Tháng 11/2015, sau sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga, nhiều người lo sợ vụ việc sẽ làm hai quốc gia này lao vào một cuộc đối đầu. Cho tới nay, tuy kịch bản đó đã được loại trừ song mối quan hệ giữa Moscow và Ankara vẫn không mấy sáng sủa.
Trong lúc này, nhiều thông tin rộ lên rằng, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã điều lực lượng bộ binh vượt sang biên giới Syria. Vụ việc một lần nữa lại đẩy quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên bờ vực của một cuộc đối đầu vũ trang.
|
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq. |
“Lực lượng vũ trang của hai nước đều hoạt động tích cức trong các cuộc giao tranh dữ dội ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Một số vụ giao tranh nằm chỉ cách một vài km biên giới hai bên”, một quan chức cấp cao NATO tiết lộ với báo Đức Der Spiegel.
Dẫu rằng vậy, một số nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay như vậy là do họ tin các đồng minh sẽ hỗ trợ họ nếu cuộc xung đột nổ ra.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu thể hiện quan điểm rằng, họ không mấy bận tâm tới việc tham gia vào một cuộc chiến do Ankara khuấy động.
“NATO sẽ không cho phép bản thân lao vào một cuộc leo thang quân sự với Nga như là một kết quả của sự căng thẳng gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nói với tờ Der Spiegel.
Dường như Berlin cũng đồng với quan điểm trên. “Chúng tôi sẽ không muốn trả giá cho cuộc chiến do người Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng”, một quan chức ngoại giao Đức xin đề nghị giấu tên cho biết.
Còn nhớ, hồi năm ngoái, sau khi Ankara bắn hạ máy bay Nga, giới lãnh đạo NATO cũng phát đi cảnh báo tương tự. “Chúng tôi phải tránh tình huống cũng như các vụ việc đó. Tôi nghĩ, tôi vừa bày tỏ rõ ràng rằng, chúng tôi đang kêu gọi hai bên bình tĩnh và tránh làm căng thẳng mọi việc”, cựu Tổng Thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg nói.
Hôm 19/2, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn cuộc xung đột giữa Moscow và Ankara.