Đó là nhận định của nhà phân tích Peter Apps đăng trên chuyên mục bình luận của hãng tin Reuters ngày 14/2/2017.
|
Đám đông chúc mừng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 12/2 thành công. Ảnh KTLA |
Về cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên của ông Trump, nhà phân tích Peter Apps cho rằng giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington đang có nhiều bất đồng với tân Tổng thống Mỹ. Họ nghĩ rằng Tổng thống Donlad Trump đã mắc sai lầm về sắc lệnh nhập cảnh, quá mềm mỏng với Nga, quá diều hâu với Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền của ông Trump lại không có ý tưởng thực sự nào để đối phó với chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên).
Trong khi đó, đây là một cuộc khủng hoảng mà tất cả mọi người đang thấy đến gần. Đó là lý do vì sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vội vã đến gặp ông Trump, ngay cả khi ông này chưa nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45. Khi Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào ngày 12/2, Thủ tướng Abe một lần nữa lại gặp Tổng thống Donald Trump và lần này trong chuyến đi đến Mar-a-Lago, một nơi nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida.
Đó cũng là lý do vì sao Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thực hiện chuyến đi chính thức đầu tiên của ông tới khu vực Đông Á, với ưu tiên trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Mỹ sẽ đứng về phía hai nước này, bất chấp những gì mà ông Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Kể từ khi kích nổ một thiết bị hạt nhân thô trong năm 2006, Bắc Triều Tiên (Triều Tiên) đã tiếp tục phát triển không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn các loại tên lửa để mang chúng đến mục tiêu đánh phá. Những gì mà ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng muốn là ngăn chặn bất kỳ mưu đồ "thay đổi chế độ" nào như đã từng xảy ra ở Iraq hay Libya.
Để đạt được điều đó, trước hết Triều Tiên cần có một số lượng hạn chế các tên lửa hạt nhân trên đất liền, với khả năng tấn công ít nhất các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản. Thông qua các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng xem ra ngày càng tiến sát mục tiêu này.
Về lâu về dài, Triều Tiên muốn có trong tay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân này có thể được triển khai dọc theo bờ biển đầy núi non của Triều Tiên và rất khó bị đánh chặn vì không thể xác định vị trí chính xác của chúng.
Trên thực tế, Mỹ đã không thể ngăn chặn hiệu quả chương trình tên lửa- hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kể từ thời Tổng thống Bill Clinton trong những năm 1990, các vị tổng thống Mỹ đã liên tiếp được cung cấp nhiều tùy chọn về hành động trực tiếp như các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa. Nhưng làm thế nào để thành công với các cuộc không kích và tấn công băng tên lửa nói trên? Đây là câu hỏi cho đến nay mà phía Mỹ vẫn chưa có câu trả lời.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại không thiếu các cách thức giáng trả, trong đó không chỉ sử dụng trọng pháo thông thường để tấn công các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, với dân số hơn 10 triệu người, nằm gọn trong tầm đạn pháo của Triều Tiên, trong khi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được triển khai trong mạng lưới đường hầm kiên cố, vừa khó phát hiện vừa khó phá hủy.
Một lựa chọn hiện có dành cho Mỹ để ngăn chặn một vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên trong tương lai là sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được triển khai trong khu vực. Các hệ thống này đã không được kích hoạt trong ngày 12/2 vì Bình Nhưỡng chỉ thử một tên lửa đạn đạo tầm trung và chủ yếu bay trên hoặc gần lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.
Việc Mỹ cố gắng bắn hạ một tên lửa tầm xa có lẽ sẽ dễ dàng hơn, nhưng không có gì đảm bảo rằng một vụ bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên sẽ thành công. Nếu thất bại, Mỹ sẽ bộc lộ thực tế là không có khả năng đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng và làm dấy lên mối quan ngại lớn hơn trong khu vực.
Ảnh hưởng chính trị của một vụ đánh chặn tên lửa bất thành cũng sẽ là rất tiêu cực đối với kỳ tổng thống Mỹ nào.
Khó khăn này dẫn đến các lựa chọn ngoại giao như gây áp lực thông qua Trung Quốc. Hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên. Đây có thể là một ưu tiên trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh lại không muốn làm bất cứ điều gì có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ hiện hành ở Triều Tiên vì điều này có khả năng dẫn đến việc quân đội Hàn Quốc hay Mỹ được triển khai sát biên giới Trung Quốc.
Từ lâu, Bắc Kinh vốn cho rằng bất cứ điều gì làm suy yếu CHDCND Triều Tiên đều có thể đẩy nhanh việc thay đổi chế độ và khiến cho Bình Nhưỡng phản ứng nguy hiểm, rất có thể với lực lượng hạt nhân.
Nếu chưa thể đánh phá các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, tên lửa của Triều Tiên vẫn có thể tấn công các căn cứ Mỹ ở Guam hay Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản cũng rất có thể là mục tiêu tấn công hàng đầu của tên lửa Triều Tiên.
Mối đe dọa này có thể là đủ để Nhật Bản cân nhắc việc sử hữu một kho vũ khí hạt nhân. Điều sẽ vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Trung Quốc và làm cho khu vực Đông Bắc Á có nhiều biến động.
Nhà phân tích Peter Apps kết luận: Tỷ phú Donald Trump có thể tự nhận mình là một bậc thầy của "nghệ thuật thỏa thuận" và đã để ngỏ khả năng có thể gặp các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Vấn đề của ông Trump sẽ là chẳng có gì để “thỏa thuận” giữa Mỹ và Triều Tiên. Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Á có thể trở nên nguy hiểm hơn, cho đến khi một thảm họa tầm cỡ đại hồng thủy thực sự xảy ra.