|
Cái bóng của Quốc vương Abdullah bao trùm lên khu vực.
|
Theo
debkafile, Saudi Arabia và UAE ủng hộ giới tướng lĩnh Ai Cập để lái “Mùa xuân Arập” theo hướng có lợi cho họ, sau khi đã thất bại ở Libya và cho đến nay ở Syria.
Các nguồn tin của debkafile cho hay lãnh đạo đảo chính, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân đội Abdel Fattah El-Sisi đã nhận được hai cam kết quan trọng của Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh Ba Tư.
Thứ nhất, nếu chính quyền Obama cắt khoản viện trợ quân sự hàng năm cho Ai Cập trị giá 1,3 tỷ USD, Saudi Arabia và UAE sẽ bù đắp khoản thiếu hụt này.
Ngày 4/7, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Mursi và đình chỉ hiến pháp. Ông này đòi giới quân sự Ai Cập nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự và ra lệnh cho chính phủ Mỹ “đánh giá tác động của cuộc đảo chính đối với viện trợ Mỹ dành cho Ai Cập”. Washington cũng ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ và ra đình rời đồng loạt Cairo, chỉ để lại một bộ khủng tối thiểu để xử lý các vụ việc khẩn cấp.
Thứ hai, Saudi Arabia, UAE và các nước vùng vịnh khác như Bahrain, Kuwait sẽ ngay lập tức bơm tiền tránh cho nền kinh tế Ai Cập bị sụp đổ. Một trong những nguyên nhân khiến cho hàng chục triệu dân chúng Ai Cập biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Mursi là đời sống của họ đã trở nên ngày càng tồi tệ dưới thời chính quyền của tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Theo các nguồn tin trên, Saudi Arabia và UAE đã cam kết sẽ viện trợ cho chính quyền mới tương đương với khoản viện trợ 13 tỷ USD mà Qatar từng cung cấp cho chính quyền Mursi trong vòng 1 năm qua.
|
Đằng sau cái bắt tay thân thiện là cuộc tranh giành ảnh hưởng ngấm ngầm ở Trung Đông.
|
Với việc lật đổ Tổng thống Mursi từng được Mỹ ủng hộ, Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia đã “báo thù” cho vụ lật đổ “ông bạn” Hosni Mubarak hồi tháng 2/2011, một vụ lật đổ mà theo quốc vương có bàn tay của Obama.
Việc Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh Ba Tư can thiệp thay đổi chính quyền ở Ai Cập sẽ thay đổi màu sắc của “Mùa xuân Arập”. Lần đầu tiên, nhóm các nước Arập bảo thủ thân Mỹ đã chủ động “sửa sai” việc chính quyền Obama quá do dự trong việc can thiệp vào cuộc nội chiến Syria và đánh đòn phủ đầu ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Chỉ có điều, việc chính quyền của tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập sụp đổ lại có lợi cho Israel: phong trào Hamas vốn do tổ chức “Anh em Hồi giáo” đỡ đầu sẽ mất đi sự ủng hộ tối quan trọng từ nước láng giềng Ai Cập, sau khi bị Iran cắt viện trợ quân sự.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với chính phủ Ai Cập thời “hậu Mursi” là liệu Saudi Arabia và UEA có giữ lời hứa tiếp tục hậu thuẫn tướng Al-Sisi và cung cấp những khoản tiền khổng lồ để vực dậy nền kinh tế Ai Cập?