Quân nổi dậy “ôn hòa” có nguy cơ tuyệt chủng ở Syria là nhận định của nhà phân tích Barak Barfi, thành viên cao cấp của New America Foundation, trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest.
|
Nhà phân tích Barak Barfi, thành viên cao cấp của New America Foundation.
|
Theo nhà phân tích Barak Barfi,
quân nổi dậy ôn hòa mà Lầu Năm Góc đào tạo đã bị những kẻ thánh chiến có liên kết với Al-Qaeda bắt giữ và tịch thu vũ khí, ngay sau khi được tuồn vào Syria. Hơn một năm sau khi Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ "làm suy yếu và cuối cùng tiêu diệt " Nhà nước Hồi giáo (IS),
phiến quân IS ở Iraq và Syria vẫn tiếp tục đà lấn chiếm lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng.
Trong khi chính quyền Mỹ “tọa sơn quan hổ đấu”, người Nga và phiến quân IS ráo riết mở rộng sự hiện diện ở Syria và các nước đồng minh Trung Đông cũng không chịu “khoanh tay đứng nhìn”. Các nước này đang tìm cách hỗ trợ các phe phái cực đoan và biến quân nổi dậy “ôn hòa” được Mỹ đào tạo thành một loài “có nguy cơ tuyệt chủng”. Rốt cuộc, Mỹ sẽ không còn một đồng minh thực thụ nào ở Syria.
Mỹ đã hậu thuẫn hai chương trình đào tạo ở Syria và cả hai đều thất bại thảm hại.
Chương trình “đào tạo và trang bị” cho cái gọi là quân nổi dậy “ôn hòa” của Mỹ đã bị nhóm cực đoan Mặt trận al-Nusra (có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda) làm cho phá sản. Vừa mới “chân ướt chân ráo” vào Syria, nhúm chiến binh “ôn hòa” này đã bị Mặt trận al-Nusra bắt giữ và tịch thu vũ khí đạn dược do Mỹ cung cấp.
Chiến dịch bí mật do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tiến hành nhằm huấn luyện tác chiến và cung cấp vũ khí cho cái gọi là Quân đội Syria Tự do (FSA) cũng bị đổ vỡ thảm hại. Nhiều chiến binh FSA được CIA đào tạo hoặc đào ngũ hoặc đầu quân cho các nhóm cực đoan ở Syria.
Các đơn vị còn sót lại của FSA thì quá nhỏ và quá yếu ớt, không đủ sức đối chọi với phiến quân IS. Ở miền bắc Syria, hầu như không ai trong số 500 quân của FSA chống đối IS. Tệ hơn nữa, Quân đội Syria Tự do đang ngày càng bị dồn ép, loại trừ bởi các nhóm cực đoan như Jabhat al-Nusra (Mặt trận al-Nusra) và Ahrar al-Sham.
Một lý do đằng sau sức mạnh ngày càng tăng của các nhóm cực đoan là sự hỗ trợ của các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Kể từ khi lên ngôi hồi tháng 1/2015, Quốc vương Salman của Ả-rập Xê-út đã tìm cách liên kết với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. “Bộ ba” này đã tăng cường viện trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền bắc Syria và tạo ra cái gọi là “Đạo quân chinh phục” trong tháng Ba năm nay. Với lực lượng dồi dào và vũ khí tiên tiến, “Đạo quân chinh phục” đã nhanh chóng đánh chiếm hầu hết tỉnh Idlib rộng lớn từ tay quân chính phủ Syria.
Quốc vương Salman coi sự mở rộng ảnh hưởng của Iran từ Gaza sang Yemen là mối đe dọa lớn nhất đối với Ả-rập Xê-út. Ông đặc biệt “dị ứng” với sự hỗ trợ của Tehran dành cho chế độ Assad ở Syria. Không giống như Washington, ưu tiên hàng đầu của Ả-rập Xê-út và các đồng minh là lật đổ chế độ Assad, chứ không phải là tiêu diệt nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Trái ngược với “những người Mỹ khó tính”, Ả-rập Xê-út và các đồng minh không hề phân biệt giữa quân nổi dậy “ôn hòa” và thánh chiến cực đoan. Họ sẵn sàng chi cả đống tiền cho bất kỳ nhóm nào sẵn sàng chiến đấu chống chế độ Assad, trừ Nhà nước Hồi giáo IS.
Trước chiến dịch không kích phiến quân của Nga ở Syria, “bộ ba” này chắc chắn sẽ “nỗ lực gấp đôi” trong việc cung cấp tiền bạc, vũ khí và lãnh thổ cho các nhóm phiến quân cực đoan. Việc CIA cung cấp “nhỏ giọt” cho quân nổi dậy “ôn hòa” không thể nào bì kịp luồn vũ khí tối tân ồ ạt mà “bộ ba” này cung cấp cho “Đạo quân chinh phục”. “Đạo quân chinh phục” có thể nhanh chóng tiêu diệt quân nổi dậy “ôn hòa”, nếu cảm thấy lực lượng này gây phiền toái.
Cựu giám đốc CIA David Petraeus gần đây đã khuyến cáo viện trợ cho các thành viên “ôn hòa” của Mặt trận al-Nusra có liên hệ với al-Qaeda. Trong khi đó mục tiêu của hai nhóm cực đoan Mặt trận al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo IS xem ra có rất nhiều điểm trùng hợp.
Tương tự, cựu Đại sứ Mỹ Robert Ford lại hỗ trợ việc Mỹ “nói chuyện” với nhóm Ahrar al-Sham vì cho rằng nhóm này “ôn hòa” hơn tổ chức khủng bố al-Qaeda. Nhưng nhóm Ahrar al-Sham đã đồng lõa trong vụ bắt cóc một công dân phương Tây và từng có mối quan hệ thân mật với IS trước khi bị đánh bật khỏi tỉnh Idlib trong năm 2014. Tren thực tế, Ahrar al-Sham chỉ tham gia cuộc chiến chống lại IS, sau khi dân chúng địa phương đã quay lưng lại với tổ chức này.
Chính vì vậy mà Washington nên cần thuyết phục các “lữ đoàn FSA” ở mạn bắc Syria đoàn kết lại vì các đơn vị này quá nhỏ và quá yếu ớt để tồn tại lâu dài. Chỉ có đoàn kết với nhau, 20 “lữ đoàn” FSA mới có thể đối chọi với Jabhat al-Nusra ở một số khu vực và tránh phải trả tiền “bảo kê” trong khi di chuyển.
Nhà phân tích Barak Barfi kết luận: Trong thế giới Arập, chủ nghĩa thế tục không mấy hấp dẫn như ở phương Tây. Thay vì tìm kiếm các đối tác trong số những người cùng chí hướng, người Mỹ nên tìm kiếm những người có cùng lợi ích. Nếu Washington không chịu làm như vậy, tầm ảnh hưởng của các nhóm cực đoan và Nga sẽ tiếp tục phát triển ở Syria. Và khi đó, nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo cũng “tọa sơn quan hổ đấu” từ băng ghế dự bị.