Tranh cãi Trung-Triều: Bắc Kinh “tiến, thoái lưỡng nan”

Google News

(Kiến Thức) - Tranh cãi Trung-Triều bộc lộ thế “tiến, thoái lưỡng nan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Bắc Kinh, khi tìm cách đưa Bình Nhưỡng trở lại đàm phán.

Đỉnh điểm của tranh cãi Trung-Triều là việc Bình Nhưỡng lên án ban lãnh đạo ở Bắc Kinh “theo đuôi Mỹ” khi cấm nhập khẩu than và thề sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định sẽ thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tranh cai Trung-Trieu: Bac Kinh “tien, thoai luong nan”
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể "nghĩ rằng Bắc Kinh là một phần của âm mưu quốc tế chống lại CHDCND Triều Tiên”.  Ảnh: The Korea Times
Căng thẳng leo thang trong lúc Trung Quốc tái đàm phán với Tổng thống Donald Trump về vấn đề Triều Tiên, khi Mỹ đang xúc tiến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, khả năng Bắc Kinh buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán là rất thấp vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin chắc rằng Trung Quốc không muốn thấy chế độ của ông bị lật đổ và một Bán đảo Triều Tiên thống nhất cho phép binh sĩ Mỹ “đứng ngay trước cửa nhà mình”.
Học giả Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, cho rằng tình hình hiện tại mở ra cánh cửa cho một "hành động cực đoan” nữa của Bình Nhưỡng như tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Học giả Zhang Baohui nói: "Trung Quốc đang lâm vào một tình thế bất lợi. Hợp tác Trung-Mỹ chỉ đào sâu thêm vũng lầy mà Bắc Kinh đang phải đối mặt, bằng cách tạo ra hành động khiêu khích lớn hơn của Triều Tiên”.
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, thời điểm hiện nay là “rất nhạy cảm” khi ông chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) vào tuần tới và tìm cách củng cố thêm quyền lực tại đại hội đảng vào cuối năm nay. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Donald Trump “không thể tiên đoán” đã bổ sung cho khả năng tính toán sai lầm.
Vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) ở Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) trong tháng này cũng khiến cho vấn đề còn trở nên phức tạp hơn nữa. Giới chức Hàn Quốc đổ lỗi cho CHDCND Triều Tiên về cái chết của người được cho là Kim Jong-nam và cho biết ông này đã được Trung Quốc bảo vệ.
Cảnh sát Malaysia cho biết công dân Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao nói trên đã bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX, vốn bị Liên Hợp Quốc xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có lẽ vì chuyện này mà chính quyền Trump hủy bỏ kế hoạch tiến hành đàm phán chính thức giữa các cựu quan chức Mỹ và một phái đoàn Triều Tiên, tờ New York Times đưa tin.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ có biện pháp “rất mạnh” với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng và kêu gọi Trung Quốc siết chặt cấm vận. Trong khi đó, Bắc Kinh cực lực phản đối kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao ở Hàn Quốc, một phần vì nó có khả năng chống Trung Quốc về khía cạnh quân sự.
Lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc đã tước bỏ khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên và các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ còn khiến cho ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng khốn đốn hơn nữa, nếu ngừng cung cấp nhiên liệu và hàng hóa cho nước láng giềng anh em này.
Chỉ có điều mọi biện pháp răn đe “liên thủ” Mỹ-Trung đều phải đối mặt với "giới hạn thực tế" bởi vì Bắc Kinh phản đối kịch bản có thể khiến cho chế độ ở CHDCND Triều Tiên sụp đổ, dẫn đến làn sóng người tị nạn Triều Tiên đổ vào Trung Quốc và quân đội Mỹ triển khai trên biên giới Trung-Triều.
Học giả Liu Ming, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nhận định: "Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và bây giờ nghĩ rằng Bắc Kinh là một phần của âm mưu quốc tế chống lại CHDCND Triều Tiên”.
Trong một bài bình luận quan trọng, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lại gọi lệnh cấm nhập khẩu than "tương đương với hành động của kẻ thù nhằm làm sụp đổ các hệ thống xã hội" ở CHDCND Triều Tiên.
Mỹ và các nước đồng minh thường phản ứng trước hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các cuộc tập trận và các động thái khác được thiết kế để đe dọa Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Steve Andreasen, cựu giám đốc về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho rằng cách tiếp cận này cũng nguy hiểm. Ông Andreasen viết trên trang mạng 38 North: "Giả thiết Mỹ và các đồng minh có thể gia tăng áp lực quân sự đối với chế độ Bắc Triều Tiên để đạt được một kết quả chính trị mà không dẫn đến chiến tranh là không có tính thuyết phục và nguy hiểm...”
Minh Châu (Theo Bloomberg)

>> xem thêm

Bình luận(0)