Triều Tiên “khỏi khả năng của tên lửa và hạt nhân".
Chỉ có điều, theo báo The Washington Post, Mỹ không còn nhiều thời gian. Nếu ước tính của các cơ quan tình báo là chính xác, tên lửa Triều Tiên sẽ có khả năng vươn tới lục địa Mỹ vào năm 2018, trước khi các hệ thống phòng thủ tên lửa được nâng cấp.
Lầu Năm Góc đã đề ra các kế hoạch dự phòng dài hạn, từ việc đánh chặn tên lửa trên biển đến chủ ý phá hủy tên lửa Triều Tiên trên bệ phóng. Nhưng có nhiều khả năng, Mỹ sẽ lặp lại nỗ lực của chính quyền Obama phá hoại các cuộc phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên bằng các kỹ thuật chiến tranh mạng và điện tử.
Ông Scott Bray, giám đốc khu vực Đông Á của Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, nhận định: "Việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây của Bắc Triều Tiên là một trong những dấu mốc giúp điều chỉnh thời gian và phán đoán của chúng tôi về những mối đe dọa mà ông Kim Jong-un đặt ra cho lục địa Mỹ. Thử nghiệm này làm nổi bật nguy cơ của các chương trình tên lửa đạn đạo-hạt nhân của Triều Tiên đối với Mỹ, đối với các đồng minh của chúng ta trong khu vực và trên thế giới”.