Vì sao dân Ai Cập chán ghét Tổng thống Mursi?

Google News

(Kiến Thức) - Khía cạnh nổi bật nhất của các cuộc biểu tình đại chúng ở khắp Ai Cập là mức độ phẫn nộ của người dân nhắm vào tổ chức "Anh em Hồi giáo".


 Biểu tình đòi Tổng thống Mursi từ chức.

Hàng triệu người từng đổ ra đường phố đòi Tổng thống Mursi từ chức và mở đường cho cuộc bầu cử mới. Nếu ông Mursi không chấp nhận, đám đông biểu tình có kế hoạch khởi động chiến dịch có khả năng làm tê liệt đất nước. Hiện nay, quân đội nước này cũng đã can thiệp với tối hậu thư yêu cầu ông Mursi và những người người biểu tình đạt được thỏa thuận trong vòng 48 giờ tới.

Nhóm tổ chức được gọi là Tamarod (Nổi dậy) tuyên bố  đã thu thập được 22 triệu chữ ký ủng hộ yêu sách đòi Mursi từ chức. Con số này cao hơn nhiều so với 13 triệu phiếu mà ứng viên tổng thống Mursi của “Anh em Hồi giáo” giành được để chính thức trở thành Tổng thống Ai Cập. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự bất mãn đã bắt đầu lan rộng vượt ra khỏi phạm vi những người theo chủ nghĩa tự do hoặc những người ủng hộ chế độ cũ.

Phe đối lập Ai Cập rõ ràng đang lợi dụng những thất bại của ông Mursi, đặc biệt là sự tụt dốc của nền kinh tế cũng như sự rối loạn an ninh nghiêm trọng để gây áp lực, thúc đẩy tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đường phố ở Ai Cập có nhiều mục đích hơn việc làm, bánh mì và an ninh.

Nguyên nhân dẫn đến kêu gọi thay đổi xuất phát từ nhận thức ngày càng tăng của người biểu tình về những gì mà Tổng thống Mursi theo đuổi không phải là thứ mà người dân nước này kỳ vọng khi họ đổ xuống đường lật đổ chế độ độc tài cầm quyền Hosni Mubarak trong suốt một thời gian dài. Cuối cùng, cuộc cách mạng lại rẽ sang một bước ngoặt khác xa so với những gì mà những người biểu tình trẻ đã liều mình chiếm quảng trường Tahrir ở Cairo theo đuổi.

Về cơ bản, tổ chức “Anh em Hồi giáo” muốn áp đặt ý thức hệ Hồi giáo làm nguyên tắc chỉ đạo cho từng cá nhân, cả xã hội và nhà nước. Và mục tiêu cuối cùng của họ là, thống nhất tất cả các nước Hồi giáo thành một quốc gia để “giải phóng khỏi chủ nghĩa đế quốc nước ngoài”.

Tại Ai Cập, các đảng Hồi giáo nhanh chóng giành vị trí hàng đầu trên sân khấu chính trị hậu Mubarak do có lợi thế cạnh tranh đối với các các đảng mới hình thành, non trẻ khác và từ đó giành được phiếu bầu của phần lớn cử tri thực tế hiểu mơ hồ và hời hợt về khái niệm dân chủ.

Do đó, không ngạc nhiên khi “Anh em Hồi giáo” thắng thế trong mỗi cuộc bầu cử dù chiến thắng càng ngày càng thu hẹp lại. Ngày càng nhiều người biểu tình Ai Cập cáo buộc Tổng thống Mursi hành động vì lợi ích riêng của “Anh em Hồi giáo” hơn là lợi ích chung của Ai Cập và đồng thời bỏ qua tất cả những nguyện vọng của phe đối lập.

Uy tín của “Anh em Hồi giáo” và của Tổng thống Mursi bắt đầu sụp đổ khi liên tục thất hứa. Họ cam kết không trù dập các ứng viên tổng thống, không tìm kiếm khả năng kiểm soát quốc hội, không chi phối tiến trình thành lập hiến pháp nhưng cuối cùng, họ đã phá vỡ tất cả.

Thay vào đó, Tổng thống Mursi và Anh em Hồi giáo đã thông qua một Hiến pháp chống lại  quyền bình đẳng cho phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Họ bị cáo buộc đàn áp truyền thông; cho phép rao giảng các bài diễn văn kích động chống lại những người Hồi giáo không phải dòng Sunni và triệt để loại trừ tàn dư của chế độ độc tài Mubarak.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, một năm dưới một chính phủ Huynh đệ Hồi giáo lại là thời gian người Ai Cập tự giác ngộ về dân chủ một cách sâu sắc. Chính Tổng thống Mursi và “Anh en Hồi giáo” đã vô tình giúp người Ai Cập nhận ra một nền dân chủ thực sự là như thế nào cũng như quyền và tiếng nói của các nhóm thiểu số.

Hiện chưa rõ làn sóng biểu tình thứ 2 của Ai Cập sẽ dẫn tới đâu trong khi phe đối lập vẫn còn chia rẽ và yếu ớt không đủ để đánh bại “Anh em Hồi giáo” trong cuộc bầu cử mới. Nhưng cuộc biểu tình là dấu hiệu cho thấy cuộc cách mạng đang đi xa hơn và lần này mục tiêu công kích chính lại là  tổ chức “Anh em Hồi giáo”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Bạch Dương (Theo CNN)

Bình luận(0)