Nga đã tăng cường các hoạt động quân sự tại Syria tuần qua. Mặc dù Moscow khẳng định các cuộc không kích IS của Nga tại Syria chỉ tấn công mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức khủng bố khác nhưng Mỹ cáo buộc Moscow đang nhắm vào lực lượng đối lập Syria, đặc biệt là quân nổi dậy do Washington đào tạo và cung cấp vũ khí.
|
Tổng thống Nga Vladimr Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Quan điểm của Trung Quốc
Tình hình tại Syria là một mớ hỗn độn địa chính trị (và là một thảm họa nhân đạo). Mối quan tâm của Trung Quốc về tình hình Syria bao gồm một số yếu tố khiến Bắc Kinh có thể ủng hộ động thái gần đây của Nga hoặc ngược lại.
Trung Quốc có lợi ích trong việc ủng hộ Nga về các vấn đề quốc tế, với mong muốn rằng Moscow sẽ “đền đáp”. Được biết, mối quan hệ Trung-Nga ngày càng được cải thiện kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2013 và tăng cường sự hợp tác giữa hai nước.
Về vấn đề Syria, Trung Quốc và Nga đã cùng nhau phủ quyết bốn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kể từ năm 2011. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không chỉ trích Nga về việc sáp nhập Crimea năm 2014.
Nga và Trung Quốc đều không hài lòng với sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Syria, đặc biệt với mục đích thay đổi chế độ. Do vậy, Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích Washington về việc đào tạo và cung cấp vũ khí cho các nhóm quân nổi dậy chống lại chế độ Assad.
Trung Quốc thường có xu hướng ủng hộ chính phủ đương nhiệm bất kể trong hoàn cảnh nào. Khi Mỹ bắt đầu tiến hành những cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS tại Syria, một trong những mối quan tâm chính của Trung Quốc là hành động của Washington không được chính phủ hợp pháp ở Syria chấp thuận (mặc dù Bắc Kinh ủng hộ khía cạnh chống khủng bố). Tuy nhiên, việc Nga phối hợp các hoạt động quân sự với chính phủ của Tổng thống Assad lại là hợp pháp theo góc độ của Trung Quốc.
Trung Quốc không can thiệp vào những diễn biến gần đây tại Syria (không có cuộc họp báo hay tuyên bố chính thức nào từ các cơ quan chính phủ). Tuy nhiên, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã đưa ra một số quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này.
Về lý do Nga can thiệp vào Syria, một bài đăng trên Tân Hoa Xã đã nhấn mạnh 5 yếu tố: Lực lượng chính phủ Syria ngày càng yếu thế; các cuộc không kích IS của Mỹ không đem lại hiệu quả; khủng bố IS ngày càng trở thành một mối đe dọa; Syria là một thảm họa nhân đạo và cuối cùng, Nga đang tìm cách bảo vệ lợi ích của họ tại Syria. Nhìn chung, sự can thiệp của Nga là nhằm bảo vệ Syria trước sự đe dọa của phiến quân IS.
|
Các chiến đấu cơ tham gia chiến dịch không kích.
|
Một bài báo khác nhận định, sự can thiệp của Nga tại Syria là một phần của "ván cờ" giữa Washington và Moscow. Theo bài báo, sự can thiệp quân sự tại Ukraine đã giúp Tổng thống Nga Putin đạt được mục đích và ông chủ điện Kremlin đang theo đuổi một chính sách tương tự tại Syria để tái khẳng định tuyên bố rằng phương Tây cần hợp tác với Tổng thống al-Assad trong cuộc chiến chống IS.
Một số bài viết khác trên Tân Hoa Xã nhắc lại khẳng định của Nga rằng các cuộc không kích của Moscow chỉ nhắm vào những tổ chức khủng bố. Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh các bình luận của quan chức Nga rằng, mục đích cuối cùng của họ là giải pháp chính trị - một thái độ phù hợp với quan điểm riêng của Trung Quốc.
Thông qua những bài báo trên Tân Hoa Xã, Trung Quốc thấu hiểu động cơ của Nga và có thể có thái độ đồng tình. Tuy nhiên, có thể Trung Quốc không tán thành các phương thức mà Nga đã thực hiện – không kích và phóng tên lửa.
Có điều, Bắc Kinh cần sự ổn định ở Trung Đông – nguồn nhập khẩu dầu mỏ quan trọng của Trung Quốc. Và quan trọng hơn, nguyên tắc đầu tiên của Bắc Kinh về tình hình Syria vẫn là “vấn đề Syria phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Can thiệp quân sự không phải là giải pháp”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố như vậy khi trả lời câu hỏi về hành động của Nga tại Syria.
Mặc dù truyền thông Trung Quốc có vẻ đồng tình với quan điểm của Nga nhưng Bắc Kinh sẽ chỉ kêu gọi các bên đàm phán hòa bình – một lời chỉ trích ngầm đối với các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria.