Không chỉ có vậy, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn lôi kéo Mỹ nhập cuộc và khiến cho Nga không có hành động thực tế chống lại một cuộc can thiệp quân sự chưa từng có của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria, một đất nước có chủ quyền.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đánh lừa cả Mỹ lẫn Nga ở Syria. Ảnh The Independent |
Tổng thống Erdogan nói rằng chiến dịch “Lá chắn Euphrates” này có mục tiêu quét sạch phiến quân IS khỏi các khu vực biên giới và đẩy lùi các chiến binh người Kurd trở lại phía đông sông Euphrates.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố "rất quan tâm" đến sự leo thang quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chính phủ ở Damascus cực lực lên án Ankara “vi phạm trắng trợn chủ quyền" của Syria.
Nga và Syria có mọi lý do để lo ngại
Mặc dù Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng việc tiến đánh thị trấn Jarablus là "để đánh bại những kẻ khủng bố" và "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria", một thực tế không thể tranh cãi là lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Mỹ đã cài cắm các chiến binh được Ankara “ủy thác” kiểm soát một thị trấn của Syria và các vùng lãnh thổ xung quanh.
Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố muốn thiết lập một "vùng an toàn" dọc theo viên giới Syria, dài 100 km và sâu 30 km. Hiện chưa rõ liệu cái gọi là “vùng an toàn” trên lãnh thổ Syria này do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay các tay súng Syria được Ankara ủng hộ cai quản. Lực lượng này bao gồm Quân đội Syria Tự do (FSA) và các tay súng người Turkmen vốn chống lại chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Assad và các đồng minh nước ngoài như Nga, Iran và Hezbollah.
Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khoanh vùng một khu vực an toàn xung quanh thị trấn Jarablus xem ra khá phù hợp với tuyên bố của Lầu Năm Góc cảnh báo tuần trước rằng máy bay chiến đấu Mỹ sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Syria hoặc Nga tiếp cận thành phố Hasakah ở miền đông Syria, nơi đươc cho là có sự hiện diện của lực lượng đặc biệt Mỹ.
Tóm lại, đây là mưu đồ thành lập hai “vùng an toàn” của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua. Đó là một diễn biến đáng kể trong cuộc xung đột Syria kéo dài gần 6 năm, trong đó các lực lượng nước ngoài đang ráo riết chia cắt lãnh thổ của Syria mà không cần đến bất kỳ uỷ quyền hợp pháp nào.
Tổng thống Erdogan đã qua mặt cả Nga lẫn Mỹ?
Vậy làm thế nào mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ lại có thể ngang nhiên thành lập hai “vùng cấm” đối với quân chính phủ Damascus và đồng minh Nga ở ngay trên lãnh thổ Syria?
Làm thế nào mà Tổng thống Erdogan lại qua mặt được cả Nga lẫn Mỹ để đạt được mục tiêu lâu nay của Ankara là thiết lập "vùng an toàn" ở bên trong lãnh thổ Syria?
Sau cuộc đảo chính thất bại ngày 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã bất ngờ xích lại gần với Moscow, trong khi ra sức cáo buộc Washington có thể đã dính líu đến âm mưu đảo chính. Ông Erdogan cũng bắt đầu tìm cách lôi kéo Iran và có những tuyên bố khá hòa giải với chính phủ Syria. Trong những tuần gần đây, Erdogan đã kêu gọi thành lập “một mặt trận mới chống khủng bố” liên quan đến Nga, Iran và Mỹ. Nga và Iran tỏ vẻ hoan nghênh sự thay đổi ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, không xoáy vào việc thay đổi chế độ ở Syria như trước mà tập trung vào chống khủng bố.
Vụ đánh bom liều chết tàn bạo tại thành phố Gaziantep phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 54 người đã thiệt mạng - được cho là do phiến quân IS tiến hành – chính là một cái cớ để Ankara đổ quân đánh chiến thị trấn biên giới Jarablus.
Với cáo buộc Washington “thông đồng” trong cuộc đảo chính quân sự bất thành và đề nghị hòa giải với Moscow, Tehran và Damascus, Tổng thống Erdogan đã tận dụng triệt để các lợi thế địa chính trị để thực thi lợi ích vĩnh cửu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria để cắt ra một vùng lãnh thổ mà Ankara có thể kiểm soát. Trên thực tế, Tổng thống Erdogan đã đánh lừa được Nga, Mỹ, Iran và chính phủ ở Damascus.
Mưu đồ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với miền bắc Syria
Vậy cái gì đằng sau mưu đồ của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc thiết lập “vùng an toàn” ở miền bắc Syria?
Không ít người nghi ngờ việc Tổng thống Erdogan nghiêm túc với việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Syria. Chế độ của Tổng thống Erdogan và tình báo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vốn là các nhà tài trợ quan trọng cho các lực lượng khủng bố - bao gồm cái gọi là Quân đội Syria Tự do, đám dân quân người Turkmen và các chiến binh thánh chiến Al Qaeda. Đây chính là đội quân xung kích của cuộc chiến tranh bí mật nhằm lật đổ chế độ ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đã xúi giục kể từ năm 2011 cùng với Mỹ, Anh, Pháp và các đối tác trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Qatar và Israel.
Trong năm qua, các lực lượng Syria, Nga, Iran và Hezbollah đã gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng “đánh thuê” cho mưu đồ thay đổi chế độ của các thế lực bên ngoài. Các trận chiến quan trọng đang diễn ra tại Aleppo là một báo hiệu về một sự thất bại cuối cùng của cuộc chiến bí mật nhằm lật đổ chế độ ở Syria.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc thiết lập vùng trú ẩn an toàn ở phía bắc Aleppo là một biện pháp quan trọng để tái tập hợp và trang bị lại cho đám lính đánh thuê thánh chiến. Đây chính là mục tiêu ẩn giấu đằng sau cái gọi là chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ.