Đó là nhận định của nhà báo người Anh Bill Hayton, hiện là cộng tác viên của Chương trình Châu Á của tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House có trụ sở tại Vương quốc Anh, trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest ngày 12/7/2016.
|
Nhà báo Bill Hayton, cộng tác viên của Chương trình Châu Á của tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House có trụ sở tại Vương quốc Anh. Ảnh youtube.com |
Theo nhà báo Bill Hayton, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông luôn thiên về yếu tố tình cảm dân tộc hơn yếu tố lịch sử. Đó là một sự tập hợp của cái gọi là nỗi “quốc nhục” trong thế kỷ 19 và 20, sự nhầm lẫn về lịch sử kết hợp với sự kém hiểu biết về bản đồ nước ngoài và ý thức thủ cựu của sự tự cho mình là đúng.
Vấn đề đối với khu vực Biển Đông là bất chấp phán quyết của trọng tài, những sự nhầm lẫn và cảm xúc cố hữu của người Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị xóa bỏ. Hơn thế nữa , các trường học ở Trung Quốc vẫn tiếp tục nhồi nhét vào sâu tâm trí trẻ em những quan điểm lộn xộn về quá khứ và các phương tiện truyền thông quốc gia vẫn ra sức tuyên truyền những thông điệp gây nhầm lẫn cho người lớn. Đối với một số người Trung Quốc, phán quyết PCA bị coi là một tình tiết nữa trong câu chuyện dài kỳ về lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm.
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye dày 501 trang có đoạn viết: "Toà án (PCA) không thể xác định bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử quy định hoặc kiểm soát đánh cá ở Biển Đông, ngoài giới hạn lãnh hải của nước này”. Điều đó có thể làm tiêu tan sự nhầm lẫn tiềm ẩn trong lập trường của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông, khi cho rằng Trung Quốc - và chỉ có Trung Quốc - là nước duy nhất đã khai thác vùng biển nằm giữa bờ biển của nước này và bờ biển của các nước láng giềng.
Không ai có thể phủ nhận việc các thương nhân hoặc các cộng đồng ngư dân Trung Quốc đã khai thác Biển Đông. Nhưng các thương nhân và ngư dân của tất cả các nước khác xung quanh Trung Quốc cũng đã làm như vậy. Đó là chưa kể các thương nhân đến từ Ấn Độ, Ba Tư, Arập và Châu Âu.
Lịch sử Biển Đông luôn là lịch sử của sự chia sẻ. Hồi thế kỷ thứ 8, các thương nhân Hồi giáo đã xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở Quảng Châu; thợ đóng tàu Trung Quốc đã mượn ý tưởng thiết kế từ các tàu thuyền Mã Lai và khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các vụ trao đổi. Chủ nghĩa sô vanh nước lớn về vị thế độc tôn và đòi hỏi chủ quyền biển quá đáng của Trung Quốc mới chỉ nổi lên trong những năm suy tàn của nhà Thanh và trong những năm đầu hỗn loạn của Trung Hoa dân quốc.
Chủ nghĩa sô vanh nước lớn chính là cội nguồn gây rối ở Biển Đông cho đến tận ngày nay. Trung Quốc muốn tối đa hóa yêu sách của mình ở Biển Đông vì nhiều lý do, chủ yếu nhằm phòng thủ duyên hải, khẳng định quyền đánh bắt cá, thăm dò dầu khí và tạo không gian hoạt động cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Đây chính là tham vọng của chính giới Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của nước này. Tham vọng đó đã trở nên rõ ràng hơn kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ông Tập đã cải tổ các cơ quan nhà nước khác nhau, với mục đích bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
Câu hỏi đặt ra là khu vực và thế giới sẽ phản ứng như thế nào sau phán quyết của PCA? Xem ra, các bên không nên phản ứng ồn ào thái quá và tránh khoét sâu vào lòng tự tôn dân tộc. Tất cả các bên cần tránh các hành động khiêu khích có thể hủy hoại thực tế mới ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye.
Theo nhà báo người Anh Bill Hayton, Bắc Kinh xem ra cũng không muốn hành động mạo hiểm để chuốc lấy thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức vào đầu tháng 9/2016. Trung Quốc và cộng đồng thế giới hiện có một vài tuần để suy ngẫm về cách thức hành xử ở Biển Đông trong tương lai.