Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết rằng nếu vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên không gây nguy hiểm cho Mỹ hoặc đồng minh, nó có thể phục vụ cho công việc “thu thập thông tin tình báo”.
|
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-08 của CHDCND Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Nguồn: Business Insider) |
Thu thập thông tin tình báo
Mỹ và các nhà quan sát khác có thể thu hoạch được rất nhiều "từ bất kỳ vụ thử tên lửa Triều Tiên nào”, theo ông Tal Inbar - một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu chiến lược hàng không và vũ trụ Fisher.
Chuyên gia Tal Inbar cho biết: "Chúng tôi có thể phân tích quỹ đạo và có cái nhìn rõ nét về sức mạnh động cơ, số lượng nhiên liệu và ước tính tầm bắn của tên lửa”.
Nếu nó có thể trục vớt tên lửa hoặc các bộ phận tên lửa từ đáy biển, như Hàn Quốc từng làm hồi tháng 3/2016, thì đó sẽ là một kho thông tin phong phú dồi dào đối với các cơ quan tình báo.
Ông Inbar nói thêm rằng sẽ là không khôn ngoan nếu bắn hạ bất kỳ tên lửa không gây nguy hiểm vì người ta sẽ mất đi khả năng kiểm tra tên lửa và đường bay của nó. Ông nói thêm: “Nếu cố tình bắn hạ tên lửa và bắn trượt, thì đó sẽ là một sự bẽ bàng".
Con đường đi đến ICBM của Triều Tiên còn xa vời?
Mặc dù nhiều lần tuyên bố về khả năng tấn công tên lửa vào đất liền Mỹ, CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào. Giới chuyên gia còn nghi ngờ về công nghệ ICBM của Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia tên lửa và hàng không vũ trụ John Schilling, tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên "hầu như không hoạt động" và "đã bị nổ tung 7 lần trong 8 cuộc thử nghiệm cho đến nay”.
|
Tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên "đã bị nổ tung 7 lần trong 8 cuộc thử nghiệm". (Nguồn NBC News) |
Trong báo cáo hồi tháng 12/2016, ông Schilling viết ICBM của Triều Tiên "không tồn tại, ngoại trừ các cuộc diễu hành mang tính phô trương và vài bài viết về thử nghiệm động cơ tên lửa”.
Chuyên gia Tal Inbar không tán thành ý kiến trên và nói rằng tất cả các bằng chứng về ICBM của Triều Tiên là "tên lửa thực sự và một mối đe dọa thực sự”. Ông nói thêm: “Nhưng vấn đề còn lại sẽ là độ tin cậy của một loại tên lửa chưa bao giờ được phóng thử nghiệm”.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công động cơ cho tên lửa ICBM, trong đó có động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép phóng tên lửa một cách nhanh chóng và bất ngờ.
Triều Tiên cũng đã tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) và theo tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng "có lẽ" đã sở hữu khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp lên một ICBM.
Công nghệ không gian vũ trụ
Các chuyên gia nói rằng CHDCND Triều Tiên đã sử dụng chương trình không gian hòa bình để ngấm ngầm thử nghiệm công nghệ này.
Hồi tháng 2/2016, Bình Nhưỡng thông báo Triều Tiên đã phóng thành công một vệ tinh vào không gian, nhưng một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng vệ tinh nói trên đã "nhào lộn trong quỹ đạo" và "không có khả năng hoạt động hữu hiệu”.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, tất cả các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều sử dụng tên lửa "có động cơ lực đẩy thấp trong tầng trên cùng. Do đó, nó không cung cấp đủ lực đẩy khi tên lửa đã bay vào quỹ đạo”.
Các mối đe dọa khác
Trong khi CHDCND Triều Tiên có thể chưa tiến tới trình độ sở hữu ICBM theo đúng nghĩa của nó, điều này không có nghĩa là Bình Nhưỡng là không có khả năng gây ra sự tàn phá tuyệt đối. Nước này có một kho dự trữ hạt nhân và 5.000 tấn vũ khí hóa học.
Năm ngoái, Triều Tiên đã ráo riết thử tên lửa tầm trung, loại có thể tấn công Tokyo hay Seoul - nơi có hơn 23 triệu cư dân và hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ.
Nhà phân tích Inbar nói sẽ là "hợp lý để giả định" rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thử nghiệm một ICBM “càng sớm càng tốt”. Ông Inbar giải thích: "Những gì ông ấy (Kim Jong-un) đặt trên bàn sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Nếu đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng Bình Nhưỡng sớm tiến hành một vụ phóng thử ICBM”.